04/07/2020 - 10:06

Chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh - trách nhiệm thuộc về ai? 

Tình trạng cây xanh ngã đổ do mưa, bão, gây thiệt hại về người và tài sản đã xảy ra ở một số tỉnh, thành nói chung và Cần Thơ nói riêng. Trước tình trạng này, người dân rất băn khoăn về vấn đề bảo quản cây xanh và trách nhiệm bồi thường khi cây xanh ngã, đổ. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi với một số đơn vị, sở, ngành liên quan.    

* Ông Nguyễn Trọng Tấn, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều:
NGĂN CHẶN MỐI NGUY TỪ CÂY XANH GÃY, ĐỔ

Hiện nay, trên địa bàn quận Ninh Kiều có hơn 10.000 cây xanh trồng dọc các tuyến đường. Những cơn mưa đầu mùa kèm giông, lốc mạnh đã làm gãy đọt, ngã đổ một số cây trên một số tuyến đường. Để đảm bảo an toàn cho người dân trong ngày mưa bão cũng như bảo dưỡng, duy tu những cây xanh đang tồn tại, quận Ninh Kiều đã phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát từng tuyến đường, từng cây xanh. Đồng thời, phối hợp với đơn vị có liên quan thực hiện cắt tỉa cây gọn gàng, mé nhánh cây đồng bộ. Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, khống chế chiều cao cây xanh đối với những tuyến đường có đường dây lưới điện trung và hạ thế, xử lý kịp thời các cây xanh có nguy cơ ngã đổ, gây chạm, chập, phóng điện. Đối với những tuyến đường có những cây xanh tự phát hoặc do người dân tự trồng thì phối hợp UBND các phường thống kê đưa vào danh mục bàn giao cho Nhà nước quản lý, chăm sóc bảo dưỡng. Đối với những cây không nằm trong danh mục Nhà nước quản lý thì sẽ khảo sát đốn bỏ và có kế hoạch trồng dặm lại cây đúng chủng loại, nhằm chủ động phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của thiên tai, đảm bảo an toàn về người, tài sản và mỹ quan đô thị.

Ngành chức năng tiến hành cắt tỉa cành cây xanh trên đường Nguyễn Trãi (quận Ninh Kiều). Ảnh: T.NHUNG

* Ông Lê Hoàng Duy Linh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ô Môn:
ĐẢM BẢO AN TOÀN CHO HỌC SINH VÀ GIÁO VIÊN TRONG MÙA MƯA BÃO

Trong tất cả các loại cây xanh trồng ở khuôn viên trường học, phượng vĩ là cây lâu đời, đã đi vào thi ca và gắn liền với tuổi học trò. Vì vậy, không nên đốn bỏ cây phượng tùy tiện, mà cần có biện pháp chăm sóc hợp lý để bảo vệ cây phượng. Đồng thời, chủ động kiểm tra tỉa cành, tạo tán thường xuyên. Để tiện việc chăm sóc cây, các trường cũng làm tập hồ sơ theo dõi cây xanh toàn trường nhằm lưu lại những thông tin về thời gian cây được kiểm tra, cắt tỉa.

Hiện tại, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã chỉ đạo các trường học kiểm tra toàn bộ cây xanh trồng trong khuôn viên trường học để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo cảnh quan, an toàn cho học sinh và giáo viên. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện những cây có dấu hiệu mục gốc, rỗng thân có nguy cơ ngã đổ thì các trường buộc phải đốn bỏ để đảm bảo an toàn. Còn lại, các trường phải chủ động triển khai các biện pháp cần thiết để giữ cây, hạn chế tối đa việc cắt bỏ tùy tiện, ảnh hưởng đến cảnh quan trường học…

* Ông Nguyễn Thành Tích, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai:
TUYÊN TRUYỀN, NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI DÂN, CHUNG TAY CHĂM SÓC, QUẢN LÝ CÂY XANH

Việc quản lý cây xanh đô thị đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, để công tác quản lý cây xanh được đảm bảo, ngoài những nỗ lực của đơn vị quản lý chuyên ngành, rất cần có sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền các cấp trong thực hiện trách nhiệm về quản lý cây xanh. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, chung tay cùng chính quyền và ngành chức năng trong việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

Trên địa bàn xã có tuyến đường ô tô đi ngang, có đoạn trồng nhiều cây phượng vĩ. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cành, tránh sự cố gãy, đổ cây.

* Luật sư Phan Đăng Hữu, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV An Khang:
ĐƠN VỊ QUẢN LÝ CÂY XANH PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM NẾU KHÔNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP HẠN CHẾ TỐI ĐA RỦI RO

Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra. Vì vậy, nếu có thiệt hại về người, tài sản, thiệt hại khác... cho người đi đường khi chẳng may cây cối gãy, đổ, ngã... thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu, chiếm hữu, được giao chăm sóc cây xanh phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào người bị thiệt hại cũng có thể được bồi thường. Bởi theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, sẽ không phải bồi thường thiệt hại vì sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

Trong đó, Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Như vậy, nếu như cá nhân sở hữu cây xanh, các đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa các cành cây, buộc cây, gia cố cây… nhưng do mưa to, gió lớn làm cây xanh vẫn gãy đổ, bật gốc… gây thiệt hại thậm chí gây hậu quả chết người thì sẽ không phải bồi thường vì đây thuộc trường hợp bất khả kháng.

Do đó, để xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp cây cối đổ, gây thiệt hại cho người đi đường thì phải xem xét cá nhân sở hữu; đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người đi đường có lỗi hay không.     

CHẤN HƯNG - TUYẾT NHUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết