01/07/2008 - 22:28

Chấm hết Hiệp ước Lisbon !

Giờ đây, nhiệm vụ “giải cứu Hiệp ước Lisbon” của Tổng thống Pháp Sarkozy và Thủ tướng Đức Merkel” càng khó khăn hơn. Ảnh: AFP

Sau khi bị cử tri Ireland nói “không” trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6, Hiệp ước Lisbon, văn kiện được soạn thảo để thay thế hiến pháp chung của Liên minh châu Âu (EU), lại tiếp tục gặp những trở ngại mới. Ngày 1-7, Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski tuyên bố sẽ không ký thông qua hiệp ước này. Trong khi đó, Tổng thống Đức Horst Koehler cho biết phải chờ tòa án hiến pháp quyết định liệu nội dung cải cách EU có phù hợp với luật pháp Đức hay không trước khi phê chuẩn. Cộng hòa Czech có thể cũng là một trở ngại khi nhiều nghị sĩ trong liên minh trung hữu cầm quyền tỏ ra lạnh nhạt với Hiệp ước Lisbon.

Quốc hội Ba Lan thông qua Hiệp ước Lisbon hồi tháng 4, nhưng tới nay vẫn chưa có hiệu lực vì thiếu chữ ký của tổng thống. “Hiện tại, vấn đề hiệp ước là vô nghĩa”, Tổng thống Kaczynski phát biểu trên nhật báo Dziennik. Ông Kaczynski cho rằng vì hiệp ước cần tất cả 27 nước thành viên EU thông qua mới có hiệu lực, nhưng Ireland đã từ chối, nên không còn ý nghĩa nữa (đến nay mới có 19 quốc gia chính thức phê chuẩn). Ông cũng đề nghị các nhà lãnh đạo EU không nên cô lập hoặc gây sức ép lên Ireland. Trong khi đó, Tổng thống Czech Vaclav Klaus tuyên bố Hiệp ước Lisbon đã chết và cho biết Czech sẽ không hoàn thành tiến trình phê chuẩn cho tới khi tòa án hiến pháp có ý kiến tích cực đối với hiệp ước này. Tại Đức, Hiệp ước Lisbon đối mặt với thách thức từ đảng đối lập mang tên Cánh tả sau khi đã được lưỡng viện quốc hội thông qua hồi đầu năm. Đảng Cánh tả cho rằng hiệp ước mới vi phạm nguyên tắc dân chủ và quyền của các nghị sĩ Đức. Theo họ, Hiệp ước Lisbon trao quá nhiều quyền lực cho Hội đồng châu Âu, cơ quan gồm các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng, so với quốc hội các nước và Nghị viện châu Âu.

Động thái của ông Koehler đặt Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tình huống khó xử khi bà đang cùng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ráo riết vận động các nước cứu Hiệp ước Lisbon. Ông Sarkozy và bà Merkel cho rằng hiệp ước là điều kiện cần thiết để mở rộng EU vì Hiệp ước Nice hiện nay chỉ được “thiết kế” cho 27 thành viên.

Tuy nhiên, những người phản đối thì cho rằng đó là điều vô lý. Việc mở rộng EU có thể tiếp tục diễn ra khi có hoặc không có Hiệp ước Lisbon. Chẳng hạn như Cao ủy về mở rộng EU Olli Rehn cho rằng việc kết nạp thành viên mới cần một số vấn đề về quản trị, trong đó có việc tính lại số ghế của các nước thành viên trong Nghị viện châu Âu, nhưng tất nhiên có thể quản lý một EU lớn hơn mà không cần Hiệp ước Lisbon.

Tình hình hiện nay cho thấy chủ trương thông qua Hiệp ước Lisbon bằng mọi giá của một số nước lớn trong EU đang đứng trước nguy cơ phá sản.

N.MINH (Theo DW, BW, AFP)

Chia sẻ bài viết