Dù đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2007-2008, lượng gạo hàng hóa trên thị trường dồi dào, nhưng giá lúa gạo vẫn trong xu hướng tăng. Từ đầu năm 2008 đến nay, giá gạo bán lẻ tại các chợ ở TP Cần Thơ đã tiếp tục nhích lên và hiện đã tăng từ 1.000-2.300 đồng/kg so với trước. Giá gạo tăng mạnh và nhanh đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều người dân phải mua gạo chợ cho bữa ăn hàng ngày...
* GIÁ LÚA GẠO SẼ CÒN TĂNG...
Giá các loại gạo thường như: Hàm Châu, gạo cũ bóng, gạo một bụi... tại các chợ ở TP Cần Thơ hiện ở mức từ 7.000-7.800 đồng/kg. Giá các loại gạo ngon và gạo thơm như một bụi Vĩnh Thuận, thơm Thái, thơm Mỹ (Jasmine), VD 20, Nàng Hương, Hương Lài, Chợ Đào, Huyết Ròng... ở mức từ 8.000-15.000 đồng/kg, tùy loại.
Trong khoảng 1 tuần qua, giá gạo bán lẻ tại các chợ đã ở mức cao. Tuy nhiên, giá lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu đã tiếp tục tăng thêm từ 50-150 đồng/kg so với trước. Tại TP Cần Thơ, giá lúa dài thường hiện ở mức từ 4.350-4.450 đồng/kg; gạo lức nguyên liệu xuất khẩu 5.700-5.800 đồng/kg. Như vậy, so với hồi đầu tháng 1-2008 hiện giá lúa tại ĐBSCL đã tăng bình quân khoảng 700-750 đồng/kg và gạo lức nguyên liệu xuất khẩu tăng 800-900 đồng/kg. Còn so với tháng 1-2008, giá gạo xuất khẩu đã tăng 150-170 USD/tấn, gạo 5% tấm đang ở mức 550 USD/tấn.
Theo giới kinh doanh, giá lúa gạo trong nước đang được hỗ trợ tăng bởi giá gạo thế giới tăng cao trong bối cảnh cung nhỏ hơn cầu. Mặt khác, giá lúa gạo tăng còn do hiện nay các tiểu thương và doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đẩy mạnh thu mua hàng. Bà Nguyễn Thị Huệ Chi (ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), chuyên đi thu mua lúa, gạo bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, cho rằng: “Bây giờ nguồn cung lúa trên thị trường rất dồi dào nhưng lại khó mua hàng, vì các tiểu thương tranh nhau mua, đẩy giá lên cao. Còn nhiều nhà nông thấy giá tăng, có xu hướng chậm bán để chờ giá nhích lên thêm”. Với tình hình lúa gạo trên thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng cao, nhiều người dự đoán giá gạo bán lẻ tại các chợ có thể còn xác lập thêm những mức giá tăng trong thời gian tới.
* GIÁ CAO, NÔNG DÂN HƯỞNG LỢI?
Nhiều nông dân ở TP Cần Thơ cho rằng vụ lúa đông xuân năm 2007-2008 hầu hết đều sản xuất có lời, vì lúc gieo sạ lúa giá vật tư nông nghiệp còn ở mức thấp, đến khi thu hoạch lúa lại bán được giá cao. Vì vậy, nhiều nông dân làm lúa đã thu được mức lãi từ 1,3-2,5 triệu đồng/công (1.300m2), tùy theo lúa thất hay trúng. Nhưng khả năng nông dân sẽ đạt được mức lợi nhuận này trong các vụ tới là rất khó, do hiện giá phân bón và các chi phí đầu vào đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Hơn nữa, với “cơn bão” tăng giá của các loại hàng hóa tiêu dùng thì mức lời trên vẫn còn khiêm tốn.
 |
Người tiêu dùng mua gạo ở Trung tâm Thương mại Cái Khế TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG |
Ông Võ Văn Hãnh, ở ấp Tân Thạnh 2, xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt, cho biết: “Vụ đông xuân này, tôi làm 4 công lúa thơm Jasmine, trừ đi chi phí còn lời khoảng 2 triệu đồng/công. Song, với mức lời này nếu tính ra bán mỗi công lúa tiền lãi tôi thu được chưa đủ để mua 2 bao phân DAP, vì giá phân đã ở mức trên 1 triệu đồng/bao. Không chỉ có phân bón, giá nhân công, và các chi phí xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật cũng đang tăng mạnh, nên tôi rất lo cho vụ sản xuất tới đây. Nếu giá lúa mà giảm trở lại nông dân sẽ rất khó khăn”. Còn ông Trần Văn Hòa (ở ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ), vừa thu hoạch 5 công lúa được 4,5 tấn, bán với giá 4.350 đồng/kg được hơn 19 triệu đồng, trừ chi phí ra còn lời khoảng 12,5 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Hòa nói: “Vụ này có lời là do giá phân lúc đầu còn rẻ, đầu vụ phân DAP chỉ 490.000 đồng/bao, cuối vụ giá hơn 600.000 đồng/bao. Nhưng hiện nay phân DAP lên ở mức trên 1 triệu đồng/bao. Do giá phân đang ở mức rất cao, tôi cũng đang lưỡng lự là có nên gieo sạ lại vụ kế tiếp hay không. Vụ tới mà làm năng suất không bằng vụ đông xuân, giá phân lại cao sẽ khó có đồng lời, nhưng cũng chưa biết giá phân có dừng lại hay tiếp tục phi mã!”.
* GÁNH NẶNG “GẠO ĐONG”
Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, tiểu thương bán gạo ở chợ thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Giá loại thấp nhất tại đây cũng ở mức 7.000 đồng/kg, còn giá gạo thơm phải ở mức từ 8.000 đồng/kg trở lên. Tuy giá gạo chỉ tăng khoảng 1.000-2.000 đồng/kg nhưng đối với những người nghèo phải mua gạo chợ hàng ngày thì đây là một áp lực rất lớn. Bởi giá cá thịt tăng cao, nhiều người nghèo ở nông thôn có thể bắt cá, hái rau trang trải thêm cho bữa ăn gia đình, còn gạo vẫn phải mua”. Còn bà Nguyễn Thị Phụng, bán gạo ở Trung Tâm Thương mại Cái Khế, quận Ninh Kiều, cũng cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều người đi chợ mua gạo đã phải giật mình thốt lên rằng: sao mà giá gạo tăng dữ vậy! Tuy nói thế, người tiêu dùng vẫn đành chấp nhận mua, vì trên thực tế không chỉ giá gạo mà giá hầu hết các loại hàng hóa đều đang tăng cao. Hiện giá các loại gạo thơm và gạo ngon đang ở mức phổ biến từ 8.000-12.000 đồng/kg, nhưng những người tiêu dùng trước đây vốn quen ăn loại gạo này thì nay vẫn mua nó tiếp, chứ chưa chuyển sang mua những loại gạo khác rẻ tiền hơn”.
Giá lúa, gạo tăng cao, người nông dân trồng lúa dễ thở hơn. Thế nhưng, áp lực lại “đè nặng” lên vai những người mua “gạo đong” ăn hàng ngày. Chị Lê Thị Phượng, ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hồi tháng trước, tôi mua gạo giá chỉ có 6.000 đồng/kg, nhưng hiện nay lên đến 7.500-8.000 đồng/kg. Gần đây, giá gạo tăng cao nên tôi chỉ lựa chọn loại gạo giá rẻ. Trước đây ăn gạo ngon, còn bây giờ mua loại rẻ tiền cũng hơi khó ăn. Thời gian qua, mặt hàng gì cũng tăng, trong khi đó, tôi lãnh đồ may cho khách hàng không tăng giá nên đời sống ngày càng khó khăn hơn. Để đối phó với giá cả tăng cao tôi phải hà tiện lại bớt, chủ yếu lựa những loại hàng hóa giá rẻ để mua. Hiện nay, ngoài chọn gạo rẻ mua thì gia đình tôi cũng đã chuyển từ ăn thịt heo qua cá, vì giá thịt heo quá đắt còn cá rẻ hơn!”. Còn chị Lê Thúy An, ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, cũng than vãn: “Lúc trước tôi mua loại gạo chỉ có giá 8.000-9.000 đồng/kg, còn bây giờ đã là 10.000 đồng/kg. Giá gạo và các loại thực phẩm tăng cao tôi phải chi tiền chợ nhiều hơn trước. Nếu như trước đây tiền chợ búa chỉ có 80.000-100.000 đồng/ngày, thì nay lên đến 120.000-130.000 đồng/ngày. Nhà tôi kinh doanh có đồng ra đồng vô mà còn khổ sở với giá cả tăng cao, huống chi người lao động nghèo chắc còn vất vả lắm”.
KHÁNH TRUNG - ANH KHOA