23/01/2017 - 09:46

Châu Á chạy đua phát triển tàu sân bay

Hiện nhiều nước lớn ở châu Á đã có hàng không mẫu hạm. Nếu như Trung Quốc sở hữu tàu sân bay Liêu Ninh thì Ấn Độ có INS-Vikramaditya.

Ấn Độ đang trong quá trình thử nghiệm 2 tàu sân bay mới, một dựa theo thiết kế của INS-Vikramaditya (vốn là chiếc Đô đốc Gorshkov mà Nga bán cho New Delhi và được tân trang lại) và một tàu tự sản xuất có tên INS Vikrant. Trong khi đó, ít nhất 2 tàu sân bay bản địa khác của Trung Quốc được cho đang trong quá trình xây dựng. Có nhiều đồn đoán rằng Hải quân Trung Quốc trong tương lai có thể sẽ sở hữu tới 6 tàu sân bay, được trang bị chiến đấu cơ J-15 do nước này thiết kế. Cần nhắc lại là tàu sân bay Liêu Ninh vốn là chiếc Varyag mà Bắc Kinh mua lại từ Ukraine.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: National Interest

Trong khi đó, ít nhất 3 quốc gia khác trong khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc cũng đang phát triển tàu tấn công có thể mang theo trực thăng. Mặc dù không chiếc nào trong số những tàu của 3 nước này được thiết kế như một chiến hạm cho phép máy bay cánh cố định hoạt động, nhưng chúng có thể được xem là cơ sở để phát triển tàu sân bay trong tương lai. Hiện Úc đang mua 2 tàu từ Tây Ban Nha vốn ban đầu được thiết kế nhằm cho phép máy bay cánh cố định hoạt động. Giới chuyên gia nhận định, ngay cả khi chỉ một vài trong số những nước trên sở hữu tàu sân bay, điều này sẽ có tác động rất lớn đối với hoạt động của các lực lượng hải quân trong khu vực.

Thông thường, một tàu sân bay Mỹ lúc nào cũng hiện diện 4 phi đội chiến đấu riêng biệt, gồm phi đội tác chiến điện tử; phi đội chống tàu ngầm, tìm kiếm và cứu nạn trực thăng; phi đội cảnh báo sớm và phi đội máy bay chở hàng. Giới chuyên gia cho rằng tàu sân bay của Hải quân Trung Quốc và Hải quân Ấn Độ còn lâu mới theo kịp Mỹ. Lý do là thế hệ tàu sân bay hiện tại của Ấn Độ và Trung Quốc được thiết kế với đường băng cất cánh kiểu nhảy cầu nên không thể lắp đặt các loại máy phóng máy bay phức tạp. Mặt khác, với thiết kế này, số lượng máy bay cánh cố định mà tàu sân bay Ấn Độ và Trung Quốc có thể chở bị giảm đáng kể, chỉ khoảng hơn 20 chiếc (tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ chở gấp ba lần con số này), đồng thời giới hạn số lượng máy bay có thể hoạt động cùng một lúc. Ngoài ra, thiết kế này đồng nghĩa với việc các chiến đấu cơ phải giảm tải lượng vũ khí mang theo để có thể cất cánh, gây hạn chế đáng kể hỏa lực và phạm vi hoạt động.

HOÀNG NAM (Theo National Interest)

Chia sẻ bài viết