HẠNH NGUYÊN (Theo Bloomberg)
Tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc thông qua những phát biểu gần đây của Tổng thống Yoon Suk-yeol đang gia tăng sức ép lên đồng minh Mỹ.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol phát biểu tại cuộc họp chung về chính sách giữa bộ quốc phòng và bộ ngoại giao hồi tuần rồi. Ảnh: Yonhap
Trong cuộc họp chung về chính sách giữa bộ quốc phòng và bộ ngoại giao ngày 11-1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói nước này có thể sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân. Gần như lập tức, văn phòng tổng thống thanh minh rằng ông Yoon thực sự không có ý định đó. Phía Mỹ cũng né tránh những câu hỏi từ báo giới đối với bình luận của ông Yoon, thay vào đó phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Washington và Seoul đang đạt tiến bộ về “những cải thiện trong khả năng răn đe mở rộng”.
Tuy chính phủ hai nước không muốn đề cập tới việc Hàn Quốc xây dựng kho vũ khí hạt nhân, phát biểu của ông Yoon đã phơi bày những căng thẳng ngầm giữa hai đồng minh lâu năm về giải pháp tốt nhất nhằm đối phó năng lực hạt nhân tiến bộ khá nhanh của Triều Tiên. Bình Nhưỡng năm ngoái đã phóng thử tên lửa đạn đạo với số lượng kỷ lục và gần đây tuyên bố sẽ “tăng tốc độ sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân”.
Theo cựu chuyên gia phân tích Soo Kim, Tổng thống Yoon có thể thừa biết thúc đẩy vũ khí nguyên tử có nguy cơ gây ra khủng hoảng trong liên minh, nhưng việc thổi bùng cuộc tranh luận sẽ giúp ông gây sức ép để buộc Washington cung cấp những đảm bảo an ninh mạnh mẽ hơn cho Seoul.
Trong nước, Tổng thống Yoon đối mặt sức ép phải trấn an dư luận rằng ông sẽ làm mọi cách để ngăn chặn các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Không như Nhật Bản, quốc gia phụ thuộc vào “ô hạt nhân” của Mỹ để được bảo vệ, dư luận Hàn Quốc ngày càng cởi mở với vũ khí hạt nhân. Trong cuộc khảo sát của Ðại học Quốc gia Seoul năm ngoái, có tới 55,5% người được hỏi đã ủng hộ chương trình tự phát triển vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc, tăng 10% so với năm 2021.
Gây tổn hại an ninh năng lượng
Nói như Tổng thống Yoon hồi tuần rồi, Hàn Quốc có thể chế tạo vũ khí hạt nhân khá nhanh nếu muốn, trong bối cảnh nước này hiện sở hữu tên lửa, vật liệu hạt nhân và năng lực về khía cạnh khoa học, kỹ thuật. Theo chuyên gia Mark Fitzpatrick tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Seoul đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, Hàn Quốc phải trả giá rất đắt nếu chính thức rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT).
Tổn thất ngay lập tức sẽ là an ninh năng lượng của Hàn Quốc. Tổng thống Yoon, người nhậm chức hồi tháng 5-2022, đang thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân để thay thế nhiệt điện, nhằm đáp ứng mục tiêu khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Chính phủ muốn tăng tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng quy hoạch điện quốc gia từ 27% hiện nay lên 33% vào năm 2030.
Ông Yoon từng ca ngợi năng lượng nguyên tử trong chiến dịch tranh cử tổng thống và kêu gọi xây thêm lò phản ứng, đi ngược lại với các chính sách phản đối hạt nhân của người tiền nhiệm Moon Jae-in. Chính quyền đương nhiệm dự định xây thêm 4 lò phản ứng hạt nhân đến năm 2030, đồng thời kéo dài tuổi thọ của 10 cơ sở cũ. Nếu không đạt được mục tiêu này, Hàn Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào than và khí thiên nhiên hóa lỏng, thậm chí có thể phải phát triển công nghiệp khai thác uranium đắt đỏ để duy trì nguồn cung vật liệu vận hành các nhà máy điện hạt nhân hiện hữu. Dù vậy, phần lớn các nhà sản xuất uranium đều là những bên tham gia NPT nên sẽ rất khó để có được lượng uranium cần thiết.
Hàn Quốc cũng từng xem xét phát triển chương trình vũ khí hạt nhân hồi cuối thập niên 1970 dưới thời Tổng thống Park Chung-hee, nhưng sau đó phải từ bỏ kế hoạch do áp lực từ Mỹ.l