22/06/2024 - 21:38

Chính trường Nam Phi xáo động 

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 19-6 trong điều kiện đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) sau 30 năm cầm quyền lần đầu tiên đánh mất thế đa số tại quốc hội sau cuộc tổng tuyển cử ngày 19-5. Sự xáo động này đánh dấu cục diện chính trị mới khó lường cho ông Ramaphosa, ANC và cả tương lai của đất nước cầu vòng.

Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2 hôm 19-6. Ảnh: EFE/EPA

Theo kết quả bầu cử, không một đảng nào giành được đa số trong Quốc hội Nam Phi có 400 thành viên. ANC dù vẫn là đảng lớn nhất nhưng chỉ giành được 159 ghế (tương ứng với tỷ lệ 40% số phiếu bầu). Đảng đứng thứ hai là Liên minh Dân chủ với 87 ghế, đứng thứ ba là đảng uMkhonto we Sizwe  (MK) do cựu Tổng thống Jacob Zuma lãnh đạo với 58 ghế và đảng Những người đấu tranh vì tự do kinh tế (EFF) theo chủ nghĩa Marxist đứng thứ tư với 39 ghế.

Tổng thống Cộng hòa Nam Phi được Quốc hội, cụ thể là Hạ viện, bỏ phiếu bầu chọn và thường là lãnh đạo của đảng đa số. Tổng thống Nam Phi là nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và tổng tư lệnh quân đội. Nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 5 năm và được giới hạn trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Ngoài tổng thống, Nam Phi có phó tổng thống là đại biểu quốc hội, cùng Hội đồng tỉnh quốc gia (đóng vai trò như thượng viện) gồm 90 thành viên.

Cục diện chính trị mới

Vì thế, để thành lập chính phủ đa số, ông Ramaphosa và ANC phải vận động sự ủng hộ từ nhiều đảng phái khác. Cuối cùng có 5 đảng tham gia, trong đó đáng chú ý nhất Liên minh Dân chủ (DA), cùng với đảng Tự do Inkatha (17 ghế) bảo thủ, Liên minh Yêu nước (9 ghế) cánh hữu và  đảng GOOD chỉ có 1 ghế. Như vậy, chính phủ đoàn kết dân tộc tại Nam Phi đại diện cho 273 ghế, tương đương 68% số ghế trong cơ quan lập pháp.

Đảng DA do người da trắng lãnh đạo ủng hộ doanh nghiệp và kinh tế tự do, là đối thủ lớn truyền kiếp từ trước tới nay của ANC. Thị trường Nam Phi đã phản ứng tích cực khi hay tin DA tham gia chính phủ, bởi đảng trung dung thân thiện với doanh nghiệp này thường được biết đến với khả năng quản trị trong sạch. Lãnh đạo đảng này, ông John Steenhuisen, gọi thỏa thuận liên minh chính phủ đoàn kết dân tộc là “một chương mới trong lịch sử đất nước” và là ý nguyện của người dân về một nền chính trị mới. 

Nam Phi trên thực tế đã từng có một chính phủ đoàn kết dân tộc. Chính phủ dân chủ đầu tiên vào năm 1994 là một phần của thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa cố Tổng thống Nelson Mandela và tổng thống cuối cùng của chế độ phân biệt chủng tộc F.W. de Klerk. Chính phủ dân chủ này đã trở thành biểu tượng hòa giải của đất nước cầu vòng đa chủng tộc, đa văn hóa. Tuy nhiên, sự khác biệt về ý thức hệ và chính sách giữa ANC và DA có thể sẽ làm cho việc điều hành đất nước của Tổng thống Ramaphosa gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Ramaphosa mô tả chính phủ liên minh 5 đảng là “sự khởi đầu của một chương mới cho Nam Phi”. Ông kêu gọi các đảng phái khác sẽ hoặc có thể  trở thành một phần của chính phủ, gạt bỏ mâu thuẫn chính trị sang một bên và cùng nhau hợp tác vì lợi ích của đất nước.  Ông nhận định chính phủ đoàn kết dân tộc hình thành vào một thời điểm có ý nghĩa sâu sắc, một sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Ông nhấn mạnh các mục tiêu của chính phủ bao gồm giảm đói nghèo; bảo vệ quyền lợi của người lao động; đảm bảo sự ổn định của chính phủ và nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước; đầu tư vào giáo dục và y tế; chấm dứt nạn tham nhũng; giữ vững Hiến pháp…

Trước đó, trong bài phát biểu đầu tiên trước quốc dân sau khi được Quốc hội bầu lại làm tổng thống hôm 14-6, ông Ramaphosa đã nhận diện 3 thách thức quan trọng nhất mà chính phủ nước này phải đối mặt và giải quyết là nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng.

Thêm thách thức lớn từ người cũ

Trong khi đối thủ truyền kiếp gia nhập chính phủ, một liên minh đối lập mới thiên tả được ra đời, gọi là “Cộng đồng cấp tiến” gồm đảng Những người đấu tranh vì tự do kinh tế, đảng MK và một số đảng nhỏ khác.

Cựu Tổng thống Jacob Zuma, lãnh đạo đảng MK, kêu gọi hủy bỏ kết quả bầu cử. Ảnh: AFP

Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, cựu Tổng thống Zuma không được tham gia tranh cử bởi một lý do gây tranh cãi. Nhà lãnh đạo 81 tuổi từng làm tổng thống gần 2 nhiệm kỳ này được Tòa án bầu cử, một cơ quan độc lập, cho phép tranh cử nhưng theo kháng nghị của Ủy ban bầu cử, Tòa án Hiến pháp Nam Phi phán quyết rằng ông Zuma không đủ tư cách để tranh cử. Theo kháng nghị của Ủy ban bầu cử Nam Phi, ông Zuma phải bị cấm tranh cử liên quan tới bản án 15 tháng tù giam vào tháng 6-2021 vì khinh thường tòa án. Theo Mục 47 của Hiến pháp Nam Phi, bất kỳ người nào bị kết án hơn 12 tháng đều không thể tham gia tranh cử hoặc giữ chức vụ trong cơ quan công quyền. Nhưng ông Zuma được trả tự do để chữa bệnh sau khi chấp hành 3 tháng và sau đó được Tổng thống Cyril Ramaphosa và Bộ trưởng Tư pháp Ronald Lamola giảm án đặc biệt do nhà tù quá đông.

Ông Zuma từng là tổng thống thứ tư (giai đoạn 2009-2018) kể từ khi Nam Phi chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc vào năm 1994. Ông buộc phải từ chức sớm vào tháng 2-2018 trước sức ép của ANC do những bê bối tham nhũng liên quan đến ông và các đồng minh.

Dù không thể tham gia tranh cử, hình ảnh của ông Zuma vẫn xuất hiện trên lá phiếu với vai trò là đại diện đảng MK. Có điều, ông đã đâm đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu hủy bỏ kết quả bầu cử mà ông cho rằng gian lận để tiến hành một cuộc bầu cử mới. Các nghị sĩ của đảng MK  cũng đã tẩy chay phiên họp đầu tiên của Quốc hội Nam Phi nhằm bầu chọn nhân sự lãnh đạo đất nước, đồng thời tẩy chay lễ nhậm chức của Tổng thống Ramaphosa.

Các nhà giám sát quốc tế khẳng định cuộc tổng tuyển cử vừa qua tại Nam Phi đã diễn ra tự do và công bằng, nhưng giới phân tích lo ngại hành động của ông Zuma và MK sẽ kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ khóa mới. MK đã gọi chính phủ đoàn kết dân tộc là một “liên minh bất kính do người da trắng dẫn dắt”, hàm ý cáo buộc ANC liên kết với đảng DA do người da trắng lãnh đạo. Theo các nhà phân tích, DA chủ trương bãi bỏ một số chính sách trao quyền cho người da đen của ANC, khiến đảng này không được lòng những người Nam Phi nghèo khó và giới trẻ vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng bất bình đẳng gia tăng trong nước.

Tham vọng của MK

Việc ANC cầm quyền mất thế đa số trong Quốc hội Nam Phi được cho do cử tri đảng này quay sang ủng hộ đảng MK và cá nhân ông Zuma, cựu lãnh đạo cao cấp của ANC. Ngoài ra, tình trạng cắt điện kỷ lục, cung cấp dịch vụ kém và tỷ lệ thất nghiệp cao (lên tới 32,1% trong tháng 12-2023) có thể là nguyên nhân gây tổn hại uy danh cho ANC.

Trong khi đó, đảng MK đã có cương lĩnh tranh cử táo bạo bao gồm bãi bỏ hiến pháp hiện tại và thay thế bằng hệ thống nghị viện; quốc hữu hóa đất đai, các mỏ chiến lược và ngân hàng trung ương; tăng trợ cấp lương hưu cho người già lên hơn gấp đôi hiện tại; rút khỏi Hiệp ước loại bỏ than đá làm nguồn năng lượng chính; rút ​​khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC)… Các kế hoạch của MK tương tự như kế hoạch của đảng Những người đấu tranh vì tự do kinh tế (EFF) cánh tả.

Đảng uMkhonto we Sizwe  (MK), mới được thành lập vào tháng 12-2023, có nghĩa là “Ngọn giáo dân tộc”, chính là tên của lực lượng bán vũ trang do lãnh tụ tiền bối Nelson Mandela thiết lập trong cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc. Vì thế, ANC dọa sẽ có hành động pháp lý phản đối đảng của ông Zuma sử dụng tên này.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết