07/02/2010 - 22:07

PCI 2009 khu vực ĐBSCL:

Chất lượng điều hành kinh tế được cải thiện

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kết quả cho thấy sự cải thiện về điểm số và thứ hạng đều tăng so với năm 2008. PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của lãnh đạo địa phương thông qua sự cảm nhận của doanh nghiệp (DN) dân doanh. Mặc dù trong bối cảnh suy giảm kinh tế, nhiều địa phương với cách làm năng động, kịp thời cùng DN tháo gỡ khó khăn đã nhận được đánh giá cao của DN trong cải cách hành chính (CCHC), môi trường đầu tư- kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2010, các chuyên gia dự báo rằng, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn, khi “kho” tăng điểm đang cạn dần ở những chỉ số thành phần dễ lấy điểm.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Công bố chỉ số PCI 2009, TP Cần Thơ xếp thứ 21 cả nước và nằm trong tốp tốt.
Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Trà Nóc. 

Qua 5 năm công bố chỉ số PCI, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã xem đây là cơ sở để đẩy mạnh cải cách hành chính và môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư tại địa phương. Kết quả PCI 2009, khu vực ĐBSCL có 2 tỉnh nằm trong tốp rất tốt (Đồng Tháp, Vĩnh Long), 9 tỉnh ở tốp tốt (Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, TP Cần Thơ, Cà Mau), 1 tỉnh tốp khá (Sóc Trăng) và 1 tỉnh thuộc tốp trung bình (Bạc Liêu). Đồng Tháp và Vĩnh Long được trao giải điều hành kinh tế xuất sắc năm 2009. Trong khi PCI 2008, ĐBSCL không có tỉnh nằm trong tốp rất tốt, chỉ có 5 tỉnh nằm trong tốp tốt, 6 tỉnh ở tốp khá, 1 tỉnh tốp trung bình và 1 tỉnh rơi vào tốp cuối bảng. Năm 2009, một số địa phương thay đổi lớn về thứ hạng gồm: Kiên Giang (hạng 19, tăng 16 bậc so với năm 2008), Tiền Giang (tăng 12 bậc lên hạng 9), Hậu Giang (từ hạng 31 năm 2008 lên hạng 13 năm 2009). Về điểm số, Bạc Liêu tăng hơn 11 điểm, Kiên Giang tăng gần 11 điểm, Hậu Giang tăng trên 9 điểm...

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nói: “Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, các tỉnh, thành trong khu vực đã cùng DN tháo gỡ khó khăn, rút ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo- DN ngày càng gần hơn. Phần lớn các chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2008, trong đó, chỉ số chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian... rất nhiều địa phương tăng điểm. Song, chỉ số về đào tạo lao động, tính minh bạch chưa cải thiện so với trước; chỉ số thiết chế pháp lý gần như không cải thiện trong 3 năm qua, chứng tỏ sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với thiết chế pháp lý chưa sâu”. Song, cũng phải nhìn nhận rằng, môi trường kinh doanh ở các địa phương trong vùng đã cải thiện đáng kể trong năm qua, đáng ghi nhận là tỉnh Bạc Liêu tiến bộ vượt bậc trong việc đối thoại trực tiếp với DN. Theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, nếu trước đây các cuộc đối thoại giữa DN với chính quyền địa phương mang tính đối chất, giải quyết vụ việc, thì hiện tại, nhiều địa phương họp mặt với DN để thông báo chính sách cải cách của tỉnh, ghi nhận và lắng nghe ý kiến của DN, nhằm làm “mềm” hơn mối quan hệ hợp tác. Năm qua, các tỉnh thành công trong chính sách đối thoại gồm TP Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang...

PCI năm 2009, tỉnh Đồng Tháp đứng đầu khu vực ĐBSCL trên bảng xếp hạng và xếp thứ 4 cả nước với 68,54 điểm. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp - Nguyễn Văn Hồng, cho biết: “Năm 2009, tỉnh tập trung vào 3 việc chính để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chỉ số PCI như: việc đăng ký kinh doanh rút ngắn lại còn 5 ngày, tăng cường ứng dụng ISO về quản lý ở các sở, ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng trang web tỉnh, đưa các thông tin cải cách, chính sách của địa phương cập nhật liên tục lên web để DN nắm bắt tình hình”. Ông Hồng cho rằng, năm 2008, thu hút đầu tư vào Đồng Tháp tăng nhảy vọt, nhưng năm 2009 thì không nhiều do ảnh hưởng suy giảm kinh tế. Mặt khác, từ năm 2007 đến nay, tỉnh tập trung quyết liệt việc đào tạo nghề cho lao động, nhưng vẫn chưa được DN đánh giá cao, năm 2009, chỉ số này chỉ đạt 4,59 điểm; còn chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai năm 2008, Đồng Tháp đạt khá cao 8,05 điểm, sang 2009 rớt xuống còn 6,58 điểm. Do vậy, PCI chỉ đánh giá phần nào chất lượng điều hành kinh tế của địa phương, các chỉ số thành phần cũng chỉ phản ánh thực tế một phần qua đánh giá của DN, bởi ngoài ra yếu tố môi trường tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh địa phương.

Còn ông Phạm Thành Khôn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, cho rằng PCI 2009 của địa phương vẫn duy trì trong tốp 6 cả nước, các chỉ số thành phần về điểm số phần lớn đều tăng, chỉ có một chỉ số là đào tạo lao động bị giảm điểm (đạt 5,1 điểm, giảm 2,83 điểm so với năm 2008). Trong khi đây là chỉ số chiếm đến 20% trong bảng trọng số (PCI 2009 gồm 9 chỉ số thành phần), nếu chỉ số này bị điểm thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến điểm số chung và thứ hạng của từng địa phương. Đây cũng là yếu kém lớn nhất của ĐBSCL về đào tạo lao động, chất lượng nguồn nhân lực kém làm cho khả năng cạnh tranh của DN cũng bị ảnh hưởng. Tỉnh có điểm số cao nhất ở chỉ số đào tạo lao động là Tiền Giang cũng chỉ đạt 5,34 điểm...

Theo đánh giá của các chuyên gia dự án VNCI (Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam) và VCCI, năm 2009, ĐBSCL được xếp vào khu vực tăng điểm ấn tượng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong khu vực không đồng đều, kho tăng điểm ở những chỉ số dễ lấy điểm đang cạn dần (như chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, chi phí gia nhập thị trường) do các địa phương đều có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. Do vậy, cuộc cạnh tranh sắp tới sẽ gay gắt hơn, các chỉ số khó lấy điểm và luôn chiếm trọng số cao trong bảng PCI như: đào tạo lao động, tính minh bạch, thiết chế pháp lý... đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ lãnh đạo địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh nhằm gia tăng sự tin cậy đối với DN.

Năm 2010- cạnh tranh sẽ quyết liệt

Tại hội thảo công bố chỉ số PCI 2009, đại diện một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL rất quan tâm đến chỉ số PCI và xem đây là thước đo để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng thu hút đầu tư; đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh. Theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, năm 2010, các tỉnh công nghiệp sẽ phát triển nhanh hơn, một số địa phương cơ cấu nông nghiệp cao sẽ dễ bị sụt giảm về thứ hạng trong bảng xếp hạng PCI do sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều rủi ro, tác động của biến đổi khí hậu. Các tỉnh có nhiều khu công nghiệp sẽ đối mặt với việc đánh giá khá gay gắt cho DN về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là các thành phố lớn, sự đòi hỏi này sẽ khắt khe hơn. PCI 2009, tỉnh Đồng Tháp tăng gần 2 điểm, nhưng chỉ cải thiện được 1 bậc trên bảng xếp hạng, Kiên Giang tăng gần 11 điểm (tăng 16 bậc), TP Cần Thơ tăng 5,85 điểm chỉ cải thiện được 1 bậc so với năm 2008, An Giang tăng 1,35 điểm nhưng lại tụt hạng đến 11 bậc, Long An tăng 0,45 điểm (tụt hạng đến 6 bậc)...

Bà Lê Thu Hiền, chuyên gia dự án VNCI, cho biết: “Hai chỉ số thành phần quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế tư nhân là tính minh bạch và chất lượng lao động- chiếm trọng số 40%. Có nhiều lý do để minh bạch cung cấp thông tin kinh doanh tác động lớn đến thành công của DN. Khi được tiếp cận đầy đủ với thông tin về những thay đổi chính sách, phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, DN sẽ dự báo tốt hơn triển vọng đầu tư của họ trong tương lai. Hai chỉ số tiếp cận đất đai và thiết chế pháp lý chỉ chiếm 5% trọng số nhưng cũng phản ánh toàn cục về những chủ trương của địa phương về cơ chế chính sách. Thiết chế pháp lý trong 3 năm qua không có thay đổi về điểm số và luôn ở mức thấp. Vấn đề này không riêng gì ĐBSCL, mà là tình hình chung của cả nước”. Năm qua, Cà Mau cải thiện mạnh mẽ trên bảng xếp hạng, nhờ giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức; Long An cải thiện chỉ số minh bạch, trụ sở “một cửa” đặt tại Sở Tài nguyên và Môi trường giúp người dân tiếp cận kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, tiến độ xử lý các hồ sơ... Năm 2010, nếu các chỉ số trên không cải thiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh của các địa phương.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ số PCI chỉ là công cụ để đánh giá và địa phương còn rất nhiều việc phải làm, không vì chỉ số PCI sụt giảm mà lo ngại. Hiện nay, Chính phủ đang gia tăng đầu tư vào ĐBSCL, trong tương lai, việc thu hút đầu tư ở khu vực này sẽ cải thiện với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, cơ sở vật chất, giáo dục đào tạo được nâng cấp... Các chuyên gia cho rằng, để cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về điểm số và thứ hạng trên bản đồ PCI 2010, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là dịch vụ hành chính công phục vụ trực tiếp nhu cầu của DN. Tăng cường phối hợp với viện, trường đào tạo lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường của DN. Công khai các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, đồng thời nêu cao vai trò tiên phong của lãnh đạo địa phương thông qua các cuộc đối thoại, giải quyết vướng mắc của DN.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Chia sẻ bài viết