29/05/2012 - 20:43

Cần Thơ hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2015

Phun hóa chất diệt muỗi ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Ảnh: S.KIM

Bệnh sốt rét được biết rất lâu trên thế giới, và đã từng xảy ra nhiều vụ dịch cướp đi sinh mạng của nhiều người. Tại Việt Nam, Chương trình tiêu diệt sốt rét đã được thực hiện ở miền Bắc từ 1958. Năm 1991, Việt Nam chính thức chuyển sang chiến lược phòng, chống sốt rét. Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, công tác phòng, chống sốt rét trở thành Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS cho đến nay.

Trong những năm gần đây, Dự án Phòng, chống sốt rét quốc gia đã tạo được những thành quả to lớn, bệnh sốt rét đã bị đẩy lùi qua từng năm. Năm 1991 toàn quốc có 144 vụ dịch, đến năm 2009 không có vụ dịch nào xảy ra. Sau 5 năm thực hiện mục tiêu phòng, chống sốt rét giai đoạn 2006-2010 đến năm 2011, cả nước đã không có dịch sốt rét lớn xảy ra, tỷ lệ mắc sốt rét đã giảm 83,4% so với năm 2000 và bằng 0,52/1000 dân; chết do sốt rét giảm 90,1% so với năm 2000 và bằng 0,02/100.000 dân.

Tại TP Cần Thơ, số mắc bệnh sốt rét luôn ở dưới 2 con số trong nhiều năm gần đây và hầu hết bệnh nhân ngoại lai tức là người Cần Thơ đi làm ăn và mắc bệnh ở nơi khác trở về. Đồng thời trung gian truyền bệnh chính của vùng là muỗi Anophen epiroticus cũng chưa được tìm thấy. Tỷ lệ mắc sốt rét trong những năm qua luôn ở trong khoảng 0,005/1.000 dân, tức ở mức rất thấp so với yêu cầu giai đoạn tiền loại trừ là 5/1.000 dân, hay giai đoạn loại trừ là 1/1.000 dân. Vì vậy, việc thay đổi chiến lược phòng, chống sang loại trừ sốt rét, phù hợp tình hình thành phố là cần thiết.

Tuy nhiên, việc thay đổi chiến lược này sẽ gặp những khó khăn, thách thức để không cho bệnh sốt rét quay trở lại, duy trì số mắc bệnh thấp như hiện nay. Đó là giao lưu của dân qua lại với vùng rừng núi Campuchia và di biến động dân theo mùa vụ từ TP Cần Thơ đến vùng sốt rét lưu hành nặng trong nước để làm kinh tế hàng năm rất lớn, ngoài tầm kiểm soát của y tế, làm cho tình hình sốt rét không ổn định và là nguồn lây nhiễm trong trường hợp môi trường sống biến đổi, xuất hiện loài muỗi Anophen epiroticus hoặc một trong 15 loài muỗi anophen có khả năng truyền bệnh ở Việt Nam làm cho nguồn lây có trung gian truyền bệnh để lây lan và sẽ xuất hiện bệnh nhân sốt rét nội địa, tức là bệnh nhân bị lây truyền ngay chính tại TP Cần Thơ. Ngoài ra, còn phải kể tới hệ thống giám sát bệnh không đủ mạnh để phát hiện bệnh kịp thời hoặc cảnh báo tình trạng xuất hiện muỗi truyền bệnh tại TP Cần Thơ; hiểu biết và thực hành phòng chống sốt rét của người dân, đặc biệt là nhóm dân đi làm ăn tại các vùng Bình Phước, Đắc Lắc, Phú Quốc, Cà Mau, Campuchia... còn thấp.

Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2011. Theo đó, Cần Thơ là 1 trong 15 tỉnh thành đầu tiên sẽ thực hiện chiến lược loại trừ bệnh sốt rét, giữ vững mức bệnh thấp như hiện nay. Không có ca sốt rét nội địa; tỷ lệ mắc sốt rét được duy trì hàng năm vào khoảng 0,005/1.000 dân và không vượt quá 0,01/1.000 dân tương đương không vượt quá 13 bệnh nhân hàng năm.

Để thực hiện mục tiêu này, Cần Thơ phải đảm bảo người bệnh sốt rét và người có nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời; xem trọng công tác truyền thông phòng chống sốt rét phù hợp, nhất là các nhóm dân đi làm ăn xa có nguy cơ mắc sốt rét cao; đảm bảo thông tin báo cáo định kỳ, đột xuất và phản hồi; thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động dự án (đánh giá hiệu quả hàng năm và 5 năm); thực hiện phân vùng dịch tễ sốt rét 5 năm một lần để đề ra các giải pháp kỹ thuật thích hợp với từng vùng sốt rét; kết hợp quân dân y trong phòng chống sốt rét là hoạt động truyền thống và có hiệu quả cao. Đặc biệt, kết hợp với Bệnh viện 121, Bệnh viện Đa khoa Trung ương, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Nhi đồng, trong điều trị bệnh nhân theo phác đồ chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, trong giám sát hiệu quả điều trị, cung ứng thuốc đặc trị.

Các biện pháp cần áp dụng là tăng cường hệ thống giám sát phát hiện bệnh nhân do thành phố thuộc vùng sốt xuất huyết lưu hành, nên các nhân viên y tế có khuynh hướng chẩn đoán thiên về bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn mà bỏ qua bệnh sốt rét; tăng cường hệ thống kính hiển vi tại một số trạm y tế, các bệnh viện; tập huấn chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Điều tra côn trùng nhằm dự báo sớm sự xuất hiện loài muỗi truyền bệnh chính của vùng là Anophen epiroticus (trước đây gọi là An.sundaicus), chú trọng các xã giáp giới Kiên Giang do có khả năng bị mặn xâm thực. Lồng ghép tuyên truyền các biện pháp phòng, chống muỗi sốt xuất huyết và muỗi đòn xóc. Quản lý từng ca bệnh sốt rét nhập viện là định hướng chiến lược cho chương trình, theo đó mỗi ca bệnh người nội tỉnh nhập viện đều được giám sát hiệu quả điều trị, điều tra yếu tố nguy cơ, truy tìm tích cực người bệnh tiềm tàng, đi làm ăn cùng bệnh nhân, giám sát điều trị thất bại sớm hoặc muộn, giám sát bệnh tái nhiễm...

DƯƠNG PHƯỚC LONG
(Khoa Sốt rét - Nội tiết, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ)

 

Chia sẻ bài viết