20/03/2013 - 09:49

Cẩn thận với “mùa” bệnh tiêu chảy

Bác sĩ khám cho bệnh nhi bị tiêu chảy tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết: Sau Tết, trong khi bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết giảm thì bệnh tiêu chảy liên tục tăng, đặc biệt từ đầu tháng 3 đến nay, bệnh tiêu chảy tăng 15-20%. Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến ngày 13-3, bệnh viện ghi nhận 640 ca bệnh nhi bị tiêu chảy (tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2012), trong đó, TP Cần Thơ có 261 ca. Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, từ 15 tháng 2 đến 14 tháng 3 năm 2013, ghi nhận 500 ca mắc tiêu chảy, tăng 7,9% so với tháng trước, không có ca tử vong.

Thông tin từ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu tháng 3-2013 đến nay, lượng bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tiêu chảy tại khoa liên tục tăng. Hiện nay, 70% lượng bệnh nhi đang điều trị tại khoa bị bệnh tiêu chảy. Trong đó đáng chú ý, bệnh tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 2 tuổi. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn cho biết: “10 năm trước đây, tỷ lệ tử vong vì bệnh tiêu chảy là do người nhà thiếu hiểu biết, thấy trẻ bị ói, tiêu chảy thì không cho ăn, uống dẫn đến trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải nặng. Nhưng mấy năm gần đây, trẻ bị tử vong do tiêu chảy, phần lớn do nhiễm phải loại chủng vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy nặng. Gần đây, các bậc cha mẹ hiểu biết hơn về bệnh này, đưa bệnh nhi đến điều trị sớm và hầu như không có tình trạng không cho trẻ uống nước hay ăn uống vì bị bệnh tiêu chảy nữa”. Mẹ bệnh nhi Đặng Khánh Văn, 11 tháng tuổi, ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Ở nhà bé bị ho, sốt cũng mấy ngày rồi. Sau đó bé tiếp tục bị tiêu chảy, đi 5-6 lần/đêm. Đến sáng, gia đình hốt hoảng, đưa lên Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Sau 5 ngày điều trị, bé đã đỡ nhiều, trong buổi sáng chỉ còn đi 2 lần”. Còn bé Trương Tấn Kha, 6 tháng tuổi, ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thì bị tiêu chảy sau khi ăn bột. Mẹ bé Kha cho biết: “Từ khi sinh đến nay, bé bú mẹ hoàn toàn, tôi mới tập cho ăn bột được 2 ngày thì bị tiêu chảy. Chắc do bé vừa bị nóng, sốt xong, cơ thể còn yếu mà cho ăn bột nhiều nên bị tiêu chảy. Nhập viện được 1 ngày, bệnh đã giảm và bé chịu bú mẹ”.

Khoa Truyền nhiễm có 3 phòng bệnh cộng với 2 phòng bệnh dịch vụ, tổng cộng 21 giường dành cho bệnh nhân bị tiêu chảy nhưng lượng bệnh nhi nhập viện vì bệnh tiêu chảy hiện nay thường gấp 2 đến 3 lần số giường bệnh. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, mùa nắng nóng, thức ăn rất dễ ôi thiu nên trẻ thường bị nhiễm tiêu chảy. Những biểu hiện ban đầu là: tiêu phân toàn nước hoặc có lẫn nhầy, nhớt đàm, trên 3 lần/ngày, có thể kèm theo ói, sốt, đau bụng. Bệnh tiêu chảy mất nước nhẹ, có thể điều trị tại nhà, cho hạ sốt. Khi trẻ ói, cũng không cần sử dụng thuốc chống ói mà nên cắt nhỏ bữa ăn, chia làm nhiều bữa, trẻ dễ ăn, ít nôn ói. Khi trẻ mất nước nhiều, môi rất khô, mắt trũng, thóp lõm, da nhăn (độ đàn hồi giảm), sốt cao, nôn ói nhiều, cần nhập viện. Tiêu chảy nhiều, mất nước nhiều, rối loạn điện giải, nếu trẻ còn uống được và mất nước nhẹ thì uống dung dịch đường uống oresol, hoặc truyền dung dịch điện giải để bù nước. Không sử dụng thuốc cầm, nếu sử dụng kháng sinh, phải có chỉ định của bác sĩ. Thông thường, tiêu chảy nhẹ, không mất nước nhiều, kéo dài khoảng 2-3 ngày, bù dịch bằng đường uống, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, hạ sốt cho trẻ là ổn. Còn tiêu chảy do vi khuẩn độc tố nhiều, cộng thêm mất nước nhiều, rối loạn điện giải nhiều quá, tim đập nhanh…có thể dẫn đến tử vong. Tiêu chảy dễ lây lan trong trường học, bán hàng quán không đảm bảo vệ sinh.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, khi trẻ bị tiêu chảy, phải tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú. Trẻ trên 4 tháng tuổi vẫn tiếp tục cho ăn bình thường, cần cho trẻ ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng như: thịt, trứng, cá... cho ăn nhiều lần và mỗi lần ăn ít, cần cho thêm dầu mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần ăn, cho trẻ ăn thức ăn mềm, nấu kỹ để dễ tiêu hóa, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp trẻ nhanh hồi phục không bị suy dinh dưỡng, cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong vòng 2 tuần liền; với trẻ bị tiêu chảy kéo dài, cần cho trẻ ăn tăng thêm mỗi ngày một bữa, tối thiểu là một tháng.

Mùa nắng nóng là thời điểm bệnh tiêu chảy bùng phát ở trẻ nhỏ. Người mẹ phải rửa sạch tay trước khi cho con bú, ăn và sau khi làm vệ sinh cho con. Rửa sạch các vật dụng như ly, muỗng, chén…Người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc ăn chín, uống sôi, không nên ăn thức ăn ôi thiu, để lâu ngày trong tủ lạnh; hạn chế dùng thức ăn đường phố, không đảm bảo vệ sinh; rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh...

Bài, ảnh: Huệ Hoa

Chia sẻ bài viết