21/04/2013 - 20:24

Chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới tăng trưởng bền vững

Liên Hiệp Quốc vừa công bố Báo cáo "Điều tra kinh tế- xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2013, các chính sách kinh tế vĩ mô hướng tới tương lai vì sự phát triển bền vững và hòa đồng", trong đó có nhận định, đánh giá về triển vọng kinh tế và những giải pháp mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới.

Kinh tế Việt Nam hướng tới phát triển bền vững

Nhấn mạnh một số tín hiệu tích cực của tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây, TS Lê Xuân Sang, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: Một điểm sáng trong nền kinh tế thời gian này là xu hướng tăng ở khu vực dịch vụ và tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh trong ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh cũng góp phần vào tăng trưởng nói chung. Mặc dù phải đối mặt với những thách thức lớn để bình ổn nền kinh tế và tái cơ cấu ngành tài chính, song Việt Nam có lực lượng lao động năng động và nền kinh tế tương đối đa dạng.

 Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Big C Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA

Từ tháng 3-2013, lãi suất huy động bắt đầu giảm, tín dụng ngân hàng bắt đầu tăng từ tháng 2 (đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh). Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký tăng mạnh trong quý I/2013, thể hiện lòng tin của nhà đầu từ nước ngoài đối với thị trường kinh doanh ở Việt Nam không giảm. Hàng tồn kho giảm dần, đơn đặt hàng xuất khẩu đã nhiều lên trong quý I/2013. Một số doanh nghiệp trong nước bắt đầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hàng sản xuất trong nước so với hàng Trung Quốc đã bắt đầu tăng vị thế ở cả thành thị và nông thôn.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam trong tương lai, TS Lê Xuân Sang cho rằng: Nhìn chung nền kinh tế thế giới vẫn còn tiếp tục phải đối mặt với thách thức kèm theo những bất định và rủi ro lớn. Các dự báo về tình hình kinh tế thế giới được đưa ra vào thời điểm cuối năm 2012 và quý I/2013 đều được điều chỉnh hạ xuống đối với tăng trưởng kinh tế và các chỉ số kinh tế khác. Vì thế, các cộng đồng quốc tế đánh giá, trong năm 2013, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,5%, tương đương với mức tăng trưởng mà Quốc hội đã thông qua. Lạm phát dự báo cao hơn nhiều so với mức mục tiêu là 6-6,5% (không tính đến thời tiết và khả năng điều chỉnh giá). Các rủi ro khác cũng được dự báo là được kiềm chế hoặc cải thiện.

Trình bày những giải pháp trước mắt và dài hạn mà Chính phủ Việt Nam thực hiện trong thời gian tới, TS Lê Xuân Sang cho biết: Ngay trong quý II/2013, Nhà nước đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ, tăng cường phát hành trái phiếu đối với các dự án hạ tầng trọng điểm, các dự án mang tính lan tỏa cao; xây dựng và thực hiện khung pháp luật, chính sách tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống chi tiêu cụ thể cho việc lựa chọn, giám sát và đánh giá dự án đầu tư công. Nhà nước tái cấu trúc hệ thống tài chính theo hướng cân đối hơn thông qua lành mạnh hóa thị trường tín dụng và nâng cao vai trò thị trường chứng khoán trong huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp; đổi mới mô hình và cách thức giám sát thị trường tài chính, tăng cường hiệu lực giám sát thông qua việc thu hẹp các chuẩn mực trong nước với quốc tế. Áp dụng rộng rãi chuẩn mực quốc tế và bảo đảm tính trung thực, hiệu lực, chế tài thực thi cao trong áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, báo cáo tài chính, hệ thống thống kê, định giá tài sản doanh nghiệp; chú trọng nâng cao vai trò, hiệu lực và bảo vệ các nhà đầu tư, cổ đông, cá nhân trên thị trường chứng khoán. Cơ quan chức năng hoàn thiện các thể chế, thông lệ tốt trong hỗ trợ phát triển công nghệ, tăng liên kết doanh nghiệp, nâng cao cạnh tranh; cải cách quy trình, phương thức tham gia hoạch định chính sách.

Tăng cường động lực tăng trưởng nội địa

Trên cơ sở ghi nhận tình trạng bất bình đẳng về thu nhập gia tăng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt ở mức độ nghiêm trọng trong quá trình phát triển kinh tế của khu vực thời gian qua, Báo cáo "Điều tra kinh tế- xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2013" cho rằng, các chính sách kinh tế vĩ mô có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa khu vực đi theo hướng tăng trưởng bền vững và hòa đồng hơn, đây là ưu tiên hàng đầu trong chương trình phát triển sau năm 2015 của khu vực này.

Theo Báo cáo, tăng trưởng hòa đồng và thân thiện với môi trường là yếu tố then chốt để tạo ra các nguồn động lực kinh tế mới trong khi sự bất ổn toàn cầu vẫn còn tồn tại. Báo cáo ước tính kể từ khi bắt đầu diễn ra cuộc khủng hoảng toàn cầu, tình trạng bất ổn về chính sách kinh tế ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Hoa Kỳ đã làm cho GDP của khu vực này bị giảm sút 3%, tức là thiệt hại 870 tỉ đô la về giá trị sản lượng.

Báo cáo cảnh báo rằng: Nếu xu thế kinh tế vẫn tiếp diễn như hiện nay thì hiện tượng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh so với những năm gần đây có thể trở thành "chuyện thường tình" ở nhiều nền kinh tế trong khu vực và điều này có thể gây thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 1,3 nghìn tỉ USD vào cuối năm 2017. Các vấn đề về cấu trúc mang tính dài hạn như bất bình đẳng gia tăng hay thiếu hụt năng lượng và cơ sở hạ tầng càng làm cho tình trạng suy giảm kinh tế trong khu vực trở nên tồi tệ hơn. Do đó, giải pháp về cấu trúc để tăng cường các động lực tăng trưởng nội địa, chính là làm cho quá trình phát triển trở nên bền vững và hòa đồng hơn.

Báo cáo "Điều tra kinh tế- xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2013" nêu bật những lợi ích kinh tế của việc bảo trợ xã hội đối với khu vực này là nơi tập trung gần hai phần ba số người nghèo trên thế giới và với hơn một tỷ người có sinh kế bấp bênh. Lần đầu tiên, Báo cáo đưa ra kết quả tính toán về yêu cầu đầu tư công cộng cho một gói chính sách bảo trợ xã hội và phát triển bền vững, bao gồm chương trình bảo đảm việc làm, chương trình trợ cấp xã hội đại trà, trợ cấp người khuyết tật, tăng mức chi cho y tế công cộng, nhập học đại trà và tiếp cận đại trà với các nguồn năng lượng hiện đại hiệu suất cao.

NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN)

Chia sẻ bài viết