27/12/2019 - 06:47

Bước tiến về cơ chế hợp tác 

Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, ký kết năm 1995, đã thúc đẩy gắn kết, điều phối vùng và đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, các cơ chế hợp tác có liên quan trong khu vực. Trong đó, có các nỗ lực hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC); cơ chế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS)... Các cơ chế này giúp củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị giữa 6 quốc gia Mekong và thúc đẩy hợp tác quản lý sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Thúc đẩy gắn kết, điều phối vùng

Tại hội nghị cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC), diễn ra tại Siem Riep (Campuchia) hồi tháng 4 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng đánh giá cao những thành tựu mà các nước thành viên MRC (gồm Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam), khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong năm 1995 và vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tê là cơ chế hợp tác khu vực duy nhất có chức năng xây dựng khung pháp lý và các quy định kỹ thuật cụ thể nhằm thúc đẩy việc khai thác, bảo vệ và quản lý bên vững nguồn nước sông Mekong.

Thật vậy, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã và đang tích cực triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2016-2020; hoàn thành “Nghiên cứu về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mekong, bao gồm các tác động từ các dự án thuỷ điện dòng chính” tạo cơ sở khoa học cho các quốc gia ra quyết định về các hoạt động phát triển lưu vực; mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực và đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng góp phần đề cao vị thế của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Những kết quả tích cực đó đã thể hiện rõ nét, hiệu quả thực tế của Hiệp định Mekong 1995, thúc đẩy gắn kết, điều phối vùng và đầy mạnh quan hệ với các đối tác, các cơ chế hợp tác có liên quan trong khu vực. Trong đó, dư luận quốc tế đánh giá cao các nỗ lực hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC); cơ chế Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS). Các cơ chế này sẽ giúp củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị giữa 6 quốc gia Mekong và thúc đẩy hợp tác quản lý sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước.

Theo các nhà phân tích, Cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) là một cơ chế hợp tác phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng mạnh mẽ hiện nay. Ý tưởng hợp tác Mekong – Lan Thương với sự tham gia của 6 nước ven sông (gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc) được Thái Lan đề xuất lần đầu tiên vào năm 2012. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc tháng 11-2014, Thủ tướng Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Thái Lan và sẵn sàng xem xét việc thành lập cơ chế Đối thoại và Hợp tác Lan Thương – Mekong. Tháng 11-2015, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong – Lan Thương lần thứ nhất đã được tổ chức lần đầu tiên tại Cảnh Hồng, Vân Nam, Trung Quốc.

Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương diễn ra mới đây tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham dự của Bộ trưởng Tài nguyên nước của các nước Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Ảnh: vnmc.gov.vn

Cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích chung

Sau hơn 5 năm nỗ lực, cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương đã vững bước từ sáng kiến trở thành hiện thực và xây dựng được tinh thần đó là ưu tiên phát triển, bình đẳng, thực chất, hiệu quả cao, cởi mở và bao trùm hình thành một cục diện hợp tác. MLC hướng tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng. Ngoài ra, MLC còn hướng tới các mục tiêu khác bao gồm củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định; thúc đẩy phát triển bền vững, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập toàn diện vào kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường tình hữu nghị và quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước.

MLC có ba trụ cột hợp tác chính, bao gồm: Chính trị và an ninh; Kinh tế và phát triển bền vững; Văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Trong đó, các nội dung ưu tiên hợp tác là: Hợp tác về quản lý nguồn nước Mekong - Lan Thương; Tăng cường kết nối giữa sáu nước; Hợp tác phát triển năng lực sản xuất; Hợp tác kinh tế xuyên biên giới; Hợp tác nông nghiệp và giảm nghèo.

Đặc biệt, các định hướng đã và đang được triển khai bằng các chính sách cụ thể qua các kỳ hội nghị. Tại Hội nghị cấp cao MLC lần thứ hai diễn ra hồi năm 2018, các nước đã thông qua hai văn kiện là Tuyên bố chung Phnom Penh, và Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 - 2022. Hợp tác MLC cũng cần phối hợp hài hoà với các chương trình, kế hoạch phát triển như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI), Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về Phát triển bền vững cũng như các sáng kiến liên kết khu vực. Về nguồn tài chính, Trung Quốc cam kết đóng góp 300 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mekong - Lan Thương trong 5 năm tới để hỗ trợ việc thực hiện các dự án “thu hoạch sớm”; dành 10 tỉ NDT cho các khoản vay ưu đãi, 5 tỉ USD cho các khoản tín dụng bên mua và 5 tỉ USD cho các khoản vay đặc biệt cho các dự án hạ tầng cơ sở và hợp tác năng lực sản xuất.

Việt Nam đã tích cực tham gia cơ chế MLC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác. Các đoàn đại biểu Việt Nam tham gia đầy đủ các cuộc họp nhóm công tác, theo dõi quá trình triển khai các chương trình, dự án hợp tác trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng này. Việt Nam cũng tích cực, chủ động đề xuất các lĩnh vực hợp tác, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế MLC, khẳng định vai trò của Việt Nam trong hợp tác tiểu vùng Mekong. Sự tham gia của Việt Nam cũng nhằm thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam và có ý nghĩa đối với sự phát triển chung, bền vững của Tiểu vùng.


Đoạn sông Mekong chảy qua Luang Prabang, Lào. Ảnh: MRC
Theo ông Phạm Tuấn Phan - Giám đốc Điều hành Ủy hội sông Mekong Quốc tế, chính những giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong cùng những bước tiến quan trọng về cơ chế hợp tác giữa các nước trong lưu vực Mekong đã tạo nền tảng pháp lý, quy trình tham vấn, giám sát các công trình thủy điện trên dòng Mekong, đảm bảo nguyên tắc đồng thuận, công bằng và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các nước thành viên.

Thực tế cho thấy trên thế giới, chưa từng có công trình thủy điện trên dòng chính nào được xây dựng mà chấp nhận lấy ý kiến các bên như thủy điện trên dòng chính của sông Mekong. Cũng chưa từng có tiền lệ trên thế giới cho việc một quốc gia có chủ quyền trình dự án trên lãnh thổ của mình để các quốc gia khác xem xét. Chính vì vậy, quá trình tham vấn cần được nhìn nhận là nỗ lực lớn lao của cả Ủy hội sông Mekong quốc tế và các quốc gia thành viên.

Ngày 31-7-2019, Ủy ban sông Mekong quốc gia Lào đã gửi đến Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế thông báo về kế hoạch triển khai Dự án thủy điện Luang Prabang của Lào trên dòng chính sông Mekong. Căn cứ Hiệp định Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong (năm 1995) và thông tin từ tài liệu của Lào, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thống nhất triển khai thực hiện quá trình tham vấn cho Dự án thủy điện Luang Prabang từ ngày 08-10-2019 theo quy định tại Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Sau giai đoạn tham vấn đầu ở cấp vùng ít nhất trong thời gian 6 tháng, Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong quốc tế sẽ nhóm họp để đánh giá kết quả các vòng tham vấn quốc gia và vùng, xem xét ý kiến chính thức của các quốc gia thành viên nhằm quyết định sẽ tiếp tục tham vấn hay tiến tới thống nhất một Tuyên bố chung của Ủy hội về các kế hoạch thực hiện tiếp theo cho thời gian tới.

 

NHẬT QUANG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết