12/06/2013 - 13:48

Những hoạt động “dòm ngó” của NSA bị phanh phui

Chính quyền Obama dưới sức ép từ nhiều phía

Một người ủng hộ gọi Edward Snowden là “người hùng”. Ảnh: AFP

Chính quyền Obama đang phải đối mặt với những phản ứng ngày càng lớn từ dư luận trong nước và cả quốc tế đối với những hoạt động “dòm ngó” của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA)- vốn dẫn đến vụ rò rỉ an ninh quốc gia được cho là lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Khó cho chính quyền Obama

Xung quanh những vụ việc của NSA, dư luận chính trị tại Mỹ hôm 10-6 đã cho thấy sự chia rẽ khi một số thành viên trong Quốc hội đã lên tiếng kêu gọi Washington phải dẫn độ Edward Snowden, người tiết lộ thông tin về chương trình giám sát tuyệt mật các cuộc điện thoại và thu thập thông tin người dùng Internet của NSA, từ Hồng Công về Mỹ ngay lập tức. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Quốc gia Dianne Feinstein cho rằng “những gì Snowden đã làm là hành động phản quốc”. Do vậy có thể hiểu tại sao NSA cũng đã yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành cuộc điều tra hình sự với “những cáo buộc phản quốc” dành cho Snowden.

Tuy nhiên, vài chính trị gia hàng đầu tại Mỹ cũng đặt câu hỏi liệu những hành động của chính phủ qua chương trình của NSA có đi quá xa hay không. Ngay cả bà Feinstein cũng đã ra lệnh NSA phải đánh giá mức độ mà họ giới hạn những tiết lộ của người dân Mỹ đối với chương trình giám sát của chính phủ.

Trong khi đó, chính phủ các nước tại châu Âu cũng yêu cầu phía Mỹ trả lời ngay lập tức về vụ “nghe lén và theo dõi” của NSA và đồng loạt lên án hoạt động bí mật thu thập thông tin kỹ thuật số đối với người dân châu Âu, cho rằng đó là “điều không thể chấp nhận, sự vi phạm nghiêm trọng và phạm pháp đối với quyền cơ bản”. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố bà sẽ “gây sức ép” đối với Tổng thống Obama về các vụ theo dõi của NSA khi họ gặp nhau tại Berlin vào tuần tới.

Phản ứng của người dân Mỹ

Mới đây, cuộc thăm dò dư luận của trung tâm nghiên cứu Pew và tờ Bưu điện Washington đã cho thấy phần lớn dân Mỹ ủng hộ các chương trình theo dõi thông tin điện thoại của NSA.

Theo đó, 56% người dân tại xứ cờ hoa cho biết họ “chấp nhận” để NSA tiếp cận cuộc điện thoại trao đổi của hàng triệu người dân Mỹ thông qua yêu cầu bí mật của tòa án nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào nước Mỹ. Riêng tỷ lệ những người nói “không” với chương trình trên của NSA là 41%. Tuy nhiên, hãng Rasmussen lại cho kết quả khác, khi chỉ có khoảng 26% người “thích” chương trình thu thập thông tin điện thoại của NSA, so với 59% người phản đối.

Số phận bí ẩn của “người thổi còi”

Giữa lúc những tranh luận về hoạt động của NSA bùng phát và lan rộng hơn, Edward Snowden được cho đã “mất tích” tại Hồng Công. Hãng tin Anh Reuters hôm 11-6 loan tin rằng Snowden đã rời khỏi khách sạn Mira ở Hồng Công vào buổi trưa của ngày trước đó. Tuy nhiên, một phóng viên của Guardian lại tin rằng Snowden vẫn còn ở đặc khu hành chính của Trung Quốc này.

Snowden đã đặt chân đến Hồng Công vào hôm 20-5. Tại đây, Snowden đã công khai danh tính và tự nhận là người cung cấp những thông tin “động trời” cho Guardian để phanh phui các hoạt động bí mật của NSA.

Trước báo cáo cho rằng chính quyền Washington có thể dễ dàng dẫn độ Snowden về Mỹ bằng hiệp định dẫn độ đạt được với Hồng Công hồi năm 1996, việc người đàn ông 29 tuổi này có quyết định “trốn chạy” khỏi đất Hồng Công hay không là một dấu hỏi lớn. Tuy nhiên, mới đây Nhật báo Kommersant của Nga dẫn lời Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Putin, cho biết giới chức tại Mát-xcơ-va “sẽ xem xét dành cho Edward Snowden quy chế tị nạn chính trị, nếu anh ta gửi cho họ một yêu cầu thích hợp”.

THANH BÌNH (Tổng hợp)

 

Một người ủng hộ gọi Edward Snowden là “người hùng”. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết