27/12/2011 - 09:31

Căng tin trong trường tiểu học – Nhu cầu cần thiết

Học sinh mua quà vặt trước cổng Trường Tiểu học Lộ Vòng Cung, huyện Phong Điền. Ảnh: L.G

Thực hiện theo Quyết định số 55/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc Ban hành Quy định mức chất lượng tối thiểu của trường tiểu học, nhiều năm qua, Sở GD&ĐT qui định các trường tiểu học không được mở căng tin. Tuy nhiên, theo cán bộ quản lý ở các trường, phụ huynh học sinh cho rằng việc không tổ chức căng tin vừa lãng phí nguồn thu cho trường, vừa gây thiệt thòi cho học sinh, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là điều đáng quan tâm...

Cứ mỗi dịp đi công tác ở huyện Phong Điền, chúng tôi thường chứng kiến cảnh ở một số điểm trường tiểu học có nhiều phụ huynh đưa con đến trường, học sinh xúm nhau tại quầy ăn hay xe đẩy bán bánh mì, xôi gần trường. Giờ ra chơi, nhiều học sinh tiểu học mua quà bánh của người dân qua khe cửa của trường... Chị Nguyễn Thị H., có con trai đang học lớp 2, Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, huyện Phong Điền, cho biết: “Hằng ngày, tôi phải thức dậy sớm để chuẩn bị bữa ăn sáng cho con mới kịp giờ đến cơ quan làm việc. Những lúc dậy muộn, tôi chỉ kịp mua đỡ gói xôi mặn hoặc bánh mì cho cháu. Biết là thức ăn bên ngoài đường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng phải chịu thôi. Phải chi trong trường có căng tin, tôi khỏi phải lo”. Các em học sinh lớp 4, 5 của trường cho rằng, cha mẹ dặn không nên ăn quà vặt ngoài đường, nhưng vì muốn ăn cái bánh, uống nước... nên lén mua.

Theo thầy Nguyễn Tấn Lợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, nhiều năm nay, trường không mở căng tin. Tuy nhiên, nhu cầu ăn uống của học sinh vào buổi sáng, giờ ra chơi hay giờ ra về là có. Có nhiều phụ huynh phải đi làm sớm, không kịp chuẩn bị cho con ăn sáng, cũng rất muốn trường mở căng tin để cho con mình ăn uống hợp vệ sinh, an toàn. Thầy Lợi nói: “Do trường không có căng tin, nên các em sẽ tìm cách mua ở ngoài trường. Trong khi hàng quán ngoài đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những năm trước, trường có mở căng tin trong trường học, do công đoàn trường quản lý. Qua đó, trường tích lũy một ít chi phí cho các hoạt động phong trào trường”.

Không chỉ có những trường tiểu học ở vùng ven, một số trường ở các quận trung tâm cũng có nhu cầu. Cô Nguyễn Thị Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Nóc 4, cho biết: “Nhu cầu căng tin ở trường học rất lớn, bởi phụ huynh học sinh phần lớn là công nhân ở khu công nghiệp, đi làm rất sớm, nên nhiều học sinh phải ăn sáng ở ngoài. Nhiều phụ huynh đề nghị mở căng tin ở trường”. Theo thầy Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, Sở GD&ĐT quy định các trường THCS được mở căng tin, nhưng các trường tiểu học không được mở. Trong khi ở một số tỉnh, thành khác, các trường tiểu học có mở căng tin, thậm chí là có cả những căng tin thân thiện, hiện đại. Thực tế, những năm trước (khi các trường còn mở căng tin), nguồn thu từ căng tin đã giúp nhiều trường có khoản chi phí để phục vụ cho các hoạt động dạy, học.

Theo Quyết định số 55/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Qui định mức chất lượng tối thiểu của trường tiểu học, ở điều 6 về tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, có nêu rõ: “Trường, điểm trường đặt ở nơi an toàn, thuận tiện cho học sinh (...) không có nhà ở, hàng quán trong khuôn viên trường, điểm trường”. Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngành đã căn cứ vào tiêu chí này để không cho phép mở căng tin ở các trường tiểu học, nhằm tạo điều kiện đảm bảo cho các trẻ được thụ hưởng về giáo dục ở mức cần thiết.

Một thực tế đáng lưu ý là khi các trường tiểu học mở căng tin, hầu hết các căng tin này được các trường cho “đấu thầu”. Căng tin phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm phải rõ ràng. Người bán phải qua lớp tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra sức khỏe định kỳ... Tuy nhiên, sau một thời gian mua bán, do sự cạnh tranh của các căng tin và các gánh hàng rong bên ngoài, nhiều căng tin đã giảm dần chất lượng phục vụ. Đó là chưa kể không phải lúc nào người bán căng tin trong trường cũng “siêng” kiểm tra sức khỏe định kỳ... Theo thầy Trần Ngọc Nghị, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ, đối với các trường tiểu học có mở bán trú thì việc có căng tin trong trường là không cần thiết bởi học sinh được giáo dục, chăm sóc ở trường cả ngày. Tuy nhiên, 23 trường tiểu học ở huyện tất cả đều chưa có bán trú. Thầy Nghị đề xuất: “Nếu có thể được, nên cho các trường tiểu học mở căng tin, vì sẽ giúp các trường quản lý tốt hơn nguồn thực phẩm mà học sinh ăn hàng ngày. Nhà trường sẽ phối hợp với các ngành, nhất là ngành y tế kiểm tra thường xuyên hoạt động của căng tin các trường, đảm bảo sức khỏe cho học sinh”...

Rõ ràng, việc mở căng tin ở các trường tiểu học là cần thiết, xuất phát từ nhu cầu của các trường, phụ huynh, học sinh. Việc mở căng tin ở trường không chỉ giúp các trường có thêm nguồn thu, mà quan trọng hơn là đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Nhưng việc tổ chức, triển khai thực hiện như thế nào cần phải cân nhắc, nhằm đảm bảo được quyền lợi của nhà trường, an toàn cho học sinh.

N.NGÂN

Chia sẻ bài viết