12/04/2008 - 10:26

Cầu Cần Thơ 2 và tuyến đường cao tốc mới tạo thêm động lực phát triển vùng ĐBSCL

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên (thứ hai, từ trái sang) và đồng chí Huỳnh Minh Đoàn (giữa) trong chuyến khảo sát tuyến đường cao tốc và vị trí xây dựng cầu Cần Thơ 2. Ảnh: N.C

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ và đồng chí Huỳnh Minh Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp vừa có chuyến khảo sát vị trí và hướng tuyến dự kiến xây dựng cầu Cần Thơ 2 và tuyến đường cao tốc xuyên qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Vừa kết thúc chuyến khảo sát nói trên, đồng chí Bí thư Thành ủy Cần Thơ và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã dành cho phóng viên Báo Cần Thơ cuộc phỏng vấn nhanh xung quanh kế hoạch xây dựng cầu Cần Thơ 2 và tuyến đường cao tốc mới.

* Thưa đồng chí Bí thư Thành ủy Cần Thơ, việc xây dựng cầu Cần Thơ 2 và tuyến đường cao tốc mới có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL?

- Xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa TP Cần Thơ với các tỉnh trong vùng và liên vùng là yếu tố quyết định để TP Cần Thơ thực hiện vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã ký kết hợp tác phát triển với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh trong vùng ĐBSCL. TP Cần Thơ và tỉnh An Giang cũng vừa làm việc với Campuchia về việc xây dựng đường cao tốc từ Cần Thơ - An Giang –Phnom Penh. TP Cần Thơ đã làm việc với tỉnh Đồng Tháp và sẽ tiếp tục làm việc với tỉnh Kiên Giang, Cà Mau để khảo sát xây dựng tuyến đường cao tốc từ cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) qua huyện Châu Thành, thị xã Sa Đéc, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) và xây dựng cầu Cần Thơ 2 vượt sông Hậu qua cồn Tân Lộc (huyện Thốt Nốt) rồi đến Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ xuống Tân Hiệp (Kiên Giang) sau đó xuống U Minh của Cà Mau. Tuyến đường này nằm song song với tuyến N2 và tuyến Quốc lộ 1A. Khi tuyến đường cao tốc dự mở này (tổng chiều dài khoảng 160 km) được xây dựng xong, sẽ tạo động lực thúc đẩy tứ giác kinh tế Cần Thơ-An Giang-Kiên Giang-Cà Mau phát triển nhanh hơn. Tuyến đường mới cũng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong vùng ruột của nhiều tỉnh, thành phố trong vùng. Trong tương lai, tuyến đường sắt Bắc –Nam kéo dài về vùng ĐBSCL cũng đi theo tuyến đường mới này.

* Xin đồng chí cho biết kế hoạch thực hiện dự án này?

- Thời gian tới, các cơ quan chức năng của TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau sẽ phải khảo sát thực địa để có cơ sở trình Chính phủ xem xét quyết định. Trong đó, TP Cần Thơ và các địa phương sẽ kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng xem xét đưa tuyến đường cao tốc dự mở này vào quy hoạch phát triển hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia. Mặt khác, các địa phương sẽ đề xuất Chính phủ xem xét cho phép các địa phương mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT.

* Đồng chí có thể cho biết kết quả làm việc giữa TP Cần Thơ, tỉnh An Giang với Campuchia trong chuyến công tác hồi cuối tháng 2-2008?

- Trong dịp làm việc vừa qua giữa TP Cần Thơ, tỉnh An Giang với Bộ Giao thông Công chính của Campuchia, các bên đã thống nhất chủ trương xây dựng tuyến đường cao tốc Cần Thơ - An Giang (Việt Nam) đến Phnom Penh (Campuchia) theo hình thức BOT. Cuối tháng 5-2008, TP Cần Thơ và tỉnh An Giang sẽ đàm phán với nhà đầu tư về việc xây dựng đường cao tốc đoạn từ Cần Thơ đến An Giang. Sau đó, TP Cần Thơ và tỉnh An Giang sẽ làm cầu nối để nhà đầu tư làm việc với Campuchia về việc xây dựng đoạn đường cao tốc từ biên giới Việt Nam - Campuchia đến Phnom Penh.

* Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đồng chí có ý kiến gì về triển vọng kêu gọi đầu tư của dự án này ?

- Tôi nghĩ rằng, nếu Chính phủ có chính sách mới thì nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đầu tư vào dự án này. Nếu chúng ta kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn ra đầu tư từ đất đến công trình là khó. Do đó, nếu chúng ta góp vốn bằng đất còn nhà đầu tư bỏ vốn ra xây dựng công trình thì dự án này sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Từ trước đến nay, chuyện xây dựng các công trình giao thông trọng điểm thường đi theo chiều chờ Trung ương đầu tư xuống. Riêng dự án này lại thực hiện theo chiều ngược lại: từ nhu cầu bức xúc của địa phương, chúng ta mới kiến nghị Trung ương xin cơ chế, chính sách để đầu tư. Tôi cho rằng cách làm này sẽ giúp các địa phương sớm giải quyết được các nhu cầu bức xúc, đồng thời giảm áp lực đầu tư cho ngân sách Trung ương.

* Xin cảm ơn đồng chí Bí Thư Thành ủy Cần Thơ và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp!

NHẬT CHÁNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết