23/02/2011 - 15:46

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Căng thẳng phòng chống cháy rừng

Ngành kiểm lâm ở ĐBSCL sẵn sàng trong công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô trước những dự báo khả năng hạn nặng, thiếu nước. Mới đây, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa Kiên Giang và An Giang vào danh sách các tỉnh có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV - cấp nguy hiểm, công tác này càng thêm căng thẳng...

CHÁY BẤT CỨ LÚC NÀO

Khu vực rừng ở Ô Tà Sóc (Tri Tôn-An Giang) khô cằn, nguy cơ cháy xảy ra bất cứ lúc nào. 

Đang nằm ở mức cảnh báo cháy rừng cấp IV-cấp nguy hiểm nhưng ngành Kiểm Lâm hai tỉnh An Giang và Kiên Giang đã chủ động đối phó từ đầu mùa khô. Khả năng nâng lên cấp cháy rừng cực kỳ nguy hiểm không còn lâu nữa vì thời tiết đang khô hanh và nắng nóng. Trong khi đó, nguồn nước trên các sông ở ĐBSCL được đánh giá thấp hơn mọi năm.

Kiên Giang có hai Vườn quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng dù đã chủ động phòng chống cháy rừng (PCCR) nhưng vẫn đặt vào trạng thái căng thẳng và được bảo vệ nghiêm ngặt. Trong khi đó, các lâm trường trồng rừng tràm, rừng phòng hộ ven biển, đảo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao. Nói theo cách của lực lượng kiểm lâm địa phương, cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bắt đầu vào mùa khô, lớp thực bì trong rừng ngày một dày thêm, chỉ cần một tàn thuốc cũng đủ làm bùng lên một đám cháy. Tại An Giang, căng thẳng nhất là khu vực Bảy Núi thuộc các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Các khu rừng trên núi ở huyện Thoại Sơn và TX Châu Đốc cũng không nằm ngoài danh sách nguy cơ cháy cao. Thời điểm này, rất đông khách thập phương về khu vực này vãn cảnh, hành hương. Trong khi vùng Bảy Núi đang vào mùa khô hạn, đất đai khô cằn. Tại khu vực Ô Tà Sóc (huyện Tri Tôn, An Giang), cây cối xơ xác. Lá khô rụng xuống đất dày vài ba tấc, rất dễ bắt lửa. Tại vùng núi Phú Cường (huyện Tịnh Biên), lớp thực bì càng dầy hơn. Khu vực này gần như không có sông suối, địa hình núi đá hiểm trở. Mùa khô năm 2010, núi Phú Cường xảy ra nhiều vụ cháy lớn mà công tác PCCR gặp nhiều khó khăn. Vì bất cẩn trong việc sử dụng lửa, lớp thực bì bén lửa cháy rộng vào các khu rừng trên núi. Nước chữa cháy ở đây chủ yếu đựng trong can nhựa với số lượng vừa phải nên công tác chữa cháy chủ yếu là ngăn đám lan rộng bằng phương pháp thủ công. Khu vực núi Cấm, núi Tô, núi Dài thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên dù có được nguồn nước suối dự trữ nhưng mật độ rừng khô quá lớn, việc canh giữ rừng càng thêm nghiêm ngặt. Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) và núi Sam (TX Châu Đốc) hiện đang được quản lý nghiêm ngặt bởi tình trạng đốt nhang đèn, vàng mã bừa bãi của khách hành hương. Đường lên núi Sam có hàng trăm ngôi chùa mọc san sát. Đâu đâu cũng khói nhang nghi ngút. Không ít người cắm nhang dọc đường đi, gần với những đám lá khô vốn dễ bắt lửa. Theo thống kê của Kiểm lâm An Giang, hiện có gần 7.000 ha rừng nằm trong khu vực trọng điểm cháy, tập trung phần lớn ở vùng Bảy Núi.

CHỦ ĐỘNG PCCR

Đối phó với nguy cơ cháy rừng cao, ngành Kiểm lâm các tỉnh ĐBSCL đang vào mùa cao điểm. Kiên Giang đã chuẩn bị sẵn xe chữa cháy và hàng trăm máy bơm chuyên dụng, tận dụng máy bơm trong dân sẵn sàng khi xảy ra sự cố cháy rừng. Lực lượng tại chỗ trên 2.000 người được tập huấn công tác PCCR và sẵn sàng ứng cứu. Riêng các hộ dân sống ở rừng phòng hộ, vùng đệm được tham gia nhiều dự án sinh kế kết hợp bảo vệ rừng nên rất chủ động trong việc PCCR. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, năm 2011, tỉnh này kiên quyết không để xảy ra cháy lớn. Riêng 2 vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc, không để xảy ra bất cứ vụ cháy nào. Rừng U Minh Thượng hiện vẫn mở cửa phục vụ khách du lịch và được quản lý chặt chẽ, không cho sử dụng lửa trong rừng; du khách tuyệt đối không được sử dụng lửa. Ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng, cho biết: 8.000ha vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt với lực lượng canh giữ 24/24 giờ. Nghiêm cấm mọi hoạt động vào rừng bắt cá, lấy tổ ong. Tất cả các cống đều được đóng lại từ đầu mùa khô để giữ nước dưới chân rừng tràm, tích trụ nước tại các trảng trong rừng ngăn lửa. Khu rừng này hiện còn trữ lượng than bùn lớn. Nếu xảy ra cháy, than bùn giữ lửa rất lâu nên nước được giữ ngập khỏi lớp than bùn. Còn Vườn quốc gia Phú Quốc hiện được quản lý nghiêm ngặt, không cho người lạ vào rừng. Các giếng, hồ chứa nước trong rừng được dự trữ nước kịp thời dập tắt lửa ngay từ đám cháy nhỏ.

An Giang rất chủ động trong công tác PCCR, 5.000ha rừng tràm ngập nước đã được tích trữ nước nhưng vẫn được bảo vệ nghiêm ngặt. Kiểm lâm địa phương phối hợp cùng người dân, chủ rừng phát loa thông báo thường xuyên cho du khách cảnh giác cháy rừng và hạn chế đốt nhang, vàng mã. Ban quản tự các chùa tự giác quản lý việc sử dụng lửa và giám sát thường xuyên khu vực lân cận chùa để ngăn lửa kịp thời. Ông Thái Văn Nhân, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Tịnh Biên, cho biết: Biện pháp PCCR hiện nay vẫn là “bốn tại chỗ”. Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia công tác này. Tuy nhiên, nguồn nước và phương tiện chữa cháy vẫn là nỗi lo của lực lượng kiểm lâm vì địa thế rừng hiểm trở và diện tích rộng lớn rất khó quản lý. Trong đó, 275 ha rừng ở núi Phú Cường, 26 ha ở núi Nhọn, 130 ha ở cụm núi Đất, 800 ha ở khu vực Tà Lọt của núi Cấm... là những “điểm nóng” vì xảy ra cháy rất khó chữa.

Nhiều địa phương như Đồng Tháp, Cà Mau, Hậu Giang... chưa đưa vào danh sách cảnh báo cháy nguy hiểm nhưng cũng đã chủ động trong công tác này, nhất là công tác diễn tập PCCR. Hai năm qua, rừng U Minh Hạ (Cà Mau) không xảy ra vụ cháy nào nhưng công tác trực canh vẫn duy trì 24/24 giờ vào thời điểm này và nghiêm cấm mọi hoạt động vào rừng. Năm 2011, Cà Mau chi khoảng 3 tỉ đồng cho công tác PCCR. Trong khi đó, nỗi ám ảnh về cháy rừng ở Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) vào năm 2010 vẫn còn lớn nên mùa khô năm nay được cảnh giác cao độ. Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc vườn quốc gia này, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã đưa các phương tiện chữa cháy đến các khu vực trọng điểm và trực canh 24/24 giờ, gồm: 21 máy chữa cháy, 17 máy bơm nước, 166 bình xịt, 45 lăng phun nước, 5.000 mét vòi chữa cháy... Đồng thời, chuẩn bị sẵn 1 la bàn, 1 máy định vị GPS để quản lý rừng và định vị đám cháy khi xảy ra sự cố...”.

Bài, ảnh: MIÊN HẠ

Chia sẻ bài viết