31/10/2017 - 12:05

Cảnh đời hẩm hiu của người già Trung Quốc 

20 năm trước, hai người con của lão nông Zhang Fumin đã chuyển đến thành phố để học tập. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ tìm được việc làm và định cư ở Thủ đô Bắc Kinh. Giờ ở độ tuổi 40, họ có thể về thăm quê bất kỳ lúc nào nhưng ông Zhang (72 tuổi) và vợ, bà Liu Xiuying (70 tuổi) ngày nào cũng ra vào trông ngóng bóng dáng con mình để rồi thất vọng.

Hiện vợ chồng ông Zhang sống qua ngày nhờ khoản trợ cấp hàng tháng 600 NDT (khoảng 90 USD) cùng với gần 1.000 NDT tiền trợ cấp mà bà Liu nhận được nhờ làm công tác cộng đồng khi còn trẻ, cũng như một ít thu nhập từ việc trồng rau, nuôi vịt gà.

Một cặp vợ chồng già Trung Quốc nương tựa nhau sống qua ngày. Ảnh: China Daily

Tình trạng của vợ chồng ông Zhang được các nhà nhân khẩu học Trung Quốc gọi là “liu shou lao” (tạm dịch: Những người già neo đơn). Theo tờ Straits Times, rất nhiều trong số 230 triệu người cao tuổi Trung Quốc phải tự lo cho mình, không có bất kỳ sự hỗ trợ hay chăm sóc nào từ phía con cái. Tính đến 2013, khoảng 50 triệu người già Trung Quốc được liệt vào diện người già neo đơn.

Chiến lược chuyển đổi một cách nhanh chóng từ một xã hội nông nghiệp sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến Trung Quốc “trả giá”. Hàng triệu người cao tuổi nước này phải sống cô đơn ở các ngôi làng ở nông thôn, tự chăm sóc mình khi về già sau khi con cái họ chuyển đến các thành phố để sinh sống và làm việc. Straits Times cho hay, người già neo đơn Trung Quốc hiện sinh sống chủ yếu tại các ngôi làng ở khu vực miền Tây và miền Trung– quê nhà của khoảng 280 triệu công nhân nhập cư ở các đô thị lớn.

“Phép lạ kinh tế” của Trung Quốc đã giúp cho mức sống của người dân cao hơn cùng sức khỏe tốt hơn khi mà tuổi thọ trung bình ở nước này lên tới 76,4 tuổi. Song, nó cũng dẫn đến tình trạng tỷ lệ sinh giảm xuống mức kỷ lục, chỉ 1,7 con/phụ nữ vào năm ngoái. Ước tính, đến năm 2050, Trung Quốc sẽ có 480 triệu người cao tuổi, trở thành “xã hội siêu già”. Zhou Haiwang, chuyên gia dân số tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận định, con số này sẽ gây áp lực đáng kể đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu cũng như nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Giới chuyên gia cảnh báo rằng những thách thức về nhân khẩu học có thể gây nguy hại đối với các mục tiêu đưa Trung Quốc thành “xã hội khá giả” vào năm 2020 và “quốc gia quyền lực” vào năm 2050.

Tình trạng người cao tuổi neo đơn ở các làng quê Trung Quốc hiện đặc biệt đáng lo ngại do nơi đây thiếu cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe cũng như dịch vụ xã hội. Trước tình trạng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu mới đây tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX cam kết sẽ củng cố hệ thống an sinh xã hội, tăng cường hỗ trợ và chăm sóc cho những người già neo đơn tại các khu vực nông thôn. Song song đó, các gia đình ở Trung Quốc sẽ được phép sinh con thứ hai và Bắc Kinh đang có kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu hiện ở mức 60 đối với nam và 55 đối với nữ.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết