24/04/2015 - 15:01

BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long

Chia sẻ kinh nghiệm phòng trị bệnh lý mạch vành

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Ở nước ta, theo thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, năm 1991, tỷ lệ mắc bệnh mạch vành chỉ chiếm 3% dân số, đến năm 1996, tỷ lệ này là 6,1% và năm 1999 chiếm gần 10% dân số. Ở TP Cần Thơ, tháng 12-2012, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long là đơn vị đầu tiên triển khai kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua da và mổ tim hở. Hoạt động này có sự hỗ trợ chuyên môn của GS.BS Bernard Baehrel, chuyên gia hàng đầu lĩnh vực tim mạch – lồng ngực tại Pháp, giúp bệnh nhân ở ĐBSCL mắc các bệnh lý phức tạp về tim mạch được điều trị kịp thời.

Bệnh mạch vành là bệnh lý chỉ tình trạng lòng mạch bị hẹp lại do các mảng xơ vữa hoặc do co thắt mạch. Biểu hiện của bệnh động mạch vành là những cơn đau thắt ngực. Vị trí đau ở sau xương ức, chính giữa tim, ngực trái lan ra vai trái, cánh tay và bàn tay trái…kèm theo là hiện tượng khó thở, vã mồ hôi, hồi hộp, chóng mặt; trường hợp nặng hơn dẫn đến nhồi máu cơ tim gây tử vong.

Ê kíp phẫu thuật tim của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đang phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cho một bệnh nhân.

Để phát hiện mạch vành bị hẹp tắt, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long sử dụng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng máy DSA, các mạch máu nuôi tim sẽ hiện rõ lên màn hình. Kỹ thuật tiên tiến này giúp bệnh viện xử lý, cấp cứu kịp thời các trường hợp đột quỵ. Trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị Tư (SN 1911, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nhập viện lúc 10 giờ 50 phút ngày 1-3-2014) bị nhồi máu cơ tim KILIP IV, rối loạn nhịp tim và hẹp 3 nhánh mạch vành đã giữ được tính mạng nhờ người nhà kịp thời chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong thời gian vàng (6 giờ sau cơn đột quỵ). BS Trần Văn Thành, Phó Đơn vị Tim mạch BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết: Hiện nay, với kỹ thuật nội soi can thiệp động mạch vành qua da (đưa sent nong mạch vành qua động mạch từ cổ tay hoặc động mạch đùi), bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong quá trình cấp cứu và xuất viện sau vài ngày. Nhưng thực tế qua các trường hợp cấp cứu tại bệnh viện cho thấy, bệnh mạch vành đang ngày càng gia tăng và gây tử vong rất nhanh ở người trong độ tuổi lao động. Vì do bận công việc làm ăn, bệnh nhân thường bỏ qua những cơn đau thắt ngực trái, không đến bệnh viện để thăm khám, chụp DSA phát hiện đoạn động mạch vành bị hẹp để can thiệp bằng nội khoa. Các trường hợp này phải xử lý mổ hở để bắc cầu mạch máu. Như ông Bùi Văn Bĩnh (51 tuổi, ngụ Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nhập viện ngày 7-1-2015), bị nhồi máu cơ tim, được bệnh viện mổ cấp cứu bắc cầu 3 động mạch vành. Người nhà của ông Bùi Văn Bĩnh cho biết: Trên đường đi công tác, ông Bĩnh dùng bữa trưa, đột nhiên lên cơn mệt, đau thắt ngực, khó thở và được các đồng nghiệp đưa đến trạm y tế xã. Do không đo được huyết áp của ông nên trạm y tế xã chuyển bệnh nhân đến BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long. BS Trần Văn Thành cho biết: Khi nhập viện, ông Bĩnh trong tình trạng choáng, được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên - Killip 4 (mức độ cao nhất trong nhồi máu cơ tim), có choáng tim, phù phổi cấp. Bệnh viện lập tức đặt nội khí quản, hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân vào phòng DSA để chụp mạch vành. Quá trình chụp DSA, bệnh nhân có nhiều đợt choáng, dọa ngừng tim liên tục, phổi có bọt hồng. Kết quả chụp DSA cho thấy, bệnh nhân bị hẹp nặng thân chung động mạch vành trái, hẹp tắc nhiều đoạn động mạch mũ, hẹp động mạch liên thất trước, hẹp gần như hoàn toàn động mạch vành phải; nguy cơ tử vong rất cao, bệnh viện quyết định triệu tập khẩn cấp ê kíp mổ tim hở gồm 10 bác sĩ, để mổ bắc cầu mạch vành cho bệnh nhân. Cuộc mổ kéo dài hơn 5 giờ. Hiện nay, ông Bĩnh đã khỏe mạnh, tiếp tục công tác. BS Trần Văn Thành khuyến cáo, sự gia tăng bệnh động mạch vành chủ yếu do lối sống. Bệnh nhân hút thuốc lá chiếm 68%; tăng huyết áp chiếm 80%; rối loạn lipid máu chiếm 77,7%; đái tháo đường 38,8%; yếu tố gia đình chỉ 0,6%.

Theo thống kê của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, từ tháng 12-2012, đến nay, bệnh viện đặt stent mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim cho trên 400 bệnh nhân, mổ tim hở cho 70 bệnh nhân. Để giúp bà con ở ĐBSCL kịp thời được điều trị thành công những chứng bệnh tim mạch phức tạp. Từ cuối năm 2013, cứ 3 tháng 1 lần GS.BS Bernard Baehrel, chuyên gia hàng đầu lĩnh vực tim mạch – lồng ngực tại Bệnh viện Robert Debré - ĐH Reims (Pháp) sẽ đến BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long làm việc 3 tuần, nhằm thăm khám, hướng dẫn điều trị - phẫu thuật các ca bệnh khó. Bệnh nhân ở ĐBSCL có thể theo dõi lịch làm việc của GS.BS Bernard Baehrel tại BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long qua Website: www.hoanmy.com/cuulong

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Bệnh nhân được nội soi đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành cần điều chỉnh lối sống hợp lý. Chế độ ăn nhạt, giảm mỡ, duy trì cân nặng lý tưởng, tập thể dục mỗi ngày, ngưng hút thuốc lá và giảm căng thẳng. Vì bắc cầu động mạch vành không điều trị bệnh nền nên các bệnh nhân vẫn phải uống thuốc và tái khám định kỳ đều đặn tại các cơ sở chuyên khoa tim mạch.

Chia sẻ bài viết