01/10/2020 - 08:56

Châu Á kích cầu để vực dậy nền kinh tế 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm tê liệt nhiều nền kinh tế trên khắp thế giới, chính phủ các nước châu Á đang nỗ lực phục hồi bằng cách cung cấp phiếu mua hàng giảm giá, thậm chí phát tiền mặt để khuyến khích tiêu dùng trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề.

Như nhiều nước châu Á khác, Nhật đang tìm cách kích cầu. Ảnh: DPA

Như nhiều nước châu Á khác, Nhật đang tìm cách kích cầu. Ảnh: DPA

Tại Trung Quốc, các tỉnh thành trên khắp nước này đã phát rất nhiều phiếu giảm giá để kích thích tiêu dùng. Vũ Hán, tâm dịch COVID-19, hồi tháng 4 đã phát cho người dân nhiều phiếu mua hàng với tổng trị giá 500 triệu nhân dân tệ (75 triệu USD) để họ sử dụng tại các siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại cũng như các địa điểm văn hóa. Chính quyền địa phương còn bắt tay với các nền tảng thương mại điện tử như WeChat, Alipay và Meituan phát hành phiếu giảm giá trị giá hàng tỉ nhân dân tệ.

Thủ đô Bắc Kinh cũng phát một lượng lớn phiếu mua đồ ăn giảm giá trị giá 150 triệu nhân dân tệ với sự chung tay của 70.000 doanh nghiệp.

Đầu tháng 9, Bộ Thương mại Trung Quốc đã phát động chiến dịch tăng cường chi tiêu kéo dài một tháng trên toàn quốc.

Tại Nhật Bản, chiến dịch “Go to Travel” đã được triển khai từ cuối tháng 7 để thúc đẩy du lịch nội địa. Theo đó, du khách được giảm 35% vé tour trong nước, lên đến 10.000 yen (khoảng 95USD) đối với tour trong ngày hoặc 20.000 yen đối với tour 2 ngày 1 đêm. Ước tính, chính phủ xứ Mặt trời mọc dành tới 1.350 tỉ yen cho chiến dịch này. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 4 đã phát khoản tiền mặt trị giá 100.000 yen cho mọi người dân để giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 7 tuyên bố phát 8 loại phiếu giảm giá để thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi kinh tế, được sử dụng trong các lĩnh vực du lịch trong nước, thực phẩm và đồ uống, thể thao. Arirang News cho biết, chính phủ đến nay đã phát số phiếu giảm giá với tổng trị giá 140 triệu USD, được cho sẽ thu hút mức chi tiêu 837 triệu USD. Trước đó hồi tháng 5, Seoul phát động quỹ cứu trợ thiên tai quốc gia, theo đó mỗi hộ gia đình, tùy thuộc vào số lượng thành viên, nhận được số tiền từ 400.000-1 triệu won (344-860USD).

Còn Đài Loan hồi giữa tháng 7 đã tung ra chương trình phát phiếu giảm giá trị giá 50 tỉ Đài tệ (khoảng 1,7 tỉ USD) để người dân có thể dùng mua nhiều mặt hàng và dịch vụ. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng người Đài Loan hoặc người nước ngoài nhập quốc tịch Đài Loan được nhận các phiếu mua hàng trị giá 1.000-3.000 Đài tệ. Đến nay, ít nhất 21,5 triệu phiếu mua hàng đã được phát. 

Riêng công dân Malaysia từ 18 tuổi trở lên có mức thu nhập hàng năm dưới 100.000RM (24.000USD) nhận được 50RM tín dụng điện tử theo chương trình e-Penjana để mua hàng tạp hóa, nhiên liệu và thanh toán tiền điện nước. Tổng cộng, 750 triệu RM đã được chi cho e-Penjana.

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia từ cuối tháng 8 bắt đầu chi khoản hỗ trợ 2,4 triệu rupiah (khoảng 160USD)/người/tháng trong vòng 4 tháng cho khoảng 15,7 triệu công nhân có mức lương hàng tháng dưới 5 triệu rupiah. Theo Bộ trưởng Nhân lực Ida Fauziyah, khoản hỗ trợ này được kỳ vọng sẽ duy trì sức mua của người dân và thúc đẩy tiêu dùng, từ đó giúp kinh tế tăng trưởng.

Tại Thái Lan, chiến dịch “We Travel Together” trị giá 22,4 tỉ baht (tương đương 716,8 triệu USD) đã được phát động từ giữa tháng 7 và sẽ kéo dài đến tháng 12 năm nay. Theo đó, du khách được giảm 40% giá phòng khách sạn và nhà hàng. Đặc biệt, những khách du lịch đi bằng đường hàng không được hoàn lại 40% tiền vé máy bay. Bangkok cũng có kế hoạch phát 3.000 baht/người cho 10 triệu người thông qua ứng dụng do Ngân hàng Krungthai phát triển. Bất kỳ người dân Thái Lan nào từ 18 tuổi trở lên đều có thể đăng ký tham gia chương trình.

TRÍ VĂN (Theo Straits Times, Reuters)

Chia sẻ bài viết