21/10/2024 - 08:32

Câu chuyện phòng, chống HIV/AIDS thành công của Namibia 

Nhờ triển khai có hiệu quả các biện pháp giáo dục nâng cao nhận thức và phòng, chống lây nhiễm HIV, Namibia đã có những bước tiến đáng kể trong việc ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS.

Nhân viên y tế tư vấn phòng, chống lây nhiễm HIV cho một thai phụ Namibia. Ảnh: DAPP Namibia

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới có khoảng 40 triệu người nhiễm HIV, trong đó 26 triệu người sống ở châu Phi. Những năm 1990, nhiều người xem kết quả chẩn đoán nhiễm HIV/AIDS như là bản án tử vì các phương án chữa trị còn hạn chế. Hiện tại, tuy số người nhiễm HIV vẫn còn cao, nhưng các loại thuốc điều trị và phòng ngừa bệnh này đã giúp thế giới đạt được những tiến bộ đáng kể. Ðặc biệt là ở Namibia, các loại thuốc kháng virus, vốn có tác dụng ức chế và ngăn chặn virus nhân lên, đã được sử dụng thành công để điều trị cho người nhiễm HIV.

Ðược biết, HIV/AIDS là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Namibia, quốc gia chỉ có khoảng 3 triệu dân nhưng có 230.000 người nhiễm HIV/AIDS. Theo đánh giá từ Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), các chương trình giáo dục và phòng ngừa HIV dựa vào cộng đồng mà Namibia triển khai đã thành công làm chậm tỷ lệ lây nhiễm HIV xuống 54% trong giai đoạn 2010-2022.

Alfred Besa, một chuyên gia về HIV/AIDS và là cố vấn của tổ chức phi chính phủ Humana People to People, còn nhận xét rằng Namibia đang hướng tới tương lai loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ông Besa cho biết: “Nhiều phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai đã lựa chọn phương pháp điều trị phòng ngừa để virus không lây truyền sang thai nhi”. Ðiển hình, Anna Engomba, một người mẹ 3 con ở Namibia, cho biết nhờ áp dụng những tiến bộ trong việc ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con mà tất cả các con của bà sinh ra đều âm tính với virus HIV.

Bộ trưởng Y tế Nambia, ông Kalumbi Shangula, mới đây bày tỏ thái độ lạc quan về chương trình tiêm thử nghiệm Lenacapavir ở một số quốc gia châu Phi. Lenacapavir là loại thuốc điều trị HIV của hãng dược phẩm sinh học Gilead Sciences của Mỹ và đang được xem là một loại vaccine phòng ngừa HIV/AIDS thế hệ mới.

Tuy vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu thứ hai, nhưng Lenacapavir đến nay đã cho thấy những dấu hiệu tích cực, có khả năng giúp ích cho cả những người đang chung sống với HIV-AIDS và hỗ trợ người không bị nhiễm bệnh. Bộ trưởng Shangula cho biết nghiên cứu thí điểm đã xác nhận hiệu quả 100% của mũi tiêm Lenacapavir. Ðây là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại HIV/AIDS, đang diễn ra trên toàn cầu.

Trong tháng 10, Gilead Sciences cũng đã ký các thỏa thuận cấp phép cho 6 nhà sản xuất dược phẩm để sản xuất và bán các phiên bản thuốc phòng ngừa HIV chung của công ty tại 120 quốc gia có thu nhập thấp. Hãng cũng có kế hoạch cung cấp phiên bản thuốc Lenacapavir tại 18 quốc gia chiếm khoảng 70% các trường hợp nhiễm HIV, cho đến khi những nước này đủ năng lực sản xuất và có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng thuốc cho bệnh nhân.

Ðiều quan trọng là các nhà nghiên cứu ước tính rằng giá thuốc Lenacapavir (hiện có chi phí điều trị lên tới hơn 40.000USD/bệnh nhân/năm ở một số quốc gia) có thể được sản xuất với giá chỉ 40USD/bệnh nhân/năm. Một lợi ích khác là Lenacapavir chỉ cần tiêm 2 lần một năm, giúp việc sử dụng dễ dàng hơn nhiều so với các phác đồ chữa HIV hiện tại, vốn yêu cầu phải uống thuốc hằng ngày.

NGUYỆT CÁT (Theo The Namibian, DW)

Chia sẻ bài viết