09/01/2024 - 11:07

Chàng trai đất Sen Hồng làm giàu nhờ trồng dưa lưới 

Lê Hữu Thuận (29 tuổi, ngụ thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp), không chỉ kiếm được thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng nhờ trồng dưa lưới trong nhà màng, anh còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và hỗ trợ cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công. 

Anh Thuận đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khởi nghiệp.

Anh Thuận hiện là Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Song Mai (thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Song song đó anh còn là Phó Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Lấp Vò với nhiều mô hình hay giúp người trẻ có việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp. Anh Thuận kể, tốt nghiệp ngành Kinh tế Nông nghiệp, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 2015, anh tốt nghiệp đại học và xin làm thuê tại các vườn dưa lưới để tích lũy kinh nghiệm và kỹ thuật. Năm 2017, tự tin với những điều tích lũy được, anh trở về quê để cùng 3 người bạn hùn vốn xây dựng nhà lưới để trồng dưa lưới. "Thời gian đi làm thuê tại các vườn dưa lưới, nhận thấy dưa lưới có giá, ở miền Tây khi đó cũng ít người trồng nên quyết tâm chọn dưa lưới để khởi nghiệp và may mắn có những người bạn cùng chí hướng để cùng thực hiện", anh Thuận cho biết.

Ban đầu, để đầu tư cho vườn dưa lưới anh phải gom hết tiền tích lũy được sau nhiều năm đi làm và vay ngân hàng để hùn vốn xây dựng nhà màng trồng lên đến gần 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, năm 2018, lũ dâng cao làm nhà màng trồng dưa lưới bị ngập, cây úng hoàn toàn, vụ đó anh mất trắng, thua lỗ nhưng vẫn không làm anh chùn bước. Năm 2019, sau khi đầu tư xây dựng lại đê bao, đầu tư thiết bị hiện đại anh thành công khi mở rộng diện tích trồng lên 8.000m2, trồng loại dưa lưới kim hoàng hậu. Muốn trồng dưa lưới thành công ngoài kỹ thuật, phải chủ động ứng phó thời tiết. Bởi thế, phải đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại như máy đo nhiệt độ, máy cảm biến, cảm ứng và tạo gió để duy trì nhiệt độ thích hợp. Dưa lưới trồng khoảng 55-68 ngày có thể thu hoạch, giống dưa lưới kim hoàng hậu dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, độ ngọt cao, thị trường ưa thích. Nhờ đó, mỗi tháng anh có thu nhập từ 40-50 triệu đồng. Riêng vào dịp Tết, thu nhập có thể lên đến gần 70 triệu đồng.

Hiện trang trại dưa lưới của anh Thuận tạo việc làm ổn định cho 10 người trẻ làm việc tại trang trại với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thời vụ cho 6-7 lao động địa phương với thu nhập từ 220.000-300.000 đồng/ngày. Ngoài ra, anh còn giúp tạo việc làm cho khoảng 9-12 người nhờ tham gia thi công nhà màng do đơn vị anh nhận thiết kế.

Với 8 năm gắn bó với công tác đoàn, anh không chỉ năng nổ trong các hoạt động, còn luôn tìm hiểu những mô hình hay, cách làm mới đem lại hiệu quả kinh tế để đem về áp dụng tại địa phương giúp người dân chuyển đổi sang mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Song song đó, anh còn đứng sau hỗ trợ nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công.

Hiện anh Thuận hỗ trợ nhiều mô khởi nghiệp như trồng sen đá, làm xà phòng handmade, làm đũa tre truyền thống… Ngoài ra, anh còn thực hiện mô hình đẩy mạnh quảng bá làng nhang truyền thống Lấp Vò, giúp nông dân địa phương trồng chuối, ấu áp dụng công nghệ để đem lại hiệu quả canh tác cao hơn. "Với những bạn trẻ đang và dự định khởi nghiệp nhưng đang loay hoay chưa có định hướng thì tôi sẽ hỗ trợ các bạn từ việc thiết kế bao bì, nhãn hiệu, đầu ra, đăng ký thương hiệu, kiểm nghiệm, kiểm định để khi bán ra thị trường có đủ giấy tờ", anh Thuận nói. Đến nay, anh Thuận đã hỗ trợ cho hơn 100 lao động có việc làm và nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công. Qua đó góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

"Năm trước tôi hỗ trợ thực hiện trồng chuối Laba (chuối tiến vua), theo mô hình tuần hoàn, ở trên trồng chuối, phía dưới ao nuôi cá. Đây là mô hình được tôi tìm hiểu ở tỉnh Lâm Đồng, đem về áp dụng ở địa phương và thành công, tạo việc làm cho gần 30 lao động", anh Thuận nói. Vừa qua, anh Lê Hữu Thuận vinh dự là 1 trong 43 thanh niên xuất sắc nhất cả nước đạt giải thưởng Lương Định Của năm 2023.

Là người trẻ khởi nghiệp với đũa tre cách tân và được anh Thuận hỗ trợ hướng đi, bao bì, đăng ký sản phẩm OCOP, anh Đinh Văn Tài, Bí thư Chi đoàn khóm Bình Phú Quới, thị trấn Lấp Vò, cho biết: "Ban đầu khởi nghiệp từ đũa truyền thống đầu ra gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi được anh Thuận hỗ trợ từ việc lên ý tưởng bao bì, giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh mạng xã hội. Mới đây, sản phẩm đũa tre của tôi đạt OCOP 3 sao của tỉnh và số lượng đơn hàng bán ra ngày một nhiều hơn. Đặc biệt, sản phẩm ly tre của cơ sở bán được số lượng ra thị trường và được nhiều khách hàng đón nhận. Tất cả đều là nhờ sự hỗ trợ từ anh Thuận".

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Chia sẻ bài viết