01/01/2013 - 21:16

Du lịch sinh thái Cà Mau

Chờ sự bứt phá

Có dịp về Cà Mau những ngày cuối năm mới cảm nhận hết sự thay da đổi thịt từng ngày, bộ mặt đô thị đang cải thiện, đường sá khang trang, du lịch sinh thái, du lịch biển dần tạo được điểm nhấn riêng, dù chưa như kỳ vọng. Tỉnh Cà Mau đang chú trọng đầu tư hạ tầng các điểm du lịch sinh thái, khu di tích lịch sử, văn hóa tạo sự hấp dẫn đối với du khách gần xa khi về vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc.

Những điểm sáng

Ngành du lịch tỉnh Cà Mau cần được quan tâm đầu tư hơn nữa mới thu hút khách du lịch (ảnh chụp tại Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Đất Mũi). 

Nằm ở điểm cuối cùng cực Nam Tổ quốc, với chiều dài bờ biển 254km là thế mạnh giúp tỉnh Cà Mau đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và khai thác du lịch gắn với kinh tế biển. Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau đã phê duyệt quy hoạch đầu tư nhiều khu du lịch sinh thái, đến nay, tỉnh có nhiều điểm du lịch như: Hòn Đá Bạc, Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Vườn Quốc gia Đất Mũi, Khu du lịch Lý Thanh Long… với nhiều sản phẩm đặc trưng vùng biển và ngày càng hấp dẫn đối với khách du lịch khắp mọi miền đất nước; đồng thời là điểm đến lý tưởng của du khách nước ngoài.

Theo các doanh nghiệp lữ hành, Cà Mau không chỉ là mảnh đất thiêng liêng đối với người dân Việt Nam, nơi đây còn có hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng phong phú, nhiều khu rừng quốc gia là nơi bảo tồn các loài sinh vật quý hiếm. Hiện nay, điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất là cột mốc tọa độ quốc gia - cột mốc cuối cùng của Tổ quốc; Vọng lâm đài (đài quan sát) có độ cao 21m so với mực nước biển, tại đây có thể nhìn thấy Mũi Cà Mau rõ hơn. Du khách có thể tham quan khu mô phỏng làng rừng kháng chiến, gợi nhớ về truyền thống cách mạng hào hùng của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây vì độc lập dân tộc. Ngoài ra, các điểm du lịch còn có các sản phẩm lưu niệm được làm từ gỗ đước, những bức ảnh khắc họa nét đẹp của thiên nhiên... Thời gian gần đây, các điểm du lịch tại Cà Mau thu hút khách nhiều tỉnh, thành trên cả nước đến tham quan, nhất là vào những ngày lễ, Tết, cuối tuần… Năm 2011, riêng Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau có khoảng 42.000 lượt khách đến tham quan, tính đến tháng 11-2012 có trên 50.000 lượt khách trong và ngoài nước đến đây thưởng ngoạn…

Ông Từ Quang Tuyến, Phó phòng Quản lý du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Đất Mũi, cho biết: Vườn Quốc gia Đất Mũi nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau được UNESCO công nhận năm 2009 với tổng diện tích 371.506ha. Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng và phong phú về chủng loại động- thực vật quý hiếm có trong Sách đỏ thế giới như: khỉ đuôi dài, cà khu, cò chân xám, bồ nông, giang sen… Các loài bò sát như: kỳ đà hoa, rùa hợp lưng đen… Ngoài bảo tồn các loài sinh vật, động vật quý hiếm, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau còn có nhiệm vụ điều hòa khí hậu, tạo môi trường sinh thái trong lành để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hàng năm, nơi đây còn thu hút nhiều đoàn khách từ các trường, viện đến tham quan tìm hiểu nghiên cứu về cách bảo tồn đa dạng sinh học...

Cà Mau có nhiều nỗ lực trong việc phát triển ngành du lịch. Song, phải thừa nhận rằng, các điểm du lịch còn nhiều khó khăn, các dịch vụ hậu cần đi kèm chưa được đầu tư đúng mức, đôi lúc khiến khách du lịch chưa hài lòng khi đến tham quan...

Tăng đầu tư dịch vụ

Chị Nguyễn Diễm Thúy du khách từ TP Hồ Chí Minh đến tham quan Hòn Đá Bạc, chia sẻ: "Lần đầu tiên tôi đến Hòn Đá Bạc, tham quan khu di tích lịch sử Hòn Đá Bạc hiểu hơn về lịch sử hào hùng của người dân nơi đây, phong cảnh ở đây thật hữu tình. Tuy nhiên, nhà hàng khách sạn, khu vui chơi giải trí, các dịch vụ ăn uống… không đáp ứng yêu cầu, khiến khách du lịch e ngại khi đến đây". Anh Thanh Tâm, khách du lịch có mặt tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ nói: "Các điểm du lịch còn khá hoang sơ, chưa tạo dấu ấn cho khách du lịch, các dịch vụ gia tăng chưa được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp". Do vậy, muốn trở thành điểm đến hấp dẫn, Cà Mau cần khai thác tốt tiềm năng thế mạnh gắn với du lịch.

Ông Từ Quang Tuyến, Phó phòng Quản lý du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn Quốc gia Đất Mũi, cho rằng do đặc thù là vườn quốc gia nên các khu vườn chủ yếu để bảo tồn tính đa dạng sinh học các loài động vật quý, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái có thực hiện nhưng chưa được tập trung đúng mức. Theo ông Tuyến, phát triển du lịch đi kèm với bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những cách góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Để làm được điều này, cần phải tập trung đầu tư giao thông đồng bộ, phát triển cơ sở hạ tầng, các dịch vụ đi kèm, đầu tư các khu vui chơi giải trí tạo sự thoải mái mới hấp dẫn khách du lịch…

Với những lợi thế của vùng đất ngập nước, hệ thống rừng ngập mặn, và tới đây, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sẽ là Khu Ramsar của thế giới (Công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý ở các vùng đất ngập nước) sẽ đánh dấu mốc mới cho Cà Mau. Đây cũng là cột mốc quan trọng giúp tỉnh đẩy mạnh khai thác du lịch sinh thái biển gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch đang được tỉnh chú trọng đầu tư, nhiều tuyến đường hành lang kinh tế ven biển đi qua địa bàn tỉnh do Trung ương đầu tư cũng đang gấp rút tiến hành sẽ đưa vùng đất cuối trời cực Nam Tổ quốc xích lại gần hơn với các địa phương trong cả nước và kết nối quốc tế.

Bài, ảnh : THU HOÀI

Chia sẻ bài viết