25/02/2010 - 09:31

Đọc “Được sống và kể lại”

Câu chuyện của một người lính đi qua làn ranh của sự sống và cái chết

Bìa sách “Được sống và kể lại” của Trần Luân Tín.
Ảnh: honvietquochoc.com.vn

Trần Luân Tín nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 18 Thông tin - Sư đoàn 325 - Quân đoàn 2 - đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 rực lửa. Hiện ông là nhà điêu khắc, hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh. Những tháng ngày gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng rất đỗi tự hào nơi Thành cổ Quảng Trị đạn bom, khói lửa trong “Được sống và kể lại” của cựu chiến sĩ thông tin Trần Luân Tín. Quyển tự truyện do NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành, năm 2009.

Quyển tự truyện tập trung trong thời gian 4 năm, từ năm 1971, lúc Trần Luân Tín nhập ngũ đến năm 1975, giải phóng miền Nam. Quyển tự truyện chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị nhập ngũ và mới nhập ngũ, giai đoạn chiến đấu trên chiến trường và giai đoạn tiến vào giải phóng, tiếp quản. Nhưng trọng điểm chính là những ngày ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Năm 1971, chàng sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam Trần Luân Tín vừa tròn 20 tuổi. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ và đưa vào đơn vị chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn 18 Thông tin tham gia chiến đấu trận Thành cổ Quảng Trị. Là một chiến sĩ thông tin, Trần Luân Tín và đồng đội đã phải liên tục vượt sông Thạch Hãn ra vào Thành cổ đảm bảo thông tin liên lạc cho đơn vị. Những lần vượt sông, những lần kéo dây thông tin ngoài mặt trận ấy, tác giả đã nhiều lần “chết hụt” và chứng kiến những đồng chí, đồng đội hy sinh.

Độc giả xúc động với câu chuyện về cái chết của Mến. Trong lúc đang làm nhiệm vụ kết nối liên lạc trong hầm tối, một quả pháo của giặc rơi xuống, Tín may mắn thoát chết nhưng Mến ra đi với gương mặt bàng hoàng, không ngờ. Ôm xác bạn trong tay, Tín không muốn tin đã mất đi người bạn từ những ngày mới nhập ngũ: “Mến chết rồi! Nguồn nhiệt và gương mặt hiền lành của nó còn hiển hiện rõ ràng ở trong hầm tối, ngay bên cạnh tôi” (trang 170). Hay khi nghe tin Tích Minh, người bạn cùng đơn vị, đã hy sinh trên đường cáng ra trạm cứu thương do bị một mảnh pháo cắt đứt cả hai đùi khi đang chiến đấu, Trần Luân Tín chia sẻ : “Thế là một thằng bạn ra đi... Khi nghe tin Tích Minh chết, tôi lặng người, toàn thân bải hoải” (trang 215). Còn nhiều, còn nhiều lắm những mất mát hy sinh: Hưng ngây thơ và sôi nổi, Đội trưởng Chữ đã từng huấn luyện Tín ở Yên Thế, Trung Đội trưởng Khuây đã hy sinh khi đang cầm súng, anh Sỡi thì cụt tay...

Có thể nói, nơi “chảo lửa” Thành cổ, làn ranh giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc: “Cảm giác về sự sống chỉ có ở ngay trong cơ thể mình, rát rát ở vai hay khô khô, nhột nhột ở dưới lòng bàn chân...còn toàn bộ không gian xung quanh thì không hề có sự sống...” (trang 108). Tuy vậy, bản thân Trần Luân Tín và những đồng đội vẫn sát cánh bên nhau, vượt qua bao hiểm nguy bằng lòng tin kiên định. Trong nhật ký ghi ngày 10-9-1972, ông tâm niệm: “Chúng ta phải hy sinh cho cuộc sống. Đúng, cái cần bảo vệ nâng niu hơn hết chính là cuộc sống. Chúng ta ra đi, xông pha, để dùng cái chết ngăn ngừa cái chết” (trang 160). Khi Trần Luân Tín tiến vào Sài Gòn, ngày chiến thắng thống nhất đất nước, nhìn lá Quốc kỳ tung bay khắp mọi nẻo đường, ông chỉ biết hô vang trời hai tiếng: “Hòa bình!”.

Tự truyện được Trần Luân Tín thể hiện bằng bút pháp chân thực, giản dị nhưng giàu cảm xúc. Quyển tự truyện là những mảnh ký ức được ghép lại nhưng vẫn tỏa ra sức “nóng”, khơi gợi cảm xúc người đọc.

Những thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình đọc “Được sống và kể lại” để cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, sự hy sinh vì của những người “Bộ đội Cụ Hồ” lớn lao biết dường nào - để biết thêm yêu, trân trọng hòa bình, độc lập, tự do...

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết