Mặc dù chính quyền và ngành chức năng đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sử dụng đất nhưng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDÐ) bằng giấy viết tay, thiếu tính pháp lý, vẫn diễn ra. Ðây là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đất đai và không ít người rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”.

Phần đất tranh chấp quyền sử dụng giữa bà A. và gia đình bà H.
Bà L.N.A., ở phường Thới Long, quận Ô Môn, mua 1 công đất ruộng, thuộc QSDĐ của bà N.T.H., ngụ cùng địa phương. Cả hai bên không làm hợp đồng chuyển nhượng mà chỉ viết giấy tay. Sau đó, bà A. trực tiếp canh tác. Đến nay, bà A. có nhu cầu làm thủ tục đăng ký QSDĐ, thì bà H. đã chết. Các con bà H. cũng đồng ý thực hiện thủ tục chuyển nhượng 1 công đất (khoảng 1.300m2 đất) cho bà A. Nhưng bà A. không đồng ý vì diện tích đo đạc thực tế phần đất bà A. đang canh tác lớn hơn 1.300m2. Tranh chấp phát sinh. Bà A cho biết: “Trước đây, việc mua bán giữa chúng tôi chỉ thỏa thuận bằng giấy viết tay. Sau đó, tôi trực tiếp canh tác trên phần đất này. Theo kết quả đo đạc thực tế, phần đất của tôi có diện tích 1.900m2. Vì thế, tôi yêu cầu chính quyền và ngành chức năng địa phương xem xét, giải quyết cho tôi được quyền sử dụng đất đối với phần đất này”.
Theo Giấy chứng nhận QSDĐ của bà H. được UBND huyện Ô Môn cũ cấp diện tích 2.200m2 đất trồng lúa. Khi sang bán 1 công đất cho bà A, gia đình bà H. còn khoảng nửa công đất để sử dụng làm nơi chôn cất cho người quá cố. Tuy nhiên, trong quá trình sang nhượng, không xác định rõ ranh giới phần đất của bà A. và bà H. Một trong những người con của bà H. thừa nhận: “Trước đây, gia đình có thỏa thuận sang nhượng QSDĐ 1 công cho bà A. Nay chúng tôi đồng ý thực hiện thủ tục tách QSDĐ với diện tích đó cho bà A. Tuy nhiên, bà A. không đồng ý nên cứ nhờ chính quyền và ngành chức năng xem xét, giải quyết theo quy định”.
Ông Âu Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Thới Long, cho biết: “Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của UBND phường đã đưa vụ việc ra hòa giải. Dù các thành viên của Hội đồng vận động, thuyết phục thương lượng nhưng hòa giải không thành. Chúng tôi lập biên bản, hướng dẫn đương sự khởi kiện tại TAND quận Ô Môn để được xem xét, giải quyết theo quy định”.
Tương tự, ông T.V.P., ở phường Thới An, quận Ô Môn phải “chạy đôn, chạy đáo” nhờ người đã chuyển nhượng QSDĐ cho ông ký vào hợp đồng chuyển nhượng, để ông thực hiện thủ tục đăng ký QSDĐ. Ông T.V.P. cho biết: “Trước đây, tôi có thỏa thuận nhận chuyển nhượng 3 công đất ruộng của gia đình ông V. Vốn không am hiểu quy định pháp luật, giữa chúng tôi chỉ thỏa thuận bằng giấy viết tay. Sau khi giao đủ tiền, tôi nhận đất canh tác kèm theo “bằng khoán” đất do ông V. đứng tên. Nay tôi có nhu cầu thực hiện đăng ký QSDĐ, thì gia đình ông V. cứ “hẹn lần, hẹn lượt” chưa chịu ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng, để tôi sang tên QSDĐ”.
Những năm gần đây, do nhu cầu về đất ở ngày càng tăng nên hoạt động chuyển nhượng QSDĐ, nhất ở các vùng nông thôn, trở nên sôi động. Tuy nhiên, do chưa hiểu cặn kẽ các quy định pháp luật và cũng do ngại thủ tục hành chính hoặc để tránh đóng thuế nên một số trường hợp không thực hiện đúng quy định về pháp luật đất đai. Vì vậy, tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến QSDĐ phát sinh ngày một tăng ở các địa phương. Luật sư Đỗ Vinh Quang, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Vinh Quang, ở quận Ô Môn, cho biết: “Văn phòng nhận trợ giúp pháp lý cho rất nhiều trường hợp người nhận chuyển nhượng khởi kiện người chuyển nhượng vì không thực hiện “hợp đồng bằng giấy viết tay”. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, việc mua bán nhà, đất bằng giấy viết tay, không qua cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực là vi phạm về hình thức, thiếu tính pháp lý. Với trường hợp này, nếu hai bên có tranh chấp khởi kiện ra Tòa án, Tòa án sẽ cho khoảng thời gian tháng để hai bên thực hiện hợp đồng. Trường hợp hai bên không thực hiện, Tòa án sẽ đưa ra xét xử tuyên hợp đồng vô hiệu và giải quyết hậu quả là hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Đồng thời căn cứ giá trị đất thời điểm hiện tại, Tòa án sẽ tính giá trị chênh lệch mà bên bán phải bồi thường cho bên mua”.
Quy định như vậy, nhưng trên thực tế, khi phát sinh tranh chấp, việc giải quyết các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất qua viết tay vô cùng rắc rối, phức tạp, thời gian kéo dài, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Người mua mỏi mệt với kiện tụng kéo dài. Nhiều trường hợp, Tòa án đã thụ lý và đưa ra xét xử, bản án đã có hiệu lực thi hành, nhưng thi hành án vô cùng gian nan, người mua luôn ở thế yếu. Theo Luật sư Đỗ Vinh Quang, để tránh rủi ro khi nhận chuyển nhượng nhà, đất, người dân nên tuân thủ theo quy định của pháp luật, phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực giá trị pháp lý của hợp đồng...
Bài, ảnh: Hiển Dương