24/01/2019 - 07:46

Cần Thơ vững bước tiến hội nhập kinh tế 

Trên chặng đường 15 năm xây dựng và trưởng thành, TP Cần Thơ có những bước chuyển không ngừng về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, làm tốt công tác ngoại giao chính trị, kinh tế và văn hóa. Riêng trên phương diện kinh tế, hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế của thành phố không chỉ đảm bảo tính phù hợp, khả thi với điều kiện địa phương, quốc gia mà còn góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư quốc tế để đáp ứng yêu cầu phát triển, tạo sức bật vươn ra biển lớn.

Năm 2019, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc chính thức đi vào vận hành Trung tâm Máy nông nghiệp từ nguồn vốn ODA tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

Tăng hợp tác, giao thương

Theo Sở Ngoại vụ TP Cần Thơ, giai đoạn đầu mới thành lập, các hoạt động hợp tác quốc tế của TP Cần Thơ chưa nhiều và chủ yếu tập trung vào việc giao lưu văn hóa, hữu nghị nhằm tạo tiền đề và cơ sở cho hoạt động giao lưu hợp tác cho giai đoạn hiện nay. Bước sang giai đoạn 2011-2018, số biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa thành phố với các đối tác nước ngoài đã tăng lên đáng kể với 64 biên bản ghi nhớ được ký kết. Trong đó, có 12 biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa UBND TP Cần Thơ với chính quyền các tỉnh, thành phố của Pháp, Campuchia, Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc, Bun-ga-ri, Hun-ga-ri, Nhật Bản... Còn lại là các biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các sở, ban, ngành thành phố với các đối tác nước ngoài trên các lĩnh vực như: đào tạo cán bộ, phát triển giáo dục, y tế, thực thi quyền trẻ em, xuất khẩu gạo, cơ khí, ươm tạo doanh nghiệp, phát triển về công nghệ thông tin, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đầu tư hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Khánh thành, đi vào hoạt động từ tháng 11-2015, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc (KVIP) là Dự án đánh dấu mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung. Dự án tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ươm tạo sản phẩm công nghệ ở 3 ngành công nghiệp chủ lực là: chế biến gạo - nông sản, chế biến thủy sản, cơ khí phục vụ chế biến nông, thủy sản. Theo ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, hơn 3 năm đi vào hoạt động, Vườn ươm có 1 doanh nghiệp đã đủ điều kiện tốt nghiệp là Công ty TNHH Phạm Nghĩa với sản phẩm chả cá thát lát nhân trứng muối. Đồng thời, đang tiếp tục hỗ trợ ươm tạo cho 4 doanh nghiệp với sản phẩm chế tạo máy gieo hạt, sản xuất bột cá, sữa gạo, bột yến sâm thảo dược. Đặc biệt, trong năm 2018, Vườn ươm tiếp tục triển khai dự án ODA "Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam tại TP Cần Thơ" với kinh phí 2 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại. Dự án này được thực hiện trong 2 năm 2018-2019, với mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất trong nông nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật công nghệ. Từ đó, giúp thành phố phấn đấu đạt tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa là 95% đến năm 2020 và mở rộng cơ giới hóa các khâu sản xuất và thu hoạch trên các cây trồng khác nhằm phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Khai thác những nguồn lực mới

Kể từ năm 2004 đến nay, cơ sở hạ tầng của TP Cần Thơ được đầu tư ngày càng đồng bộ. Thành phố cũng đã tranh thủ từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới để triển khai Dự án Nâng cấp đô thị TP Cần Thơ, Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL-Tiểu Dự án TP Cần Thơ, Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng cho đô thị. Hội nhập quốc tế về kinh tế, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan có liên quan kết nối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các sự kiện xúc tiến đầu tư và thương mại ở nước ngoài. Đồng thời, không ngừng quảng bá hình ảnh Cần Thơ đến với bạn bè quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch. Bày tỏ mối quan tâm đến TP Cần Thơ, bà Midori Takemori, Giám đốc đại diện Brainworks Asia, chia sẻ: Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL và có sân bay quốc tế. Nơi đây cũng là trung tâm giáo dục của vùng nên việc cung ứng, tuyển dụng lao động tương đối thuận tiện. Thành phố còn là trung tâm chế biến thực phẩm, cũng như dễ dàng cung cấp những nông sản phục vụ chế biến như gạo, thủy sản với cá tra và tôm, các loại trái cây...

Giữa tháng 1-2019, đoàn tham vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đến làm việc với UBND TP Cần Thơ để tìm hiểu nhu cầu của thành phố về các dự án đầu tư phát triển đang có nhu cầu tiếp cận vốn ODA từ ADB. Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB, ADB đặc biệt quan tâm đến các dự án về nâng cao tính cạnh tranh và thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ khu vực tư nhân nhằm mục tiêu tăng trưởng đổi mới sáng tạo. ADB cũng đang thỏa thuận với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để triển khai đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh, nếu TP Cần Thơ quan tâm có thể đăng ký cùng tham gia. Đặc biệt, song song với việc cung ứng nguồn vốn ODA, ADB đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật, tri thức, năng lực quản lý nhằm đảm bảo tính bền vững của các dự án.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh, với việc tiếp cận các nguồn vốn vay ODA, thành phố dành tập trung giải quyết các vấn đề về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng khả năng thích ứng cho đô thị, phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất an toàn gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân... Ở các dự án về sản xuất nông nghiệp bền vững, thành phố hướng đến vừa tiếp cận nguồn vốn ODA vừa huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, đồng thời mong muốn lồng ghép vào đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Khi các nguồn lực đầu tư được khai thác hiệu quả không chỉ giải quyết vấn đề kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa mà còn thu hút các nhà đầu tư vào khu vực nông thôn. Vấn đề còn lại là khi tiếp cận vốn ODA, thành phố phải cân đối ngân sách để vừa cân đối khả năng trả nợ vừa đảm bảo hiệu quả đầu tư và phát triển.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết