Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 6-2, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho những hành vi đe dọa sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Khu trục hạm USS John S. McCain là tàu chiến đầu tiên của Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đến gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông hôm 5-2. Ảnh: Hạm đội 7
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm trên, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng “Mỹ sẽ tiếp tục kiên định trong các vấn đề nhân quyền và giá trị dân chủ, bao gồm các vấn đề ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, đồng thời thúc ép Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar”. “Ngoại trưởng Blinken đã tái khẳng định rằng sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích chung và sẽ buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho những nỗ lực gây bất ổn ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Eo biển Ðài Loan, cũng như các hành vi phá hoại hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”, thông cáo nêu rõ.
Trước đó, trong bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại hôm 4-2, Tổng thống Joe Biden mô tả Trung Quốc như là “đối thủ đáng gờm nhất” của nước Mỹ và cam kết sẽ thách thức các hành động cưỡng ép, đe dọa của Bắc Kinh. “Chúng tôi sẽ đối đầu với sự lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại các hành động gây hấn, cưỡng ép của họ và đẩy lùi các cuộc tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, quyền sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”, ông Biden tuyên bố.
Thách thức Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa
Cũng nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Ðông, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ hôm 5-2 đã đi đến gần quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Joe Keiley, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, tuyên bố hoạt động tự do hàng hải (FONOP) thường lệ lần này của tàu USS John S. McCain là nhằm “khẳng định các quyền và tự do hàng hải”. Ðây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Ðông dưới chính quyền Tổng thống Biden.
Ông Keiley cho biết việc tàu hải quân Mỹ thực thi FONOP hôm 5-2 đặc biệt thách thức các yêu sách đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa. “Với những đường cơ sở này, Trung Quốc đã đưa ra yêu sách các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nhiều hơn những gì họ được hưởng theo luật pháp quốc tế”, ông Keiley cho biết. Người phát ngôn Hạm đội 7 đồng thời nhấn mạnh: “Những yêu sách hàng hải càn quét bất hợp pháp của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại, tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Ðông”.
Trước khi tiến vào khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, khu trục hạm USS John S. McCain đã đi qua Eo biển Ðài Loan nhằm thể hiện sự cam kết của Mỹ vì khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. "Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, tuyên bố của Hạm đội 7 khẳng định. Tuy nhiên, các hoạt động quân sự của Mỹ, kể cả FONOP, tại gần các khu vực mà Trung Quốc coi là lợi ích quốc gia nhạy cảm luôn khiến Bắc Kinh nổi giận.
Quân đội Trung Quốc cho biết họ đã triển khai các nguồn lực trên biển và trên không để xua đuổi tàu USS John S. McCain. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 4-2 cảnh báo nước này sẽ tiếp tục “duy trì cảnh giác cao độ và sẵn sàng đáp trả mọi đe dọa và khiêu khích ở bất kỳ thời điểm nào và sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”. Chiến đấu cơ Trung Quốc còn tập trận mô phỏng một cuộc tấn công vào tàu sân bay Mỹ ở Biển Ðông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc vào lãnh hải Nhật Bản
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết sáng 6-2, có 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản, gần quần đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Ðông mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Ðiếu Ngư. Ðây được coi là lần xâm phạm lãnh hải nước ngoài đầu tiên của lực lượng hải cảnh Trung Quốc kể từ khi luật hải cảnh của nước này có hiệu lực từ ngày 1-2.
Lực lượng bảo vệ bờ biển khu vực số 11 của Nhật Bản tại thành phố Naha, tỉnh Okinawa, cho hay 2 tàu hải cảnh Trung Quốc dường như muốn tiến sát vào 2 tàu đánh cá của Nhật Bản vốn được tàu bảo vệ bờ biển của chính phủ hộ tống. Ngoài ra, 2 tàu hải cảnh khác của Trung Quốc, trong đó có 1 tàu có thể được trang bị đại bác, cũng xuất hiện tại vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản. 2 tàu này đã hiện diện liên tục tại đây từ 8 ngày qua.
Các nhà ngoại giao Nhật Bản và Trung Quốc đã có cuộc thảo luận trực tuyến về vấn đề biển hôm 3-2. Tại đây, theo Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato, Tokyo bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về luật hải cảnh và kêu gọi Bắc Kinh không sử dụng luật này gây tổn hại luật pháp quốc tế. Tokyo lo ngại Bắc Kinh dùng luật này chống lại tàu Nhật ở quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư.
Trong cuộc điện đàm mới đây, Thủ tướng Yoshihide Suga và Tổng thống Biden tuyên bố hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật cho phép Washington bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột liên quan đến quần đảo Senkaku. Tuyên bố này ngay lập tức bị Bắc Kinh phản ứng dữ dội khi nhấn mạnh rằng quần đảo Ðiếu Ngư đang tranh chấp trên biển Hoa Ðông là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”.
Nguy cơ xung đột lan rộng
Phát biểu trước Quốc hội Indonesia mới đây, người đứng đầu Cơ Quan an ninh Hàng hải Indonesia, Phó Đô đốc Aan Kurnia cảnh báo luật hải cảnh Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xảy ra “xung đột lan rộng” đến vùng lãnh hải của Indonesia tại quần đảo Natuna, nơi nước này và Trung Quốc từng đụng độ. "Với việc Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn ở Biển Đông và cân nhắc phản ứng từ các nước lớn có lợi ích ở vùng biển đó, xung đột có nguy cơ leo thang", ông Aan Kurnia nêu quan điểm về luật hải cảnh gây tranh cãi của Bắc Kinh.
|
KIẾN HÒA