30/07/2016 - 16:35

Chính trường Brazil lại dậy sóng trước thềm Olympic

Theo thông báo từ Bộ Tư pháp Brazil, cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva (ảnh) sẽ bị xét xử vì cáo buộc cản trở cuộc điều tra tham nhũng tại Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras. Động thái này được đánh giá dọn đường cho việc đưa một trong những chính trị gia quyền lực nhất xứ sở Samba ra trước vành móng ngựa.

Ảnh: AFP

Theo quyết định được công bố hôm 29-7, ông Silva (70 tuổi) và 6 người khác bị cáo buộc đã nỗ lực mua lấy sự im lặng của một cựu giám đốc Petrobras, có dính líu vào vụ bê bối tham nhũng tại tập đoàn này. Trong số các nhân vật bị truy tố có cựu Thượng nghị sĩ Delcidio do Amaral, người từng là đồng minh quan trọng của cựu Tổng thống Silva trong đảng Công nhân (PT) cầm quyền.

Các công tố viên cho biết ông Amaral khai rằng cựu Tổng thống Silva đã yêu cầu ông ta giúp đỡ cho vị giám đốc Petrobras cũng bị truy tố trong đường dây tham nhũng tại Petrobras. Trong khi đó, ông Silva nói rằng ông Amaral bịa đặt ra lời khai trên để tránh cho bản thân khỏi bị truy tố tội danh nặng hơn trong vụ xét xử riêng của ông này. Lâu nay, cựu Tổng thống Silva vẫn một mực phủ nhận đã phạm bất kỳ hành vi sai trái nào. Nhưng các công tố viên Brazil khẳng định đường dây tham nhũng làm thiệt hại hàng tỉ USD tại Petrobras đã "bám gốc rễ" trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Silva (từ năm 2003 đến năm 2011), và tiếp diễn trong cả nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống hiện bị đình chỉ Dilma Rousseff.

Trong vụ án nghiêm trọng nhất chưa từng có trên, nhiều công ty kỹ thuật hàng đầu Brazil bị cáo buộc đút lót nhiều tiền cho Petrobras, sau đó chuyển tiền lại quả cho các giám đốc điều hành tập đoàn này và các chính trị gia. Những công ty này cũng đang bị điều tra tham nhũng xung quanh những địa điểm được chuẩn bị cho giải World Cup năm 2014 và Thế vận hội Olympic năm 2016 (2 sự kiện thể thao lớn mà Brazil giành được quyền đăng cai dưới thời ông Silva).

Theo hãng tin AFP, quyết định truy tố cựu Tổng thống Silva diễn ra giữa lúc chỉ còn khoảng 1 tuần đến ngày khai mạc Thế vận hội Olympic. Động thái này cũng sẽ kích hoạt một cuộc khủng hoảng chính trị đang làm suy giảm sức ảnh hưởng của đảng PT suốt 13 năm qua. Phó Tổng thống Michel Temer hôm 29-7 tuyên bố trước báo giới quốc tế rằng tình trạng bất ổn chính trị tại Brazil sẽ kết thúc vào cuối tháng 8, bằng việc đạt được một phán quyết trong phiên tòa luận tội bà Rousseff sau khi Thế vận hội Olympic tại Brazil bế mạc. Tuy nhấn mạnh quá trình luận tội sẽ hoàn toàn nằm trong tay Thượng viện Brazil, nhưng ông Temer dự đoán rằng bà Rousseff sẽ chính thức bị phế truất vì tội phản quốc. Điều này được cho sẽ giúp ông Temer thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018.

Ngược lại, bất chấp việc bị cáo buộc vi phạm luật ngân sách quốc gia, bà Rousseff khẳng định nó dựa trên chứng cứ bịa đặt và tuyên bố mình sẽ "bình an vô sự" sau cuộc bỏ phiếu phán quyết tại Thượng viện. Bà Rousseff chỉ trích ông Temer là kẻ phản bội khi làm việc với những người chống lại bà.

Trong phản ứng đáp trả ông Temer, cả ông Silva và bà Rousseff tuyên bố "tẩy chay" lễ khai mạc Thế vận hội Olympic 2016– sự kiện mà ông Temer giữ vai trò chủ trì trên cương vị nhà lãnh đạo lâm thời của Brazil.

NG. CÁT (Theo AFP, Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết