24/05/2025 - 22:40

Cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực đón sóng FDI 

Năm 2024, có 48,7% doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo lãi, số DN báo lỗ chỉ còn 22%. Trong vòng 2 năm tới, có 37% DN dự kiến mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng mạnh so với mức 26% của năm 2023. Ðiều này cho thấy niềm tin kinh doanh của DN FDI được giữ vững.


Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Kwong Lung Meko - DN FDI tại Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH 

 

Lạc quan hơn về thị trường

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 (PCI 2024) của VVCI công bố ghi nhận ý kiến phản hồi của 1.544 DN FDI đến từ 77 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó nhiều nhất là khu vực châu Á (Hàn Quốc chiếm 29,9%, Nhật Bản 22,6% và Trung Quốc 13,2%) nhận định triển vọng kinh doanh cải thiện hơn. Tỷ lệ DN khối ngoại dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới là 37%, trong khi khối DN tư nhân trong nước chỉ 33%. So với kỳ điều tra PCI 2023, tỷ lệ DN FDI dự kiến mở rộng kinh doanh chỉ 26%. Năm 2024 cũng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về tỷ lệ DN FDI có kế hoạch tăng đầu tư, với 40% DN lựa chọn, tăng mạnh so với mức 30,3% của năm 2023. Sự phục hồi này phản ánh tâm lý lạc quan trở lại của các nhà đầu tư ngoại sau 2 năm liên tiếp mở rộng một cách thận trọng.

Năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 38,23 tỉ USD; trong đó, vốn đăng ký mới 19,7 tỉ USD, giảm 7,6% so với năm 2023, nhưng vốn tăng thêm tăng 50,4% ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn sụt giảm đáng kể của năm 2022-2023. Còn trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,82 tỉ USD (gồm vốn cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần), tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2024. Khu vực FDI chiếm 71% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 4 tháng đầu năm 2025 và xuất siêu 14,31 tỉ USD (kể cả dầu thô).

Phân tích về các xu hướng mở rộng kinh doanh, tăng trưởng việc làm và hiệu quả lợi nhuận trong PCI 2024 nhận định thị trường lao động hạ nhiệt khi chỉ 49,5% DN khối ngoại tuyển dụng thêm lao động, chững lại so với mức 59,9% của năm 2023. Nhưng đồng thời cũng phản ánh xu hướng dịch chuyển đầu tư của khối ngoại khi chuyển sang ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng vốn như bán dẫn, linh kiện điện tử, thay cho các ngành thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, tín hiệu tích cực là năm 2024 có 48,7% DN FDI báo lãi, tăng so với mức 46,5% của năm trước. Sự cải thiện về lợi nhuận này đi kèm với tỷ lệ DN báo lỗ giảm mạnh xuống mức 22%, trong khi năm 2023 có tới 42,3% báo lỗ. Tỷ lệ DN báo lỗ năm 2024 ở mức thấp nhất trong 10 năm điều tra PCI ghi nhận (2014-2024, mức báo lỗ thấp nhất là 33,4% và cao nhất là 51,3%). Ðiều này cho thấy môi trường đầu tư đã thuận lợi hơn, kinh tế phục hồi đã tạo lực đẩy cho khối FDI mở rộng đầu tư trở lại.

Sự phục hồi kinh doanh qua cảm nhận của khối FDI năm 2024 tích cực hơn so với năm 2023 nhưng vẫn chưa về mức trước đại dịch. Giai đoạn 2014-2019, dự định tăng vốn đầu tư của DN khối ngoại dao động ở mức 45,5% đến 51,4%; tỷ lệ DN báo lãi luôn ở ngưỡng cao từ 53% trở lên. Trong 2 năm tới, dự định mở rộng quy mô kinh doanh khả quan nhưng DN vẫn thận trọng hơn trước các tác động từ thị trường bên ngoài, nhất là các chính sách thương mại thay đổi, việc áp thuế quan của Hoa Kỳ khó dự đoán.

DN thận trọng mở rộng kinh doanh

Kết quả khảo sát PCI 2024 ở khối FDI giữa 2 nhóm DN xuất khẩu và không xuất khẩu ghi nhận tâm lý thận trọng. Có 43,6% DN xuất khẩu dự kiến mở rộng hoạt động, trong khi nhóm không xuất khẩu tỷ lệ này là 35,5% (năm 2023, tỷ lệ này lần lượt là 28,7% và 23,6%) nhưng vẫn chưa về mức trước đại dịch. Một số địa phương có DN dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh với tỷ lệ cao, có thể kể đến là Bắc Giang 47,1%, Ðà Nẵng 42,9%, Hải Phòng 42,6% và Hải Dương 42,4%; TP Hồ Chí Minh có 41,9% kỳ vọng tăng trưởng… Nhưng có một số địa phương có tỷ lệ lạc quan ở mức thấp, như Ðồng Nai chỉ 17,9%, Long An 17,2% và Bình Phước là 11,8%.

Năm 2024, điểm tích cực ghi nhận trong báo cáo PCI 2024 là tỷ lệ DN FDI bán hàng cho DN nhà nước tăng mạnh lên 18% và bán hàng cho các cơ quan Chính phủ tăng lên mức 13,7%, cả 2 chỉ số đều tăng so với năm 2023 (tỷ lệ năm 2023 lần lượt là 4,4% và 3,3%). Doanh số bán hàng cho cá nhân Việt Nam tăng đột phá với mức 38,6% so với mức 23% của năm 2023; doanh số bán hàng cho DN tư nhân là 55% (năm 2023 là 46,3%). Ðiều này phản ánh chiến lược mở rộng thị phần bán lẻ và dịch vụ tại thị trường Việt Nam của khối ngoại đang được đẩy mạnh.

Các chuyên gia nhận định rằng, sự khởi sắc về xu hướng kinh doanh phản ánh sự dịu lại của thương mại toàn cầu trong năm 2024 sau các biến động căng thẳng chính trị và bất ổn chuỗi cung ứng. Song, kỳ vọng này chưa phản ánh toàn diện về niềm tin kinh doanh của các DN FDI, do đầu năm 2025 đến nay, căng thẳng thương mại gay gắt hơn ở các nền kinh tế lớn, DN xuất khẩu cũng kém lạc quan hơn về bối cảnh xuất khẩu trong năm 2025.

Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ DN FDI báo cáo hoạt động xuất khẩu giảm xuống còn 36,5%, giảm mạnh so với mức 51,8% của năm 2023. Ðiều này phản ánh xu hướng dịch chuyển thị trường và chiến lược kinh doanh của khối ngoại, tập trung vào thị trường nội địa khi thị trường xuất khẩu đầy biến động. Tuy nhiên, dữ liệu khảo sát của DN FDI cũng chỉ dừng lại ở tháng 12-2024 nên chưa thể phản ánh toàn diện trước các bất định toàn cầu đang diễn ra trong các tháng đầu năm 2025 khi tình trạng phân mảnh thương mại diễn ra sâu rộng hơn.

Xu hướng tích cực trong báo cáo PCI 2024 là các DN FDI nhận định sự chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường kinh doanh của các cơ quan công quyền Việt Nam. Nhưng DN cũng bày tỏ lo ngại về gánh nặng của chi phí thực thi pháp luật. Các thủ tục liên quan đến thuế dẫn đầu trong các mối lo ngại của DN FDI, có tới 35% DN đánh giá là phiền hà (năm 2023 chỉ 16%); DN còn khó khăn về tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy (15% DN gặp khó, tăng so với mức 13% của năm 2023); các quy định về môi trường, quản lý đất đai… cũng là trở ngại cho DN.

Với những thận trọng của khối ngoại, các chuyên gia khuyến cáo trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục ở vị thế thuận lợi để đón sóng đầu tư FDI mới trong tương lai. Ðể duy trì động lực này, đòi hỏi Việt Nam phải kiên trì cải cách thể chế sâu rộng hơn, đồng thời đầu tư đồng bộ hạ tầng và phát triển nhân lực chất lượng cao.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết