10/04/2008 - 10:59

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng:

Cần thay đổi thói quen sản xuất, sử dụng thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng

* Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguy cơ lan nhanh, rộng đến các tỉnh miền Trung và miền Nam

Ngày 9-4, tại trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra “Hội nghị toàn quốc về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm lần thứ hai” do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: Các địa phương phải đề phòng và hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm. Trước hết, phải tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về bảo đảm vệ sinh ATTP; từ đó giúp mọi người hiểu đúng tính nguy hiểm của thực phẩm không an toàn, góp phần thay đổi thói quen sản xuất, sử dụng thực phẩm để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng...

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: Bộ Y tế cần nghiên cứu, chỉnh sửa Nghị định 45 về xử phạt hành chính sao cho thích hợp để xử lý quyết liệt, nghiêm khắc đối với những cá nhân, tập thể vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); phối hợp với các ngành để bàn và thống nhất qui chế phối hợp liên ngành. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra về mức tồn dư hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh, kim loại nặng trong thực phẩm; cần qui định rõ việc cấp giấy phép cho các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm...Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đẩy mạnh việc xây dựng Đề án vùng sản xuất thực phẩm chăn nuôi, trồng trọt an toàn; giám sát việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...; kiểm tra và cấp chứng chỉ về thực phẩm an toàn cho nông dân, nông sản, thủy sản; phối hợp với Bộ Công thương có cơ chế, chính sách tiêu thụ nông sản an toàn. Bộ Công thương cần có đề án Ngăn chặn thực phẩm nhập lậu qua biên giới và nội địa.

* Ngày 9-4, Bộ Y tế chính thức xác nhận đến ngày 7-4 đã có 854 người bị mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm tại 56 quận, huyện của 13 tỉnh, thành phố, trong đó có 113 ca dương tính với phẩy khuẩn tả V.cholerae. Hà Nội vẫn tiếp tục là “trung tâm” và cao nhất cả nước về dịch tả với 596 ca, trong đó 44 ca dương tính với phẩy khuẩn tả. Tiếp đến, Thanh Hóa: 68 ca, có 20 ca phẩy khuẩn tả; Hải Phòng: 62 ca. có 21 ca phẩy khuẩn tả; Hà Tây: 60 ca, có 10 ca phẩy khuẩn tả; Bắc Ninh: 27 ca, có 2 ca phẩy khuẩn tả; Nam Định: 17 ca, có 6 ca phẩy khuẩn tả; Hà Nam: 11 ca, có 2 ca phẩy khuẩn tả... Như vậy, chỉ sau 5 ngày (từ 2-4 đến ngày 7-4) đã có thêm 2 địa phương phát sinh bệnh nhân tả, là Quảng Bình và Ninh Bình, nâng tổng số người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm lên gấp đôi (từ 385 ca lên 854 ca) và số bệnh nhân tả đã tăng 28 bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, với tình hình dịch tả hiện nay cho thấy dịch diễn biến hết sức phức tạp, ổ dịch nằm rải rác, nhỏ và lẻ tẻ di động trong cộng đồng. Cùng với thời tiết nóng ẩm, trong khi ý thức người dân không cao, môi trường sống và an toàn thực phẩm bị ô nhiễm nặng,... dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguy cơ lan rộng và nhanh đến các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch yêu cầu chính quyền các địa phương và bộ, ngành liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng; mỗi người dân và cộng đồng có ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện và xử lý sớm triệt để các ổ dịch nhỏ, lẻ phát sinh cũng như tăng cường giữ vệ sinh môi trường. Đồng thời, khi phát hiện trong người và gia đình có các dấu hiệu của bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị đúng phác đồ, tránh dịch lây lan rộng cũng như giảm tới mức thấp nhất nguy cơ tử vong.

THU PHƯƠNG - NGUYỄN THỊ THÚY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết