30/12/2019 - 06:06

Chiến lược phát triển lưu vực Mekong 

Dòng sông Mekong đã và đang mang lại rất nhiều lợi ích cho các quốc gia ven sông là  nguồn nước quý giá  phục vụ dân sinh, canh tác nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản đánh bắt với giá trị kinh tế lớn và còn là sinh cảnh của rất nhiều loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu, tạo nên sự đa dạng sinh học phong phú vào bậc nhất  trên thế giới. Do vậy, việc bảo vệ và giữ gìn nguồn tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên của sông Mekong là mối quan tâm hàng đầu và cũng là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế (gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam).

Lưu vực Mekong được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Từ đầu những năm 2000, tốc độ phát triển trong lưu vực đã gia tăng một cách đáng kể. Các quốc gia ven sông đã điều chỉnh chiến lược và kế hoạch phát triển để nhanh chóng hồi phục nền kinh tế từ sau thời kỳ khủng hoảng cuối những năm 1990. Hầu hết các hoạt động tập trung vào khai thác triệt để tiềm năng nguồn tài nguyên nước sông Mekong cho mục tiêu phát triển kinh tế của các nước trong lưu vực, bao gồm phát triển thủy điện, chuyển nước từ lưu vực sông Mekong sang bổ sung cho các lưu vực khác, mở rộng diện tích tưới cho sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, khai thác các tuyến giao thông thủy, cấp nước cho ngành sản xuất công nghiệp và nước cho sinh hoạt. Các quốc gia hạ lưu sông Mekong coi phát triển tài nguyên nước là một trong những trọng tâm trong các chương trình quốc gia như xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Tuy vậy, kết quả từ nhiều nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng như các tổ chức quốc tế trong vùng đã cảnh báo tác động lũy tích của các hoạt động phát triển trong lưu vực sẽ là các nguyên nhân chính làm thay đổi đáng kể chế độ thủy văn dòng chính sông Mekong trong vài thập kỷ tới, kéo theo các hệ lụy tác động về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái vùng hạ lưu, đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn vùng.

Để phát huy tối đa lợi ích kinh tế của các hoạt động phát triển và giảm thiểu các tác động bất lợi đối với xã hội và môi trường trên toàn lưu vực, Ủy hội sông Mekong quốc tế xác định việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển lưu vực định hướng bền vững là việc làm cần thiết và cấp bách. Quy hoạch phát triển lưu vực là một quá trình xác định các giải pháp hài hòa các hoạt động phát triển trong lưu vực tuân thủ các nguyên tắc của quản lý tổng hợp tài nguyên nước, một mặt đảm bảo thúc đẩy phát triển và quản lý hiệu quả tài nguyên nước, đất và các tài nguyên khác; mặt khác tối ưu hóa các lợi ích kinh tế xã hội hài hòa với duy trì tính bền vững các hệ sinh thái quan trọng trong lưu vực; lồng ghép quản lý tài nguyên nước và tài nguyên đất; lồng ghép các sử dụng nước ngầm và nước mặt, giữa thượng lưu và hạ lưu; lồng ghép các cách tiếp cận đa ngành và đa mục tiêu, huy động sự tham gia của tất cả các thành phần liên quan, cả chính phủ và phi chính phủ. Một trong số các kết quả quan trọng từ xây dựng Quy hoạch phát triển lưu vực là đã xác lập và thống nhất một quy trình Quy hoạch phát triển lưu vực và làm căn cứ để Ủy hội xác định và kiến nghị các dự án và các chương trình phát triển quy mô lưu vực phù hợp.

Từ kết quả của Quy hoạch phát triển lưu vực, Chiến lược Phát triển hạ lưu vực sông Mekong dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước thời kỳ 5 năm lần thứ nhất 2011 – 2015 đã được xác lập và hiện nay Ủy hội sông Mekong quốc tế đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển hạ lưu vực sông Mekong giai đoạn 2016 – 2020.

Mục tiêu của Chiến lược Phát triển lưu vực sông Mekong là phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững cho tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nguồn nước lưu vực sông Mekong, góp phần đạt được tầm nhìn chung cho lưu vực sông Mekong là “một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và lành mạnh về môi trường”. Quy hoạch Phát triển lưu vực được thực hiện dựa trên các nguyên tắc cơ bản là: Bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái; bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; sử dụng nước công bằng và hợp lý; duy trì dòng chảy trên dòng chính; ngăn ngừa và ngừng các ảnh hưởng có hại; trách nhiệm của quốc gia gây hại; tự do giao thông thuỷ và Ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Sáu ưu tiên trong định hướng Chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước của Ủy hội đã được xác định và đã là các trọng tâm cho xác lập các chương trình hành động thực hiện Chiến lược qua các thời kỳ gồm: Tăng trưởng và phát triển kinh tế; thúc đẩy phát triển và thực hiện công bằng xã hội; xác lập các cơ sở pháp lý hỗ trợ cho quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới; bảo vệ môi trường; thực hiện công tác quản trị trong lưu vực và tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực trọng tâm của hợp tác Mekong.

Kết quả quá trình xây dựng, đánh giá và lựa chọn các Kịch bản phát triển tối ưu không chỉ làm cơ sở cho các đàm phán đạt tới sự cân bằng tối ưu trong sử dụng tài nguyên và giảm thiểu các tác động về môi trường và xã hội, mà còn cung cấp những căn cứ quan trọng cho xây dựng Chiến lược Phát triển lưu vực dựa trên nguyên tắc của quản lý tổng hợp tài nguyên nước, khuyến cáo điều chỉnh các chương trình và kế hoạch phát triển của các quốc gia phù hợp với kịch bản toàn vùng, định hướng cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường cho tất cả các nước ven sông vùng hạ lưu vực cũng như cho toàn lưu vực sông Mekong.

Quy hoạch Phát triển Lưu vực do Ủy hội sông Mekong quốc tế xây dựng đã phản ánh sự phù hợp trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các quốc gia, xác định mục tiêu phát triển và các giá trị chung trên toàn lưu vực cần được bảo vệ. Quy hoạch Phát triển lưu vực sông Mekong đã hỗ trợ thúc đẩy và tăng cường các mối liên kết trong quản lý tài nguyên nước giữa quốc gia và toàn lưu vực, chia sẻ các nhận thức về phát triển bền vững và thực hành các chỉ dẫn hành động trong tất cả các lĩnh vực của quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Tại phiên họp lần thứ 26 Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế (Phiên họp cấp Bộ trưởng) và Phiên họp lần thứ 24 với các Đối tác Phát triển của Ủy hội được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng năm 2019, Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thông qua Chương trình Công tác của Ủy hội năm 2020-2021 và Chiến lược quản lý hạn giai đoạn 2020-2025; cập nhật tiến độ xây dựng các Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý Tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội giai đoạn 2021-2025, Chiến lược Phát triển Thủy điện Bền vững, tình hình hợp tác với các Đối tác Đối thoại, Đối tác Phát triển và các sáng kiến hợp tác vùng.

Đại diện các quốc gia tham dự ký Biên bản Phiên họp lần thứ 26 Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế. Ảnh: vnmc.gov.vn

Tại phiên họp lần thứ 26 Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế ngày 26-11-2019 , Việt Nam đã đề nghị Ủy hội sông Mekong quốc tế cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai các hoạt động ưu tiên như sau: 

Một là, tích cực chuẩn bị cập nhật Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước (2021-2030) trên cơ sở các bài học thực hiện Chiến lược (2016-2020) và các thách thức, yêu cầu cấp thiết hiện nay. 

Hai là, tiếp tục tăng cường và hoàn thiện mạng lưới các trạm quan trắc khí tượng - thủy văn và tài nguyên nước trên toàn lưu vực, đặc biệt tập trung xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường chung về tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mekong và chia sẻ các thông tin số liệu cho các quốc gia thành viên. 

Ba là, khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo để dần thay thế các nguồn năng lượng từ nguồn nhiên liệu hoá thạch hoặc thuỷ điện, chủ động triển khai đánh giá tiềm năng phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tại trong lưu vực, nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác để phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. 

Bốn là, tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác với các Đối tác đối thoại và các Đối tác phát triển, các sáng kiến vùng và quốc tế, bao gồm Hợp tác Mekong-Lan Thương, Mekong-Mỹ, các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác, và các khuôn khổ hợp tác quốc tế khác. 

Theo kế hoạch, Phiên họp lần thứ 27 Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế và Phiên họp lần thứ 25 với các Đối tác Phát triển của Ủy hội sẽ được tổ chức tại Lào, quốc gia giữ chức Chủ tịch Hội đồng năm 2020.

Bình Dương (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết