25/05/2013 - 19:43

Chính sách tích tụ ruộng đất nhìn từ thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long

* NGUYỄN ĐÌNH BỒNG
(TS, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam)

Tích tụ ruộng đất là một hiện tượng diễn ra trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Tuy nhiên, ở nước ta quá trình này mới ở quy mô nhỏ, trong thực tế còn nhiều vấn đề bất cập. Bài viết dưới đây sẽ phản ánh thực trạng tích tụ ruộng đất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nông nghiệp phát triển khá theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

Chính sách, pháp luật đất đai về tích tụ ruộng đất trong thời kỳ đổi mới

Tích tụ ruộng đất là quá trình tập trung ruộng đất từ nhiều thửa nhỏ thành thửa lớn, từ nhiều chủ sử dụng đất (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) vào một số chủ sử dụng đất có khả năng vốn, lao động, kinh nghiệm quản lý để sản xuất hàng hóa tập trung. Tích tụ ruộng đất làm tăng quy mô sản xuất (chỉ số diện tích đất đai trên một đơn vị sản xuất) và tăng chỉ số diện tích đất đai trên một lao động nông nghiệp. Quá trình tích tụ, tập trung và xã hội hóa trong sản xuất nông nghiệp tất yếu sẽ diễn ra, về nguyên tắc, theo 2 hướng:

- Tập thể hóa ruộng đất và tư liệu sản xuất: toàn bộ ruộng đất và tư liệu sản xuất thuộc sở hữu tập thể. Mô hình này phổ biến trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong giai đoạn từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến cuối thập niên 80 của thế kỷ XX; điển hình là các nông trang tập thể ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Trung Quốc, Triều Tiên, hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam (1960 - 1985).

- Từng bước tích tụ ruộng đất gắn với phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp trên cơ sở phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng gắn người lao động với đất đai, tư liệu sản xuất và sản phẩm cuối cùng là cây con; hợp tác các lĩnh vực, các khâu, công đoạn và những lĩnh vực khác (như làm đất, thủy lợi, bảo vệ thực vật, chế biến, tiêu thụ sản phẩm) với sự hỗ trợ của nhà nước về vốn, kết cấu hạ tầng và khoa học, công nghệ. Mô hình này đã được phát triển ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và ở Việt Nam (từ năm 1986).

Ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI (tháng 12-1986) đã đề ra đường lối: "Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Theo đó, Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam (từ khóa VI đến khóa XI) đã từng bước xác lập chủ trương hình thành và phát triển chính sách đất đai phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đổi mới, cụ thể hóa các nghị quyết Đại hội của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI đến khóa XI) đã ban hành một số chính sách đất đai quan trọng, liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất. Đó là:

Về chính sách đất đai có:

- Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khóa VII) ngày 5-4-1988 về "Đổi mới quản lý nông nghiệp".

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 6-1993) về "Tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội nông thôn".

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (tháng 12-1997).

- Nghị quyết 06 Bộ Chính trị (khóa VIII) tháng 11-1998 về một số vấn đề nông nghiệp và nông thôn.

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

- Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nghị quyết số 26-NQ/TW "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn"(l).

Về pháp luật đất đai liên quan đến vấn đề tích tụ ruộng đất

Thể chế hóa chủ trương, chính sách đất đai của Đảng, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, hệ thống pháp luật đất đai đã được hình thành và từng bước hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới kinh tế. Pháp luật đất đai đã quy định cụ thể những nội dung quản lý sử dụng đất nông nghiệp liên quan đến tích tụ ruộng đất.

Đối với vấn đề chế độ sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất có:

- Luật Đất đai năm 1987.

- Luật Đất đai năm 1993.

- Luật Đất đai năm 2003.

Về thời hạn và hạn mức sử dụng đất nông nghiệp cũng được quy định trong các văn bản pháp luật trên. Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được quy định rõ trong Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 ngày 21-6-2007.

Tình hình tích tụ ruộng đất

Quá trình tích tụ ruộng đất ở nước ta trong giai đoạn hiện tại có một số đặc điểm chung như sau:

a) Quá trình tích tụ ruộng đất được khởi đầu trong thời kỳ đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đến nay với các bước đi thích hợp, như đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, từng bước giao quyền tự chủ cho hộ gia đình, xã viên hợp tác xã; thực hiện chủ trương giao đất ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng được tham gia thị trường, hình thành thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản; khuyến khích tích tụ ruộng đất, đồng thời bảo đảm cho nông dân có đất sản xuất, được điều tiết bằng chế độ hạn điền.

b) Quá trình tích tụ ruộng đất đang diễn ra với quy mô nhỏ. Quy mô sử dụng đất trung bình cả nước (ha/hộ) như sau: hộ không sử dụng đất chiếm 4,05% tổng số hộ, hộ sử dụng dưới 0,5 ha chiếm 61,02%, hộ sử dụng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha chiếm 17,14%; hộ sử dụng từ 1 ha trở lên chiếm 17,8%(2).

c) Hiệu quả kinh tế của tích tụ ruộng đất là rõ rệt, nhưng có sự khác nhau giữa các vùng (ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi kinh tế hàng hóa phát triển thì sự tích tụ cao hơn so với vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi kinh tế hộ gia đình có quy mô nhỏ là chủ yếu).

d) Tích tụ ruộng đất chưa gắn với phân công lại lao động trong nông thôn, nông nghiệp một cách chặt chẽ: các trang trại trồng trọt có quy mô trong mức hạn điền hầu như chỉ sử dụng lao động gia đình là chính, kết hợp với thuê máy móc làm đất, gặt đập (ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long), hoặc sử dụng lao động chủ yếu của gia đình kết hợp với thuê lao động cấy, gặt theo thời vụ (ở vùng trung du miền núi và vùng đồng bằng Bắc Bộ). Một số trang trại trồng trọt, kinh doanh tổng hợp có quy mô lớn trên mức hạn điền thì thường kết hợp trang bị máy móc (máy cày, máy gặt đập liên hợp) với thuê lao động thường xuyên (ở mức khoảng 10 người) và lao động mùa vụ(3).

(Còn tiếp)

Theo Tạp chí Cộng Sản

------------------

(1) Xem: TS. Nguyễn Đình Bồng, ThS. Lê Thanh Khuyến; PGS, TS. Vũ Văn Phúc; PGS, TS. Trần Thị Minh Châu: Quản lý đất đai ở Việt Nam (1945 - 2010). Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

(2) Tổng cục thống kê: Kết quả điều tra nông thôn (2006).

(3) TS. Nguyễn Đình Bồng, ThS. Tạ Hữu Nghĩa: Vai trò quản lý nhà nước đối với quá trình tích tụ ruộng đất, Cục Chính sách hợp tác xã và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và FAO, 3-2009.

Chia sẻ bài viết