11/03/2018 - 15:04

Câu chuyện sắc tộc ở Hollywood 

Những năm gần đây các vấn đề sắc tộc trong ngành công nghiệp điện ảnh được dư luận quan tâm, nhất là khi Hollywood cho thấy phong trào “whitewashing” (tẩy trắng - thay thế các diễn viên da màu bằng da trắng). Nhưng những thành công của những tác phẩm đậm chất da màu “Moonlight”, “12 Years A Slave”, “Get Out”, mới nhất là bom tấn “Black Panther”, liệu có khiến Hollywood thay đổi tư tưởng phân biệt chủng tộc?

Kỳ tích “Black Panther” và chuyện cũ về màu da

Ra rạp vào giữa tháng 2, “Black Panther” vẫn không ngừng càn quét các phòng vé và lập nên nhiều kỷ lục. Tính hiện tại, “Black Panther” đã thu về hơn 921 triệu USD, chưa tính phòng vé Trung Quốc (khởi chiếu vào ngày 9-3). “Black Panther” trở thành phim siêu anh hùng Marvel có tốc độ kiếm tiền nhanh nhất, vượt cả “The Avengers” - bom tấn quy tụ nhiều siêu anh hùng Marvel. “Black Panther” cũng đang là tác phẩm có doanh thu cao nhất năm 2018 tính đến thời điểm hiện tại. Đây là thành công ngoài mong đợi và mang tính đột phá, khi các diễn viên và phần lớn ê-kíp sản xuất của “Black Panther” đều là người da màu. Nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Lupita Nyong’o, nói: “Chưa bao giờ tôi thấy có nhiều người da màu trên trường quay đến vậy. Đó là cột mốc có tính lịch sử của người da màu trên màn ảnh và chúng tôi tự hào là một phần của lịch sử đó”. “Black Panther” cũng đạt điểm số cao trên các trang phê bình: Rotten Tomatoes (97% điểm), IMDB (7,8/10 điểm), Metacritic (88/100 điểm)…

“Black Panther”.

Trong quá khứ, phim về sắc tộc và diễn viên da màu thành công không phải hiếm. “Beverly Hills Cop” (1984) từng có ngân sách sản xuất là 15 triệu USD nhưng thu về trên 316 triệu USD, “The Color Purple” (1985) với sự xuất hiện của bộ đôi Will Smith và Martin Lawrence đã mang về 142 triệu USD khi kinh phí chỉ 15 triệu USD. Năm 1995, “Waiting to Exhale” với dàn sao nữ da màu: Angela Basset, Loretta Devine, Lela Rochon, Whitney Houston đã mang về 82 triệu USD. Will Smith còn giúp “Independence Day” (1996) mang về đến 817 triệu USD. Với dòng phim siêu anh hùng, các diễn viên da màu cũng từng tạo không ít thành công: “Rush Hour” (1998) với doanh thu 244 triệu USD khi ngân sách là 33 triệu USD, “The Karate Kid” (2010) đạt doanh thu 359 triệu USD. Mới đây, phim kinh dị “Get Out” trở thành hiện tượng năm 2017 với doanh thu lên đến 255 triệu USD, khi kinh phí chỉ vỏn vẹn 4,5 triệu USD.

Những thành công này cho thấy, màu da không phải là yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu phòng vé, nếu phim đủ hay, hấp dẫn. Điều đó càng được chứng thực hơn với hiện tượng “Black Panther” và sự thành công ngoài mong đợi này góp phần đả phá tư tưởng phân biệt chủng tộc ở Hollywood suốt bao năm qua.

Hollywood sẽ thay đổi?

Thực tế vấn đề sắc tộc vẫn đang bị Hollywood phớt lờ. Tiếng nói đấu tranh của một bộ phận người da màu không mang lại nhiều hiệu quả. Thống kê cho thấy, có đến 94% số người điều hành các hãng phim là người da trắng; trong 600 phim bom tấn ra mắt từ 2007- 2017 thì chỉ có 7% trong số đó là đạo diễn da màu. Trong hàng nghìn phim truyền hình Mỹ 10 năm qua, chỉ có 4,8% chấp nhận các nhà biên kịch da màu.

Không có nhiều cơ hội được trao cho những người da màu trong ngành công nghiệp điện ảnh. Nguyên nhân chủ yếu là định kiến mặc định chỉ những ngôi sao da trắng mới đủ sức bảo chứng phòng vé, cũng như tỷ lệ người xem. Jeffery Mio - nhà nghiên cứu về tâm lý học đa văn hóa, cho rằng đại bộ phận các ông chủ của Hollywood là người da trắng, cho nên cơ hội trao cho các diễn viên, đạo diễn da trắng sẽ là hiển nhiên. Và đó chính là một trong những nguyên nhân khởi nguồn cho phong trào “tẩy trắng”. Trong “tẩy trắng”, rất nhiều tác phẩm về người da màu nhưng diễn viên da trắng được chọn thể hiện: “Gods and Kings”, “The Lone Ranger”, “The Sands of Timehay”, “Aloha”, “Breakfast at Tiffany’s”, “Ghost in the Shell”…

Sự bất công đó dấy lên sự phẫn nộ. Năm 2017, ngôi sao da trắng Ed Skrein bỏ vai trong “Hellboy”, bởi vai diễn Ed Skrein đảm nhận là Thiếu tá Ben Daimio- một người gốc Á. Ed Skrein chia sẻ: “Việc thể hiện một nhân vật chính xác về mặt văn hóa có ý nghĩa rất lớn với công chúng. Nếu chúng ta lờ đi trách nhiệm này, chúng ta đang cổ xúy cho xu hướng che giấu câu chuyện và tiếng nói của những cộng đồng thiểu số trong nghệ thuật”. Hành động của Ed Skrein nhận được nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng, trong đó có chính Mike Mignola - tác giả của truyện tranh “Hellboy” với lời nhắn: “Cảm ơn Ed Skrein vì hành động rất tử tế”. Sự kiên quyết của Ed Skrein đã khiến nhà sản xuất phim phải tuyển chọn diễn viên phù hợp với bản gốc. Ed Skrein cũng được xem là diễn viên đầu tiên, dám thừa nhận sai và can đảm từ bỏ dự án khi bị dư luận chỉ trích về vấn đề màu da. Nhiều ngôi sao Scarlett Johansson, Tilda Swinton, Emma Stone… đều không có can đảm làm điều đó, đã phớt lờ dư luận để nhận vai không có nguồn gốc văn hóa và màu da của mình. Hậu quả, những phim đó đều bị khán giả quay lưng.

Tom Rothman - Giám đốc hãng phim Sony, cho rằng: “Cần có sự cân bằng giữa các diễn viên da trắng và da màu trên màn ảnh để tạo sự đa dạng cho điện ảnh”. David White - Giám đốc điều hành Liên đoàn nghệ sĩ điện ảnh, truyền hình, phát thanh tại Mỹ (SAG-AFTRA), cũng khẳng định: “Chủng tộc không hề phản ánh phẩm chất, năng lực của một diễn viên và chúng tôi không ủng hộ việc ưu ái một diễn viên chỉ vì màu da của họ”. Xã hội ngày càng phát triển với những nhìn nhận đa chiều về các vấn đề, công chúng cũng dần khó chấp nhận sự thiên vị và sửa đổi văn hóa, hay bất kỳ sự bất công nào liên quan đến bình đẳng giới, sắc tộc… Điều đó đang thúc đẩy Hollywood chấm dứt tình trạng phớt lờ sự nhạy cảm văn hóa và sắc tộc để chạy theo sức mạnh ngôi sao da trắng.

Ái Lam (Tổng hợp từ Nytimes, Guardian, Forbes, Variety)

Chia sẻ bài viết