25/12/2019 - 07:06

Những cảnh báo đáng lo ngại 

Tại vùng hạ lưu sông Mekong, các nước Campuchia, Lào và Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính, trong đó Lào có 7 công trình; Thái Lan và Lào có 2 công trình chung trên biên giới hai nước; và Campuchia có 2 công trình. Việc xây dựng và vận hành các công trình thủy điện này được cảnh báo sẽ gây các tác động bất lợi tiềm tàng trên diện rộng tới môi trường, kinh tế - xã hội tại các quốc gia ven sông.

Kết quả từ Nghiên cứu MDS

Trước những cảnh báo đáng lo ngại trên, từ năm 2017, Chính phủ Việt Nam với sự tham gia của Chính phủ Lào và Campuchia đã đề xuất tiến hành Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong (còn gọi là Nghiên cứu về vùng Châu thổ sông Mekong, viết tắt là MDS) để nghiên cứu tác động tổng hợp của bậc thang thủy điện dòng chính ở Hạ lưu vực sông Mekong tới các hệ thống môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội trên các vùng thuộc Châu thổ Mekong của Việt Nam và Campuchia.

Mục tiêu chính của Nghiên cứu là đánh giá các biến động lên chế độ dòng chảy của việc xây dựng và vận hành bậc thang thủy điện dòng chính, và tác động do các thay đổi đó tới môi trường tự nhiên và con người ở Châu thổ Mekong của Campuchia và Việt Nam. Mục tiêu này giúp đạt được mục tiêu lâu dài là bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long cùng các nguồn tài nguyên, các hệ thống kinh tế và tự nhiên để đảm bảo phúc lợi cho các cộng đồng người dân sống trong vùng đồng bằng thông qua các quyết định sử dụng và khai thác tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy và bằng chứng khoa học. Các mục tiêu khác gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, kinh tế, xã hội ở Hạ lưu vực sông Mekong; đánh giá định lượng tác động lên các lĩnh vực và tiến tới đạt được sự đồng thuận về kết quả đánh giá tác động và các khuyến nghị về các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thông qua các hoạt động tham vấn rộng rãi với các bên liên quan.

Nghiên cứu tiến hành đánh giá tác động từ các biến động do các công trình thủy điện dòng chính cùng gây ra (về chế độ dòng chảy và ngập lũ, phù sa bùn cát và dinh dưỡng, xâm nhập mặn, và các đập ngăn trên sông) lên 6 lĩnh vực có liên quan là: thủy sản, đa dạng sinh học, giao thông thủy, nông nghiệp, sinh kế và kinh tế. Các tác động cũng được xem xét và dự báo trong mối quan hệ liên ngành và được tổng hợp theo các cấp độ kinh tế vùng và quốc gia. 3 kịch bản được xem xét nhằm xác định tất cả các tác động tiềm tàng để làm rõ yêu cầu cao nhất đảm bảo việc quy hoạch, thiết kế và vận hành một cách hợp lý các dự án thủy điện dòng chính.

Kết quả đánh giá cho thấy các bậc thang thủy điện dòng chính dự kiến (kịch bản 1) sẽ gây nhiều tác động bất lợi ở mức lớn tới nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực và môi trường ở Campuchia và Việt Nam, nếu không có các biện pháp giảm thiểu. Các tác động bất lợi lũy tích của bậc thang thủy điện dòng chính và các đập thủy điện trên các dòng nhánh (Kịch bản 2) và của bậc thang dòng chính và các hệ thống chuyển nước của Thái Lan và Campuchia (Kịch bản 3) thậm chí sẽ còn gây tác động tới Châu thổ Mekong lớn hơn so với Kịch bản 1.

Trong cả 3 kịch bản, tác động bất lợi nghiêm trọng nhất chủ yếu do tác động tổng hợp của các đập ngăn sông và sụt giảm chất dinh dưỡng chứa trong phù sa bùn cát. Đoạn sông trên phần lãnh thổ Campuchia khu hạ lưu của bậc thang thủy điện cuối cùng được coi là chịu tác động lớn nhất từ các hiện tượng sụt giảm và dao động mạnh mực nước. Trong 3 kịch bản và 4 phương án, tác động lên chế độ dòng chảy của Kịch bản 3 là lớn nhất. Tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65% tại Kra-chê và Tân Châu–Châu Đốc, và nhỏ hơn ở những vị trí xa dòng chính, sẽ làm giảm mạnh năng suất sinh học và sản lượng nông nghiệp, làm gia tăng xói lở và ảnh hưởng tới diễn biến bồi lắng vùng ven sông và ven biển. Kịch bản 2 gây tác động lớn nhất lên phù sa bùn cát và dinh dưỡng so với hai kịch bản và bốn phương án còn lại. Xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển. Tương tự tác động lên chế độ dòng chảy, Kịch bản 3 gây tác động về xâm nhập mặn lớn nhất.

Nguy cơ lượng phù sa từ sông hằng năm về sẽ rất thấp làm đất thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến canh tác của nông dân vùng hạ lưu sông Mekong. Trong ảnh: Đồng ruộng tại tỉnh An Giang chuẩn bị cho vụ mùa sản xuất lúa đông xuân 2019-2020. Ảnh: Văn Thức

Tuyến di cư trên dòng chính và các dòng nhánh của các loài cá có tính di cư xa (cá trắng), và các loài cá này có thể bị mất đi (không còn tồn tại trên lưu vực sông Mekong) hoặc số lượng sẽ bị suy giảm tới mức không còn đóng một vai trò quan trọng trong nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong vùng nữa. Cá trắng chiếm tới 74% sản lượng của 10 loài cá có giá trị kinh tế lớn nhất, và tổn thất của chúng cùng với các tác động khác của bậc thang thủy điện dòng chính (như giảm năng suất hệ sinh thái do mất phù sa dinh dưỡng, biến động diện tích sinh cảnh do biến động chế độ dòng chảy và xâm nhập mặn…) có thể gây sụt giảm mạnh tổng sản lượng đánh bắt tự nhiên tới 50% cho cả Việt Nam và Campuchia.

Lưu thông không an toàn cho các tàu thuyền có thể xảy ra ở hạ du của các đập, trong điều kiện vận hành phủ đỉnh hàng ngày hoặc tích xả bất thường. Tác động bất lợi tới giao thông thủy ở các tuyến khác sẽ từ mức thấp tới trung bình chủ yếu do biến động chế độ dòng chảy gây ra những tác động đối với giao thông thủy mà trước đây chưa hề có. Một số vùng canh tác nông nghiệp dọc các nhánh sông của dòng chính Mekong sẽ chịu tác động do sụt giảm nguồn dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất nông nghiệp và đời sống người dân trong vùng. Tổ hợp các biến động về chế độ thủy văn (mực nước và độ mặn) và tác động lên nguồn thực phẩm và thu nhập của người dân sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu người dân. Đối với các làng xã phụ thuộc rất nhiều vào nghề cá và canh tác nông nghiệp, tác động lên nguồn thu nhập sẽ rất lớn. Trong một số trường hợp, thu nhập người dân có thể bị giảm tới 50%.

Sinh kế của người dân có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên sông Mekong suy giảm. Trong ảnh là ông Trần Văn Trân (ở An Phú, An Giang) với những cái dớn được ông chuẩn bị sẵn để đặt bắt cá trên dòng sông mà năm nay lũ đã về rất muộn. Ảnh: Bình Nguyên. 

Định hướng phát triển thủy điện Mekong

Nhìn chung, theo Nghiên cứu MDS, số đập xây dựng càng ít thì càng giảm tác động và càng giảm tính phụ thuộc vào số 11 đập thủy điện dòng chính dự kiến. Nghiên cứu cũng đã xem xét tác động của các đập thủy điện dòng chính đã xây dựng và dự kiến sẽ xây dựng vùng thượng nguồn sông Mekong của Trung Quốc. Trong điều kiện nền của Nghiên cứu hiện đã có 6 công trình được xây dựng (tính tới năm 2012), bao gồm cả hai đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ. Các đập hiện có này đang gây tác động tới mực nước vùng hạ lưu vực sông Mekong, và tác động này suy giảm dần về phía hạ du. Các đập này cũng lưu giữ lại ở Vân Nam hầu hết lượng phù sa bùn cát, gây sụt giảm mạnh tại lượng phù sa bùn cát cho vùng phía bắc Hạ lưu vực sông Mekong. 

Xa về phía hạ du, tổn thất phù sa bùn cát này sẽ được bù đắp một phần bới hiện tượng xói lòng và bờ sông. Các tác động được xác định dựa trên sự kết hợp hài hòa các phân tích định lượng và định tính các số liệu tốt nhất hiện có bằng cách sử dụng các hệ thống mô hình toán tiên tiến và các công cụ đánh giá tác động linh hoạt. Trên thực tế, tác động có thể còn lớn hơn dự kiến do các tác động lũy tích của các hiện tượng thiên nhiên khác (biến đổi khí hậu, nước biển dâng…), các hoạt động phát triển trong lưu vực (tàn phá rừng…) cùng với tính chưa chắc chắn về mức độ phản ứng của hệ thống tự nhiên trước các yếu tố gây tác động trong lưu vực.

Mặc dù nhìn nhận các hệ thống tự nhiên có khả năng thích ứng theo thời gian nhằm chống chọi và vượt qua một số tác động, tuy nhiên các khả năng thích ứng đó không thể bù đắp được các tổn thất do các tác động gây ra. Các tác động được xác định trong lĩnh vực thủy sản và đa dạng sinh học có thể được giảm nhẹ, chủ yếu thông qua các biện pháp phòng tránh, bao gồm: Chỉ hạn chế xây dựng một số công trình trong bậc thang dự kiến, đặc biệt tránh xây dựng các bậc thang về phía hạ du; và/hoặc dịch chuyển vị trí tuyến đập từ dòng chính sang các dòng nhánh.

Nghiên cứu cũng đã xác lập một bộ công cụ linh hoạt. Các công cụ phục vụ đánh giá tác động trong vùng hạ lưu vực sông Mekong có thể sử dụng tại tất cả các quốc gia ven sông (Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) phục vụ định hướng phát triển thủy điện Mekong, bao gồm các việc xem xét quy hoạch, quy mô, thiết kế của các đề xuất dự án nhằm mục tiêu phòng tránh, giảm thiểu tác động bất lợi về phía hạ du.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện (ảnh), Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, thủy điện không lấy mất nước, chỉ tích nước và xả ra phát điện, thì tổng lượng nước không thay đổi nhưng nó làm thay đổi thời gian của nước. Có 3 tình huống xảy ra:

Đối với những năm bình thường, tức là đa số các năm, thì các đập có hồ chứa thì có khả năng tích nước trong mùa lũ và xả ra trong mùa khô, tức là làm giảm đỉnh lũ và tăng dòng chảy mùa khô; còn các đập dâng thì cho nước chảy qua trong ngày, ít ảnh hưởng lượng nước về ĐBSCL.

Đối với những năm lũ cao, khi các đập quá đầy nước thì sẽ xả ra để tránh vỡ đập, do đó gây ra tình trạng lũ chồng lũ cho phía hạ lưu. Đối với những năm khô hạn, thì các đập sẽ tăng cường tích trữ nước cho đủ cột nước để chạy turbines. Trong một chuỗi đập thì đập bên dưới phải chờ đập trên xả, tích cho đủ cột nước rồi mới xả cho đập bên dưới nữa, làm nước chậm về hạ lưu, làm tình hình khô hạn tồi tệ thêm.

Chúng ta đang trong loại năm khô hạn, do đó các đập thủy điện đang làm cho tình hình tồi tệ thêm. Lưu ý rằng thủy điện không phải là nguyên nhân ban đầu, mà là nguyên nhân thứ hai làm cho tồi tệ thêm. Tác động chính của thủy điện Mekong là làm giảm phù sa và cát, gây ra sạt lở nghiêm trọng ở ĐBSCL và những hệ lụy khác.

NGUYỄN DƯƠNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết