Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng này thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” nhằm phát huy sức mạnh của ngư dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày 19/7/2022, tại Hải Phòng, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp với Ban Dân vận Thành uỷ Hải Phòng tổ chức chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại huyện đảo Cát Hải. Trong ảnh: Tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân huyện Cát Hải. Ảnh tư liệu: Minh Huệ/TTXVN
Xây dựng “thế trận lòng dân” là nội dung quan trọng trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là ngư dân và những người đang sinh sống trên các đảo, nhân dân các địa phương ven biển, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để thực hiện tốt việc xây dựng “thế trận lòng dân”, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển triển khai thực hiện chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” từ năm 2017 đến nay. Chương trình xác định thực hiện 6 nội dung chính, gồm: Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho nhân dân, trong đó có ngư dân; phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển; giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thực hiện chương trình, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy để xây dựng kế hoạch cụ thể, làm cơ sở để Bộ Tư lệnh xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trọng điểm trong toàn lực lượng. Chương trình thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn các tỉnh, thành phố có biển.
Đáng chú ý, chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tập trung tuyên truyền thông tin về tình hình chủ quyền biển, đảo và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về biển đảo, phổ biến các nội dung, quy định của pháp luật như Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam… với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, trong đó ưu tiên học sinh và ngư dân.
Việc phổ biến pháp luật, chủ quyền biển, đảo nói chung và tuyên truyền Luật Cảnh sát biển nói riêng đã giúp người dân các địa phương ven biển, ngư dân, cán bộ, nhân dân có thêm nhiều thông tin bổ ích, hiểu thêm về giá trị của biển, đảo Việt Nam, về Luật Biển Việt Nam, Luật Cảnh sát biển, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982...
Thường xuyên được lực lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật nên hiện nay phần lớn ngư dân ở các địa phương ven biển cả nước nắm rõ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đơn cử, ngư dân đã nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật, không xâm phạm vùng biển nước ngoài và tích cực phối hợp với lực lượng chức năng. Ngư dân cũng nhận biết, Cảnh sát biển Việt Nam có quyền thực hiện việc truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, được quy định tại Điều 17 Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Chính vì vậy, ngoài cung cấp thông tin về an ninh, trật tự, an toàn, góp phần cùng lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với ngư dân và nhân dân nói chung là cơ sở để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Điển hình như mới đây, tại buổi tuyên truyền pháp luật cho ngư dân do Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phối hợp với Đảng ủy, UBND phường Thắng Nhì, thành phố Vũng Tàu tổ chức, cán bộ đơn vị đã khéo léo kết hợp giữa tuyên truyền miệng, chạy slide trên màn hình máy chiếu với đầy đủ hình ảnh, video, mô hình, bản đồ minh họa một cách sinh động, hấp dẫn nội dung về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Thủy sản và các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản…
Sau khi được cán bộ đơn vị tuyên truyền, phổ biến, xem thông tin, nhiều ngư dân địa phương đã chia sẻ: Được phổ biến và xem thông tin trên, họ đã hiểu về tác hại của việc khai thác hải sản bất hợp pháp. Ngư dân địa phương sẽ chia sẻ thông tin, kiến thức cho nhau để chỉ hoạt động trong vùng biển nước ta, không sang vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép.
Ông Huỳnh Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Thắng Nhì cũng cho hay: Những buổi tuyên truyền pháp luật của Vùng Cảnh sát biển 3 cũng như các lực lượng chức năng khác đã góp phần giúp ngư dân nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam và các nước trong khu vực đối với vấn đề khai thác thủy hải sản và hoạt động trên biển.
Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, qua hơn 5 năm thực hiện (2017 -2022), chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã đạt được hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Cảnh sát biển Việt Nam đã tuyên truyền trực tiếp cho 118.000 lượt ngư dân; phát trên 280.000 tờ rơi tuyên truyền, 23.850 cuốn sách pháp luật; tặng 40.630 lá cờ Tổ quốc, 763 túi thuốc cứu thương, 4.400 áo phao, phao tròn và tổ chức thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng trị giá khoảng 45 tỷ đồng.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển cho biết: Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là nội dung đột phá, thể hiện ý thức, trách nhiệm chính trị, sự sáng tạo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong thời kỳ mới. Chương trình góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, nhân dân và lực lượng Cảnh sát biển trong xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn biển đảo của Tổ quốc, tạo nền tảng để Việt Nam từng bước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Đặc biệt, chương trình nâng cao ý thức, trách nhiệm của ngư dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tình hình an ninh biển đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; chấp hành và thực hiện nghiêm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các chính sách, pháp luật của Việt Nam về biển, đảo.
Hạnh Quỳnh (TTXVN)