28/12/2019 - 07:11

Những ràng buộc trong xây dựng đập thủy điện trên dòng Mekong 

Theo Ủy ban Mekong Việt Nam, mặc dù tác động riêng công trình thủy điện Luang Prabang có thể là không lớn do ở xa Việt Nam, nhưng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu vực sông Mekong là nghiêm trọng, khó khắc phục, đặc biệt là tác động của công trình dòng chính của Campuchia gần biên giới với Việt Nam. Tác động của tổng thể các công trình này sẽ được giảm nhẹ nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội sông Mekong quốc tế từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình sau này.

Công trình Luang Prabang nằm hoàn toàn trên lãnh thổ của Lào, thuộc tỉnh Luang Prabang. Vị trí dự kiến xây dựng công trình nằm tại Km 2.036 cách biên giới Việt Nam 1.785 km. Các thông số chính của công trình bao gồm diện tích lưu vực là 231.329 km2, tổng dung tích hồ chứa là 1.256 triệu m3, công suất thiết kế là 1.460 MW và sản lượng điện hằng năm là 6.622 GWh được dự kiến sẽ bán sang Thái Lan hoặc Việt Nam.

Như vậy, nếu tính cả dự án Luang Prabang (còn ở giai đoạn tham vấn), Lào có 8 công trình, trong đó 7 công trình đang có kế hoạch xây dựng. Đó là chưa kể 2 công trình chung với Thái Lan trên biên giới hai nước. Cùng với 2 công trình của Campuchia, tại vùng hạ lưu sông Mekong hiện có 12 công trình. Tới nay, Lào sắp hoàn thành xây dựng hai công trình là Xayabury và Don Sahong; và Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng đã tiến hành tham vấn vùng cho hai công trình là Pak Beng và Pak Lay.

Trong khi đó,  ở vùng thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng 11 công trình thủy điện, trong đó có hai hồ đập rất lớn là Tiểu Loan và Nộ Trác Độ. Hiện cả 11 công trình thủy điện này đã đi vào vận hành và đã gây tác động đáng kể tới vùng Hạ lưu vực sông Mekong, bao gồm cả Đồng bằng sông Cửu Long. Các công trình thủy điện của Trung Quốc mặc dù nằm cách xa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nhưng được quan ngại là nguyên nhân gây tác động rất lớn tới phù sa bùn cát về phía hạ du, cụ thể là lưu giữ tới hơn 50% tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm của lưu vực sông Mekong và quan trọng hơn nữa tác động này là không thể khắc phục do các công trình của Trung Quốc hiện nay đã được hoàn thành.

Trạm thủy điện Jinghong ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc năm 2013. Ảnh: AP

Như đã đề cập về tác động của công trình thủy điện Luang Prabang, mặc dù tác động riêng công trình thủy điện Luang Prabang có thể là không lớn do ở xa Việt Nam, nhưng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu vực sông Mekong là nghiêm trọng, khó khắc phục, đặc biệt là tác động của công trình dòng chính của Campuchia gần biên giới với Việt Nam. Ủy ban Mekong Việt Nam cho rằng tác động của tổng thể các công trình này sẽ được giảm nhẹ nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) từ khâu thiết kế, thi công đến vận hành công trình sau này.

MRC là cơ quan liên chính phủ của vùng hạ lưu đã hình thành khung thể chế để thực hiện Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực Mekong; Chính phủ 4 nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam ký kết Hiệp định này từ năm 1995. Theo đó, đã thỏa thuân cùng quản lý, chia sẻ tài nguyên nước giữa các quốc gia trên cơ sở hợp tác mang tính xây dựng, cùng có lợi và phát triển bền vững; sử dụng hợp lý, bảo vệ và quản lý tài nguyên nước và những nguồn tài nguyên khác của lưu vực.

Hiệp định Mekong 1995 quy định, những dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính cần được thảo luận rộng rãi trong cả 4 nước ở hạ nguồn trước khi quyết định. Với sự hỗ trợ của MRC, trong quá trình thảo luận các bên liên quan phải cân nhắc đến toàn bộ tác động về xã hội, môi trường và phát triển các ngành khác thuộc hạ lưu vực. Ở một khu vực thay đổi và tăng trưởng kinh tế nhanh, MRC coi việc phát triển thủy điện dòng chinh Mekong là vấn đề chiến lược quan trọng.

Nhằm thực hiện chiến lược đó, quan điểm nhất quán của các nhà lãnh đạo, quản lý và nghiên cứu khu vực là phải có đánh giá tác động môi trường chiến lược (SEA) trước khi xây dựng các dự án thủy điện. Báo cáo cần đánh giá toàn diện những vấn đề có liên quan, bao gồm cả sản xuất điện và an ninh năng lượng; Phát triển kinh tế và giảm nghèo; Đảm bảo tính toàn vẹn, đa dạng của các hệ sinh thái; Động thái thủy văn, thủy sinh và vận chuyển phù sa; Thủy sản và an ninh lương thực;Các hệ thống xã hội, sinh kế và những ảnh hưởng văn hóa, lối sống của cộng đồng dân cư.

Đánh giá tác động môi tường chiến lược (SEA) cũng cần nhận dạng được cơ hội và những rủi ro tiềm tàng, khả năng đóng góp của các dự án cho phát triển vùng đồng thời với việc xem xét các chiến lược thay thế, nhằm phân phối chi phí và lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững cả về kinh tế, bình đẳng xã hội và bảo vệ môi trường.

SEA là cách thức MRC có thể tăng cường hỗ trợ, giúp các nước thành viên tiến hành quy trình tham vấn bắt buộc theo Hiệp định Mekong 1995 đối với từng đề xuất trên dòng sông chính (bao gồm thủ tục thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận). SEA còn phải cung cấp thông tin về các bước thực hiện của chương trình để MRC xem xét trong chu kỳ kế hoạch tương lai, nhằm bổ sung kiến thức và nhận rõ yếu tố bất định hoặc rủi ro liên quan đến hoạt động phát triển được đề xuất.

Sau Hội thảo tham vấn vùng lần thứ nhất về Dự án thủy điện Luang Prabang của Lào được tổ chức vào ngày 06 tháng 11 năm 2019 tại Viên Chăn (Lào), vòng hai của các hội thảo tham vấn vùng và quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 1 - 2 năm 2020 để thảo luận và đóng góp ý kiến về Báo cáo đánh giá kỹ thuật về Dự án thủy điện Luang Prabang do Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế chuẩn bị, các đánh giá của Nhóm công tác quốc gia, tập trung vào thông tin, số liệu, phương pháp, tác động của công trình Luang Prabang đối với các lĩnh vực và các biện pháp giảm thiểu tác động của công trình Luang Prabang.

Các hoạt động tham vấn của Việt Nam về Dự án thuỷ điện Luang Prabang do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban sông Mekong Việt Nam chủ trì được thực hiện từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020 bao gồm: đánh giá tác động sơ bộ của Dự án thủy điện Luang Prabang, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trên cơ sở tài liệu kỹ thuật về Dự án Luang Prabang do Lào nộp và Báo cáo kỹ thuật do Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong quốc tế và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị; tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia; chuẩn bị ý kiến của Việt Nam trong tham gia tham vấn vùng và Phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mekong quốc tế. Thành phần tham gia vào quá trình tham vấn bao gồm các bộ, ngành, địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam; các tổ chức Liên hiệp hội khoa học, các tổ chức phi chính phủ; các nhà khoa học và cộng đồng.

Quang cảnh Hội thảo tham vấn quốc gia về Dự án thủy điện dòng chính Luang Prabang của Lào, được tổ chức tại TP HCM ngày 04-11 vừa qua. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, phát triển bền vững về môi trường và xã hội của quốc gia và của khu vực, mọi hoạt động về phát triển tài nguyên nước đều cần phải được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, khách quan và có căn cứ khoa học, từ đó mới có thể có các giải pháp khả thi và phù hợp với thực tiễn, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong lưu vực Mekong thực hiện các nghiên cứu, đánh giá để có thêm các luận cứ vững chắc, trợ giúp hiệu quả cho quá trình ra quyết định đối với các hoạt động phát triển trong lưu vực sông Mekong nói chung và phát triển thủy điện dòng chính nói riêng, và đặc biệt trước mắt quá trình tham vấn cho thủy điện dòng chính Luang Prabang cần phải trở thành hình mẫu cho áp dụng các giải pháp giảm thiểu tác động cho các công trình thủy điện dòng chính sông Mekong.

Bình Dương (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết