30/05/2018 - 08:45

Cảnh báo bệnh viêm não mô cầu gia tăng trong dịp Hè 

Nhân viên y tế chăm sóc điều trị cho bệnh nhân viêm não mô cầu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Theo đánh giá từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), bệnh não mô cầu là một trong các bệnh dễ mắc phải vào mùa Hè. Số bệnh nhân mắc não mô cầu trong những năm gần đây không nhiều song đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Đặc biệt bệnh lây lan qua đường hô hấp nên luôn được cảnh báo nguy hiểm. 

14 trường hợp mắc viêm não mô cầu

Theo số liệu thống kê của ngành y tế, trong tháng Năm, cả nước có 4 trường hợp mắc bệnh viêm não do mô cầu. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 14 trường hợp mắc bệnh viêm não do mô cầu. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp mắc bệnh khi nhập viện đã trong tình trạng nặng, dẫn tới tử vong.

Ngày 29/5, bác sỹ Trần Thị Hải Ninh -Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, từ đầu năm đến nay có ba bệnh nhân bị viêm não mô cầu nhập viện, hầu hết các bệnh nhân trong tình trạng nặng.

Thạc sỹ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, ca bệnh mắc viêm não mô cầu gần đây nhất trong tháng Năm đã tử vong. Bệnh nhân Hảng Thị D. (24 tuổi, dân tộc Mông, trú tại Yên Bái) vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, trên người có nhiều vết ban xuất huyết dưới da.

Trước đó, ngày 2/5, chị D. bắt đầu sốt nhưng vẫn tỉnh táo. Ngày 3/5, gia đình đưa bệnh nhân xuống Bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ (Yên Bái). Tại bệnh viện, các bác sỹ chẩn đoán nghi ngờ bệnh nhân bị viêm não mô cầu và cho chuyển xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Theo bác sỹ Cấp, sau nhiều ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân D. không giảm, bệnh nhân đã chết não và gia đình xin về nhà. 

Trước đó, trong tháng Tư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng điều trị cho một bệnh nhân nữ 15 tuổi (ở Ba Vì, Hà Nội) mắc viêm não mô cầu. Bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài không tự chủ. Gia đình đã đưa bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung- Đông Anh).

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nặng, hôn mê, phải đặt nội khí quản thở máy, xuất hiện chấm xuất huyết hoại tử hình sao rất đặc trưng của bệnh viêm màng não do não mô cầu. Bệnh nhân được chỉ định chọc dịch não tủy xét nghiệm. Kết quả khẳng định bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu.

Thạc sỹ Nguyễn Trung Cấp phân tích, với bệnh nhân viêm não mô cầu cần nhận biết các dấu hiệu nguy kịch sớm để xử lý, ngoài ra, rất khó phát hiện dấu hiệu ban đầu nếu không có kết quả xét nghiệm. Đây cũng là một bệnh rất nguy hiểm, người dân cần đảm bảo tiêm phòng vắcxin, đảm bảo vệ sinh. Với những người ở khu vực xung quanh có dịch bệnh lưu hành hay những người tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc có nguy cơ nên đến cơ sở y tế kịp thời.

2 loại vắcxin phòng não mô cầu được cấp giấy đăng ký

Về vấn đề cung ứng vắcxin phòng bệnh não mô cầu, ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho hay, hiện nay, bệnh não mô cầu có thể được chủ động phòng tránh bằng cách tiêm phòng vắcxin. Tuy nhiên, việc tiêm vắcxin phòng bệnh não mô cầu chưa được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia mà mới chỉ có trong Tiêm chủng dịch vụ.

Vắcxin phòng não mô cầu là vắcxin trong tiêm chủng dịch vụ nên việc tiên lượng, dự báo nhu cầu sử dụng vắc xin phòng bệnh não mô cầu là khó khăn, dẫn tới việc dự trù vắc xin biến động hàng năm. Điều này gây nên tình trạng việc cung ứng vắcxin não mô cầu không ổn định, có lúc thừa nhiều nhưng đôi khi lại không có đủ lượng vắc xin đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tiêm chủng.

Ông Đông cho hay, hiện tại, có 2 vắcxin phòng não mô cầu được cấp giấy đăng ký lưu hành và nhập khẩu vào Việt Nam (không yêu cầu cấp phép nhập khẩu), bao gồm: Vắcxin VA-MENGOC-BC và Vắcxin Polysaccharide Meningococcal A+C.



Biểu đồ về tình hình cung ứng vắcxin VA-MENGOC-BC phòng bệnh não mô cầu 02 tuýp B, C. (Nguồn: Bộ Y tế ; đơn vị: liều vắcxin)

Vắcxin VA-MENGOC-BC (phòng bệnh não mô cầu 02 tuýp B, C): do Công ty Finlay Institue, Center for Vaccines and Sera Research - Production (Cu Ba) sản xuất, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đăng ký và nhập khẩu vào Việt Nam. 

Để việc cung ứng vắcxin phục vụ nhu cầu tiêm chủng kịp thời, ngày 20/4/2018, Công ty Vabiotech vừa nhập khẩu 125.000 liều vắcxin này, trong đó có 100.000 liều đã có kết quả kiểm định của Viện Quốc gia vắc xin và sinh phẩm đạt yêu cầu và sẵn sàng cung ứng cho các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu. Còn lại, 25.000 liều đang chờ kết quả kiểm định của Viện Kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế trước khi đưa thuốc ra lưu hành tại Việt Nam.

Số lượng dự kiến nhập khẩu cả năm 2018 là 800.000 liều - tương đương số lượng đã nhập khẩu và cung ứng tại Việt Nam năm 2017 (lô sắp tới dự kiến nhập khẩu 100.000 liều vào cuối tháng 5/2018).

Vắcxin Polysaccharide Meningococcal A+C (Phòng bệnh não mô cầu 02 tuýp A,C): do Công ty Sanofi Pasteur S.A (Pháp) sản xuất, Công ty TNHH Dược mỹ phẩm May nhập khẩu vào Việt Nam. Năm 2017, số lượng vắc xin Polysaccharide Meningococcal A+C nhập khẩu vào Việt Nam là 240.720 liều. 

Ông Đông cho hay, từ đầu năm 2018 đến nay, chưa có lô vắcxin Polysaccharide Meningococcal A+C nào được nhập khẩu vào Việt Nam do hiện nay, nhà sản xuất đã ngừng sản xuất vắcxin này trên toàn cầu để chuyển sang sản xuất vắcxin Menactra® phòng bệnh do não mô cầu 04 tuýp A, C, Y, W-135 (có bổ sung thêm 02 tuýp Y và W-135 so với vắc xin Polysaccharide Meningococcal A+C).

Theo báo cáo của nhà sản xuất, tính đến thời điểm hiện tại, vắcxin Polysaccharide Meningococcal A+C đã không còn tồn hàng trên phạm vi toàn cầu. Để đảm bảo cung ứng vắc xin phòng não mô cầu cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu các đơn vị có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, dự trữ, chủ động liên hệ kịp thời với nhà nhập khẩu, cung ứng để ký hợp đồng, đấu thầu, mua sắm nhằm đảm bảo kịp thời, đủ vắc xin phòng não mô cầu.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết