06/03/2024 - 15:12

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trên ngưỡng 50 tháng thứ 2 liên tiếp 

(CTO) - Theo kết quả khảo sát của S&P Global, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 50,4 điểm trong tháng 2-2024. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, chỉ số PMI trên ngưỡng 50 điểm - ngưỡng khuyến khích mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, mức độ cải thiện sức khỏe của ngành sản xuất qua chỉ số PMI vẫn chỉ là tăng nhẹ.

Kết quả khảo sát của S&P Global cũng nhận định, dù số lượng đơn hàng mới tăng nhẹ tháng thứ 2 liên tiếp. Song, tốc độ tăng của đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã chậm lại và chỉ tăng nhẹ.

Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới được ghi nhận tăng tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 2, nhưng chủ yếu ở lĩnh vực hàng hóa, tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản, còn lĩnh vực hàng hóa trung gian giảm.

Điểm tích cực khác là số lượng đơn hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên - đây cũng là lần tăng đầu tiên trong 4 tháng qua. Nhưng vẫn có ý kiến trả lời khảo sát cho rằng, công ty của họ chỉ tuyển dụng nhân công mới tạm thời.

Trong tháng 2, các nhà sản xuất cũng quyết định sử dụng tồn kho hàng mua thay vì mua mới. Vì vậy, hoạt động mua hàng đã giảm nhẹ tháng thứ 4 liên tiếp. Còn ở những công ty mua hàng hóa đầu vào thì tiếp tục gặp khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa. Tình trạng vận chuyển chậm, cùng với chi phí vận tải tăng, làm cho chi phí đầu vào tăng đáng kể trong tháng thứ 2 liên tiếp. Vì áp lực cạnh tranh, nên các công ty đã cố gắng hạn chế tăng giá bán.

Xu hướng tích cực nữa là các kế hoạch mở rộng sản xuất và đưa ra các sản phẩm mới đã làm tăng niềm tin kinh doanh giữa quý I-2024. Tâm lý lạc quan về sản lượng cũng phản ánh kỳ vọng về tăng trưởng số đơn hàng mới. Có gần 55% trả lời lạc quan về niềm tin kinh doanh và là mức cao của 1 năm qua.

Chuyên gia của S&P Global nhận định, các yếu tố tích cực của PMI là việc làm tăng trở lại và niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong 1 năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tổng thể vẫn tương đối yếu, khiến các công ty tiếp tục thận trọng trong mua hàng và duy trì hàng tồn kho. Các nhà sản xuất vẫn cần có số lượng đơn đặt hàng mới duy trì và tăng mạnh hơn trước để đủ tự tin mua hàng hóa đầu vào và tăng thêm giá bán hàng.

S.NGUYÊN

Chia sẻ bài viết