28/07/2021 - 08:05

Cảnh giác bẫy lừa 

Qua các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tòa án các cấp xét xử trong thời gian gần đây cho thấy thủ đoạn tội phạm không mới nhưng do cả tin, chủ quan, nhiều bị hại vẫn sập bẫy, mất tài sản đáng tiếc. Về phía các bị cáo, khi biết ăn năn về việc làm sai trái thì chuyện đã rồi, phải trả giá bằng hình phạt nghiêm khắc.

Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ vừa xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án sơ thẩm 5 năm 6 tháng tù đối với Trần Văn Trụ (52 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trụ không nghề nghiệp ổn định và từng có 2 tiền án về tội danh trên. Sau khi hòa nhập xã hội, Trụ không lo làm ăn, sửa đổi bản thân mà tiếp tục tái phạm. Biết ông K ở quận Ninh Kiều có nhu cầu mua đất ở quận Cái Răng nên Trụ tìm cách làm quen rồi “nổ” quen biết nhiều người bán đất tại đây, khi nào ông K cần cứ gọi, sẽ hỗ trợ. Giữa tháng 8-2020, Trụ đưa ông K đi xem đất và gặp anh V (phường Phú Thứ) đang muốn bán 6 lô đất, giá 180 triệu đồng/lô, ông K nói với Trụ muốn mua 2 lô đất của anh V.

Để chiếm đoạt tiền ông K, Trụ nhờ người bán vé số (không rõ lai lịch) viết giùm hợp đồng đặt cọc mua đất, thể hiện Trụ có đặt cọc 100 triệu đồng để mua 6 lô đất của anh V. Sau đó, Trụ điện thoại cho ông K nói đã mua 6 lô đất của anh V với giá mỗi lô 150 triệu đồng và đặt cọc rồi, nếu ông K muốn mua 2 lô thì đưa cho Trụ 35 triệu đồng để hùn tiền đặt cọc. Để tạo lòng tin, Trụ cho ông K xem hợp đồng giả. Tin tưởng, ông K đưa cho Trụ 3 lần tổng cộng 80 triệu đồng. Cuối tháng 9-2020, Trụ lại yêu cầu ông K đưa 40 triệu đồng nữa nhưng ông K thấy việc mua đất không có tiến triển nên trực tiếp đến gặp anh V thì mới biết giữa anh V và Trụ không thực hiện giao dịch mua bán đất. Biết mình bị lừa, ông K đến công an tố giác. Ngày 2-10-2020, Trụ bị bắt.

Tháng 4-2021, Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều xét xử Trụ mức án trên. Trụ kháng cáo xin giảm án với lý do bệnh tật, không đủ sức khỏe. Trong phiên phúc thẩm vào đầu tháng 7-2021, Trụ phân trần: “Bị cáo biết mình sai nhưng do không có tiền nên làm đại. Thấy bị hại cũng tin tưởng nên bị cáo mới lừa nhiều lần. Giờ bị cáo hối hận lắm, mong có cơ hội sớm về nhà, khắc phục lỗi lầm, hứa không tái phạm”. Theo Hội đồng xét xử, các lý do bị cáo xin giảm án không thuyết phục. Hành vi bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ, gây mất an ninh trật tự, cần phải xử lý nghiêm nên bác đơn.

Bị cáo Trần Văn Trụ. Bị cáo Hà Tấn Trọng.

Cuối tháng 4-2021, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Hà Tấn Trọng (28 tuổi, ngụ quận Cái Răng) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bồi thường cho bị hại hơn 5 tỉ đồng.

Trước đây, Trọng làm chuyên viên khách hàng cá nhân tại một ngân hàng có chi nhánh ở Cần Thơ. Trong thời gian làm việc, Trọng hỏi vay tiền của nhiều người, thanh toán đầy đủ. Đến tháng 8-2019, Trọng nghỉ việc nhưng vẫn nói dối với nhiều người mình còn là nhân viên ngân hàng, cần vay tiền để đáo hạn cho khách hàng và hẹn khoảng 5-10 ngày trả lại với lãi suất cao. Nghe lời đường mật, nhiều người tin tưởng đưa tiền. Sau khi vay được tiền, Trọng dùng vào việc trả nợ, trả lãi suất cho những khoản vay trước đó, tham gia cá cược trên mạng. Từ tháng 7-2019 đến tháng 10-2019, Trọng chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng của 5 người. Đến thời hạn trả tiền vay, Trọng lẩn tránh nên bị người dân tố cáo. Đầu năm 2020, Trọng bị bắt tạm giam.

Trong phiên tòa, các bị hại bức xúc vì Trọng đã dùng thủ đoạn gian dối lừa gạt, yêu cầu trả lại tiền. Theo Hội đồng xét xử, bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiệm trọng, nhiều lần. Tuy nhiên, trong vụ việc này, có một phần lỗi của bị hại đã tham lãi suất cao, không tìm hiểu kỹ càng nên bị lợi dụng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn còn diễn biến khá phức tạp, thủ đoạn hoạt động tinh vi, người dân sơ hở là dễ dàng sập bẫy, nhất là khi giao dịch tiền bạc liên quan thế chấp giấy tờ, mua bán đất đai, vay mượn nợ. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa bằng việc xử lý nghiêm các vụ việc liên quan; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền thủ đoạn của các đối tượng, kiến thức pháp luật cho người dân nắm, nâng cao cảnh giác, ý thức tự bảo quản tài sản, mạnh dạn tham gia tố giác tội phạm khi phát hiện nghi vấn, hỗ trợ cơ quan chức năng giữ gìn an ninh trật tự.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết