15/03/2024 - 09:26

Châu Á - Thái Bình Dương khó tuyển quân 

Bất chấp các giải pháp như tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, quân đội Úc vẫn đang gặp khó trong tuyển dụng nhân lực. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương khi dân số khu vực đang già đi nhanh hơn các châu lục khác.

Singapore tăng tốc hiện đại hóa quân đội trước thách thức giảm quân số.

Hồi tháng 2, một phiên điều trần của Thượng viện cho biết quân đội Úc đang thiếu 7% lực lượng so với biên chế, tương đương 4.300 người. Thông tin trên được đưa ra sau nhiều thắc mắc về việc một đại tá quân đội Fiji được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy Lữ đoàn 7 của Úc. Trước nay, chính sách quốc phòng của Canberra chỉ cho phép tuyển công dân Úc và chỉ số ít trường hợp ngoại lệ.

Úc đang cân nhắc tuyển người nước ngoài và đưa ra lộ trình để họ có thể nhập quốc tịch. Canberra cũng bỏ kiểm tra thể lực và thưởng hơn 30.000 USD cho người phục vụ quân ngũ thêm 3 năm. Một số chuyên gia còn đề nghị chính phủ áp dụng lại chế độ quân dịch bắt buộc trong bối cảnh lo ngại xung đột Mỹ - Trung Quốc bùng phát cũng như mối đe dọa từ Nga và CHDCND Triều Tiên ngày càng tăng.

Số lượng tân binh giảm do già hóa

Tại châu Á - Thái Bình Dương, không riêng gì Úc gặp vấn đề nhân lực quân sự. Tình trạng dân số già đang làm giảm nguồn tuyển quân trong khu vực, đặc biệt ở những quốc gia Đông Bắc Á có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Trước đây, tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tác động của những thay đổi về nhân khẩu học đối với quốc phòng nhìn chung bị xem nhẹ. Nhưng những năm trở lại đây, quân đội nhiều nước đã chú trọng vấn đề này hơn và bắt đầu tìm cách thích nghi. Chẳng hạn như Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ (SDF) đã xem xét nhiều biện pháp như chạy chiến dịch quảng cáo, giảm nhiều yêu cầu khắt khe và cung cấp thêm lợi ích cho thanh niên để tăng số lượng người nhập ngũ tự nguyện. SDF cũng mở rộng nhóm ứng viên tiềm năng bằng cách nâng giới hạn độ tuổi tân binh từ 26 đến 32 tuổi.

Trong khi đó, Đài Loan năm 2022 đảo ngược quyết định giảm thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ một năm xuống còn 4 tháng. Hàn Quốc cũng đang tìm cách để người trẻ hào hứng tham gia quân đội, chẳng hạn như cải thiện mức lương và điều kiện làm việc. Ngoài ra, có đề nghị áp dụng chương trình nghĩa vụ quân sự với phụ nữ. Là nước đầu tiên trên thế giới đối mặt thách thức già hóa dân số, Nhật Bản được đánh giá đang làm tốt nhất trong tăng tỷ lệ phụ nữ làm việc cho quân đội. Có thông tin cho rằng hơn 20% tân binh gần đây là phụ nữ, cao hơn gấp đôi tổng tỷ lệ nữ giới trong quân đội Nhật Bản. Về phần mình, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn tiếp nhận số lượng lớn đơn nộp vào các học viện quân sự trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao. Nhưng PLA lại gặp khó trong việc tìm đủ tân binh có tay nghề cao phục vụ các chương trình hiện đại hóa quân đội.

Ngoài cách tuyển thêm quân, quân đội trên khắp thế giới đang sử dụng các loại hình công nghệ tiên tiến như máy bay không người lái, hệ thống tự động và trí tuệ nhân tạo để giảm số lượng nhân lực. Chung mục tiêu này, Singapore cho biết việc giới hạn tổng số quân nhân là cần thiết khi dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống. Singapore khẳng định đây không phải vấn đề bởi đảo quốc này đang mở rộng cải tiến công nghệ và thiết bị. Năm 2022, Singapore lập Cơ quan Tình báo và Kỹ thuật số với tư cách “cánh tay thứ tư” của lực lượng vũ trang.

Không phải mọi quốc gia châu Á đều lo ngại tình trạng tuyển dụng sụt giảm. Ngược lại, ở những nước đang phát triển trong khu vực, gia nhập quân đội được nhiều người coi là lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn. Ngoài ra, với những quốc gia dân số tương đối trẻ như Indonesia, quân đội không gặp khó trong tuyển tân binh. Trong khi đó, Ấn Độ với đà dân số tăng lên bắt đầu triển khai chương trình tuyển quân mới, nhưng không phải để tăng quân mà nhằm thay đổi cơ cấu lực lượng quốc phòng, đảm bảo lực lượng tiền tuyến trẻ khỏe và giảm chi phí lương hưu.

MAI QUYÊN (Theo ABC News)

 

Chia sẻ bài viết