09/04/2014 - 08:15

Cần Thơ tôn vinh Đờn ca tài tử

Hôm qua, 8-4-2014, tại Bảo tàng Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố khai mạc triển lãm chuyên đề và tọa đàm về nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT). Các hoạt động này đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp và sức lan tỏa của ĐCTT - loại hình nghệ thuật vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

* Dòng chảy của ĐCTT ở Cần Thơ

Không gian trưng bày chuyên đề về nghệ thuật ĐCTT trong khuôn viên Bảo tàng thành phố được bài trí khoa học, đẹp mắt, lôi cuốn. Hơn 200 hiện vật gồm hình ảnh, tư liệu, sách báo… được sắp xếp theo tiến trình ra đời và phát triển của ĐCTT ở Cần Thơ nói riêng, Nam bộ nói chung.

Khách tham quan đã rất thích thú khi được xem những hình ảnh về ban ĐCTT của ông Nguyễn Tống Triều ở Cái Thia, huyện Cái Bè - Ban ĐCTT đầu tiên lưu diễn ở nước ngoài năm 1900 cùng những hình ảnh về các nghệ nhân tài tử xưa. Qua đó, cho thấy ĐCTT đã nổi danh từ hơn một thế kỷ trước. Hàng chục loại nhạc cụ trong dàn nhạc tài tử như: kìm, cò, tranh, bầu, song lang, ghi ta phím lõm… cũng được giới thiệu. Gian trưng bày về các nghệ sĩ Cần Thơ đã làm vang danh ĐCTT, cải lương đã để lại cho người xem ấn tượng sâu đậm nhất. Đó là những hình ảnh, những kịch bản tuồng viết tay, kỷ vật sinh hoạt của soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, soạn giả Điêu Huyền, nghệ sĩ Bảy Nhiêu, NSND Tám Danh… Khách tham quan có cảm giác được “hội ngộ” những tài danh một thuở khi ngắm chiếc tủ gỗ mà cố soạn giả Điêu Huyền gắn bó mỗi lần đi dựng vở ở các gánh hát, kịch bản “Gió bụi biên thùy” của ông đã nhuốm màu thời gian hay mô hình căn nhà của cha mẹ và chị ông do chính ông làm bằng giấy…

Lãnh đạo thành phố và các đại biểu tham quan triển lãm nghệ thuật ĐCTT. 

Gian trưng bày hoạt động ĐCTT của Cần Thơ những năm gần đây đã khái quát sự thịnh vượng của loại hình nghệ thuật này trong đời sống của người dân Tây Đô. Đó là hình ảnh về CLB Đờn ca tài tử Giàn Gừa suốt 40 năm qua vẫn đem tiếng đờn lời ca làm đẹp cuộc đời; là hình ảnh về bà cụ 80 tuổi ở Phong Điền vẫn “lên Cống xuống Xề” hay hình ảnh về dòng họ Lương ở Thới Lai 4 đời tiếp nối nghệ thuật của cha ông… Nếu như trong quá khứ, ban ĐCTT đầu tiên của Cần Thơ mang tên Ái Nghĩa đã góp nhặt cho ĐCTT Nam bộ nhiều gương mặt xuất sắc thì hiện tại, Cần Thơ cũng có những gương mặt tiêu biểu. Đó là hình ảnh về nghệ nhân Hai Đức ở Cái Răng - người sáng chế ra cây đờn sến 3 dây 14 phím “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam; thầy Lê Đình Bích - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ - người tiên phong dạy ĐCTT cho người nước ngoài đang dạy người Mỹ âm nhạc “ngũ cung”… Họ là những người đang viết tiếp những trang sử đáng tự hào cho ĐCTT Nam bộ.

Bảo tàng TP Cần Thơ ý nhị kết thúc không gian trưng bày bằng những hình ảnh cả gia đình cha mẹ, con cái cùng hòa đờn hòa ca, cảnh sinh hoạt ĐCTT trong nhà cổ, trên bờ đê, khóm trúc, các thương hồ đờn ca trên ghe hàng ở chợ nổi… Gần đó, chiếu ĐCTT do các nghệ nhân Phong Điền trình diễn trầm bổng, nhặt khoan như níu chân khách tham quan. Đó là thông điệp về sức sống mãnh liệt, về dòng chảy mạnh mẽ của ĐCTT ở Cần Thơ trong mạch tâm hồn người dân Nam bộ.

* Bảo tồn và phát huy

Cần nhiều biện pháp để bảo tồn và phát huy ĐCTT ở Cần Thơ là ý kiến của nhiều nghệ nhân, nhà giáo, nhà nghiên cứu… tại tọa đàm “ĐCTT - từ di sản đến hiện thực”. Tọa đàm không bàn về chuyên môn học thuật mà xoáy sâu về thực trạng ĐCTT Cần Thơ hiện nay.

Nhiều học sinh thích thú vây quanh chiếu ĐCTT biểu diễn phục vụ khách
tham quan triển lãm nghệ thuật ĐCTT. 

Cần Thơ hiện có khoảng 250 nhóm, CLB ĐCTT với 1.200 nghệ nhân sinh hoạt tại 9 quận, huyện. Hầu hết CLB thiếu trầm trọng nghệ nhân đờn. Một số nghệ nhân biết đờn nhưng chỉ độc nhất cây ghi ta phím lõm. Các nghệ nhân đờn cò, đờn tranh, đờn kìm ngày càng hiếm hoi. Tác giả Minh Thơ, người có nhiều đóng góp truyền dạy và sáng tác lời mới cho ĐCTT trăn trở: “Một số người chỉ coi nhạc tài tử là món đồ trang trí, mua vui. Nơi nào có dán bảng Ấp, Xã Văn hóa thì có bảng CLB ĐCTT nhưng thực chất đa phần yếu kém, không tập hợp thành viên, chủ yếu cho đủ thiết chế để được công nhận danh hiệu”. Ông Minh Thơ đánh giá, nhiều buổi sinh hoạt ĐCTT bị nhập nhằng giữa các loại hình nghệ thuật khi chỉ hát vọng cổ và trích đoạn cải lương, bài bản thì cắt khúc, cắt lớp tùy tiện, thậm chí không hề có bài bản tài tử.

Hiện tại Liên hoan ĐCTT cấp thành phố được tổ chức 2 năm một lần được đánh giá là sân chơi bổ ích cho giới đờn ca nhưng vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Phần đông Ban ĐCTT các quận, huyện có liên hoan mới tập luyện chứ không thường xuyên. Thí sinh đa phần là người lớn tuổi và rất quen mặt; số thí sinh trẻ kế thừa rất hiếm. Chương trình của các ban ĐCTT tham gia còn khô cứng, chưa có sự đầu tư công phu. Ông Đặng Xuân Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, thừa nhận: Trong liên hoan lần thứ 6-năm 2013 vừa qua, có 6/9 đơn vị dự thi đã mời các nghệ nhân đờn ở các địa phương khác như: TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Vĩnh Long… sang “hỗ trợ”. Sự vá víu này đã khiến cuộc chơi đờn ca vốn dĩ phong lưu nho nhã trở lên nhiều chiêu trò.

Trước tình hình đó, soạn giả Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô cho rằng, không nên tổ chức liên hoan kiểu hết ban này đờn rồi đến ban khác ca như vừa qua vì sẽ gây nhàm chán, không thu hút người xem. Ông nói: “Cách làm hàng trăm năm trước của dân ĐCTT là đấu đờn, so đờn nên được áp dụng trở lại. Qua đó mới thấy sức hấp dẫn, sự tài hoa của từng ngón đờn, giọng ca”. Ông Hùng cũng bày tỏ quan niệm, để ĐCTT sống mãi trong đời sống đương đại, không cách gì khác là phải truyền dạy trong nhà trường, hệ thống trung tâm văn hóa và các lò luyện đờn, luyện ca. Trong đó, vai trò của các lò luyện tài tử - mô hình từ xa xưa đã có như: lò nhạc sư Sáu Tửng, lò nhạc sư Sáu Hóa… đến nay vẫn phát huy tác dụng. Chính nhờ nghề truyền nghề, gần gũi, thọ giáo nhạc sư thường xuyên mà học viên mau tiếp thu và lan truyền trong cộng đồng.

Nghệ nhân Thanh Liêm, nguyên giáo viên Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Cần Thơ, tâm đắc với việc đưa ĐCTT vào trường học với mục đích chính là truyền tình yêu âm nhạc dân tộc cho thế hệ trẻ. “Dĩ nhiên, các em có thể chọn theo đuổi hay không nhưng ít nhất là các em có những hiểu biết nhất định về ĐCTT. Âm nhạc phương Tây có thể vào trường học, ĐCTT tại sao lại không?” - nghệ nhân Thanh Liêm nói. Tiến sĩ Huỳnh Công Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng - Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, đưa ra giải pháp: các trường đại học phía Nam nên thêm vào chương trình đào tạo ngành Ngữ Văn, Văn hóa, Viết Văn học phần viết lời mới cho bài bản tài tử để giúp đội ngũ có nền tảng khoa học văn chương, văn hóa biết sáng tác cổ nhạc.

Nhiều đại biểu của buổi tọa đàm cùng chung kiến nghị ngành Văn hóa Cần Thơ nói riêng, 21 tỉnh, thành Nam bộ nói chung, cần nhanh chóng tổng hợp danh sách nghệ nhân ĐCTT có đóng góp quan trọng, xứng đáng. Qua đó có chính sách tôn vinh và hưởng ưu đãi của Nhà nước trong khi chờ Nghị định quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”. Đó chính là động lực để các nghệ nhân yên tâm cống hiến.

***


Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê từng nói: “Dẫu UNESCO có công nhận nghệ thuật ĐCTT là di sản văn hóa phi vật thể thì chính chúng ta chứ không phải ai khác phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những tinh hoa mà ông cha để lại”.

Cần Thơ đã và đang nỗ lực gìn giữ và phát huy nghệ thuật ĐCTT trong cuộc sống hiện đại. Đó không chỉ là nếp sinh hoạt văn hóa đặc trưng của miền sông nước mà còn tiếp nối và khơi gợi kho tàng âm nhạc dân tộc, hun đúc tình yêu quê hương, niềm tự hào về xứ sở cho mọi người, nhất là giới trẻ.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết