30/03/2012 - 20:59

Chẩn đoán chưa ra bệnh tay chân miệng, một bệnh nhi tử vong

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ thăm hỏi chia buồn tặng quà cho gia đình chị Lanh (mẹ bé Bằng). Ảnh: B.Ng

Thông tin Qua đường Dây nóng của Báo Cần Thơ, ông Trần Văn Dũng, ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ phản ánh cháu ruột ông là bé Phạm Văn Hữu Bằng (sinh năm 2009) mất do bệnh tay chân miệng nhưng bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ khám, chẩn đoán ban đầu cho rằng bé Bằng bị rối loạn tiêu hóa nên cho về, làm cháu trở bệnh nặng, tử vong. Vụ việc này thực hư ra sao?

Ông Trần Văn Dũng trình bày, bé Bằng bị nóng, sốt hôm thứ năm (ngày 22-3-2012), gia đình vội đưa cháu đến Trạm Y tế xã Trường Thắng. Các bác sĩ ở trạm khuyên nên đưa cháu Bằng đến Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ để khám chữa bệnh. Sáng thứ 6 (ngày 23-3-2012), gia đình đưa cháu Bằng đến BVNĐ TP Cần Thơ. Ông Dũng bức xúc kể: “Khi đến BVNĐ TP Cần Thơ, bác sĩ khám cho cháu Bằng và cho rằng cháu bị rối loạn tiêu hóa nên cho 3 lần thuốc uống, một lần thuốc nhét hậu môn, rồi bảo gia đình đưa cháu về nhà. Trong khi đó, Bằng đi không vững, miệng nổi nhiều mụn nước, lở loét”. Về đến nhà (trưa 23-3), cháu Bằng vẫn không hết nóng, tối lại bứt rứt, không ngủ được. Khoảng 3 giờ sáng thứ 7 (ngày 24-3), gia đình vội đưa bé Bằng đến BVNĐ TP Cần Thơ, y, bác sĩ đã cố gắng cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng cháu Bằng đã tử vong.

Theo Công văn số 171/GT.BVNĐ của BVNĐ TP Cần Thơ, do bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc bệnh viện (ký) vào ngày 28-3-2012, thì Ban lãnh đạo bệnh viện đã tiến hành họp kiểm thảo trường hợp tử vong của bệnh nhân Phạm Văn Hữu Bằng, ở ấp Trường Phú, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nhập viện lúc 4 giờ 30 phút ngày 24-3-2012. Trước đó (sáng 23-3), bé Bằng được bác sĩ thăm khám hỏi bệnh đầy đủ với các triệu chứng: sốt ngày thứ hai, kèm nôn ói nhiều, không có hồng ban bóng nước ở tay, chân, miệng. Qua khai thác bệnh sử, bé vẫn ngủ yên không giật mình, chới với, được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa tại thời điểm khám là phù hợp. Tuy nhiên, dựa vào yếu tố dịch tễ vào mùa bệnh tay chân miệng, bác sĩ có tư vấn gia đình cần trở lại tái khám cho trẻ nếu có dấu hiệu bất thường như sốt cao >390C, thở mệt, giật mình, run chi, chới với, bứt rứt, co giật, yếu liệt chi, đi loạng choạng... Nhưng người nhà không nhận được tờ rơi chăm sóc bệnh tay chân miệng của bệnh viện để theo dõi diễn tiến của bệnh. Bệnh viện có nghiêm khắc rút kinh nghiệm đối với bác sĩ, điều dưỡng phải có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ ca bệnh cho gia đình bệnh nhi.

Công văn trên cũng nêu rõ: Đến 4 giờ 30 phút sáng 24-3, bé Bằng được nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng bứt rứt, tím tái, thở nhanh, co lõm, tim nhanh >180 lần/phút với chẩn đoán sơ bộ: suy hô hấp nặng/TD bệnh tay chân miệng độ IV, được chuyển thẳng qua Khoa Hồi sức tích cực chống độc, qua bóp bóng hỗ trợ, kíp trực chuẩn bị đặt nội khí quản thở máy, bé trào bọt hồng rất nhiều, mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp không đo được, nhịp tim >200 lần/phút, có hồng ban bóng nước ở lòng bàn chân. Với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ IV/phù phổi cấp được hồi sức tích cực, thở máy, chống sốc do viêm cơ tim, đo huyết áp xâm nhập, chống phù phổi cấp và điều trị Immuno Globulin, làm các xét nghiệm CTM, ion đồ, CRP, gluco máu, khí máu, test nhanh EV 71, Tropomin 1, XQ phổi tại giường, phết họng tìm EV 71 chờ kết quả. Sau khi hồi sức tích cực đến 7 giờ sáng cùng ngày, bé nằm yên, môi hồng qua thở máy, còn sốt nhiệt độ 38,90C, mạch nhanh 200 lần/phút, huyết áp xâm nhập 99/65 mmHg; 9 giờ diễn tiến bệnh rất nặng, bé truỵ tim mạch, nhịp tim >200 lần/phút, huyết áp kẹp thấp 70/50 mmHg; 11 giờ bé ngưng tim mạch, huyết áp = 0; hồi sức tích cực trợ tim mạch với Adrenalin, Dopamin, Dobutamin, đến 15 giờ, bé ngưng tim lần 2, hồi sức tích cực vô hiệu; 15 giờ 30 phút cùng ngày, bé tử vong hẳn, với chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ IV có phù phổi cấp.

Vào ngày 29-3, Đoàn cán bộ y, bác sĩ BVNĐ TP Cần Thơ, do bác sĩ Lê Hoàng Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, tặng quà, chia sẻ mất mát đến gia đình vợ chồng anh Phạm Văn Út Em và chị Nguyễn Thị Bé Lanh (cha mẹ của bé Bằng) ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai. Tại đây, bác sĩ Sơn ân cần giải thích cho gia đình rõ về nguyên dẫn đến tình trạng tử vong của cháu Bằng. Ông Sơn nói: “Bé Bằng đến bệnh viện lần đầu, bác sĩ khám bệnh và chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa là phù hợp tại thời điểm đó, do cháu chưa nổi hồng ban ở tay chân miệng. Cháu còn bị nóng, ói, tiêu chảy...”. Theo ông Sơn, bệnh tay chân miệng hiện nay diễn biến phức tạp, cấp tính, không có triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng như nổi hồng ban bóng nước ở tay chân miệng mà chỉ có sốt, có bệnh cảnh đi kèm như viêm hô hấp trên hoặc nôn ói, rối loạn tiêu hóa, chính vì thế đa số nhập viện trễ trong trường hợp nặng như trường hợp của bé Bằng. Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch tập huấn theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiếp tục cử bác sĩ, điều dưỡng tập huấn chuyên sâu tuyến trên nâng cao kỹ năng khám, điều trị đạt hiệu quả tối ưu.

Tuy nhiên, theo lời kể của mẹ bé Bằng- chị Nguyễn Thị Bé Lanh thì chị đã nói với bác sĩ khám là gia đình sợ cháu bị bệnh tay chân miệng. Bác sĩ bảo cháu Bằng há miệng, lấy cây rơ lưỡi xem, đi vài bước nhưng cháu đi loạng choạng, té nhiều lần nhưng bác sĩ không để cháu Bằng ở lại bệnh viện tiếp tục theo dõi, điều trị. Ông Dũng, dượng của cháu Bằng buồn bã nói: “Giờ thì cháu tôi cũng chết rồi. Gia đình cảm ơn bệnh viện đã cật lực cứu chữa cho cháu, khi cháu nhập viện lần hai, trở bệnh nặng... Nhưng tôi cũng rất buồn và giận vì sao ngay ngày đầu tiên bác sĩ khám thấy cháu tôi có biểu hiện khác thường mà không giữ lại bệnh viện theo dõi mà lại cho về, để đến tối mới trở lại bệnh viện thì đã quá trễ. Tôi không chỉ nói về tay nghề mà còn nói về vấn đề y đức...”.

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhi Phạm Văn Hữu Bằng, cha mẹ cháu Bằng là nông dân nghèo, mới ra ở riêng, được ông Dũng cho ở nhờ miếng đất sau vườn, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Hiện nay, vợ chồng chị Bé Lanh còn lại bé trai (10 tuổi)- anh bé Bằng. Gia đình đề nghị: “Bệnh viện cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm, xử lý đối với bác sĩ trong việc khám sơ sài, dẫn đến chẩn đoán sai bệnh, để tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự cái chết oan uổng của cháu Bằng”.

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết