21/12/2018 - 16:08

"Cần tạo sức ép đủ mạnh đến các bộ, địa phương" 

Cộng đồng doanh nghiệp gửi 6 kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, mà trước hết là sớm ban hành nghị quyết năm 2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo sức ép hành chính đủ mạnh và liên tục lên các bộ, ngành và địa phương.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp không ít khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực. Ảnh minh họa

Hội nghị đối thoại về cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) liên quan đến doanh nghiệp năm 2018 và đánh giá tác động sau 1 năm thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa diễn ra chiều 20/12 tại Hà Nội, do Hiệp hội DNNVV phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức.

Nhìn lại một năm thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, cộng đồng DNNVV đã gửi đến cấp có thẩm quyền 6 kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo sức ép hành chính đủ mạnh và liên tục lên các bộ, ngành và địa phương để triển khai ngay từ những ngày đầu năm.

Thứ hai, giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các hiệp hội DNNVV ở Trung ương và các địa phương; tạo kênh theo dõi, đánh giá độc lập, thường xuyên về những công việc làm được và chưa được.

Thứ ba, sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó xác định mức thuế suất thông thường của DNNVV thấp hơn theo đúng tinh thần của Luật Hỗ trợ DNNVV; hướng dẫn ban hành chế độ kế toán, báo cáo thuế đơn giản cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Thứ tư, đề nghị HĐND các tỉnh, thành có chính sách tháo gỡ, xây dựng quỹ đất tập trung cho DNNVV, tạo khu làm việc tập trung, cơ sở ươm tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Hai kiến nghị cuối là hình thành ban chỉ đạo về hỗ trợ DNNVV để có sự điều phối thống nhất, tập trung và tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc ứng phó với những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy sự thay đổi, chấp nhận sự thay đổi của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin về hội nhập, thông tin thuế quan khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).

Trước đó, mặc dù ghi nhận một số kết quả bước đầu của việc triển khai thi hành Luật DNNVV, song theo phản ánh của doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV đã có quy định được hưởng ưu đãi thuế, nhưng vẫn phải chờ quy định cụ thể. Tiêu chí thế nào là DNNVV đổi mới, sáng tạo chưa có. Doanh nghiệp cũng rất thiếu thông tin và rất cần được tư vấn pháp lý…

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, Phó Chủ tịch Hội đồng chia sẻ, mặc dù đạt nhiều kết quả, tuy nhiên việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn tồn tại nhiều hạn chế.

“Những kết quả năm 2018 đáng ghi nhận và trân trọng. Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trên bước đường làm ăn chân chính. Điều này đặt ra câu hỏi môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, hệ sinh thái để thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã thực sự thuận lợi chưa, đã đi vào thực chất chưa?’’, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phát biểu.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết vừa qua, Chính phủ đã ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 108,1%, vượt 8,1% so với mục tiêu đề ra).

Chính phủ, các bộ, cơ quan đã ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 136,5%, vượt 36,5% so với mục tiêu đề ra).

Theo báo cáo từ các bộ, ngành với số liệu cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục sản phẩm hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của 8 Bộ cho thấy đã giúp tiết kiệm gần 17,5 triệu ngày công/năm, tương đương 6.279,2 tỷ đồng.

Xếp hạng về môi trường kinh doanh đã được cải thiện rõ rệt, Việt Nam đã tăng 21 bậc so với năm 2015 (từ vị trí 90 lên thứ 69). Hơn 50% số doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh năm 2018 tốt hơn so với trước..

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, các hội nghị đối thoại doanh nghiệp mà Hội đồng tiến hành là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong vướng mắc đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động. Từ năm 2017 đến nay, Hội đồng đã tổ chức 11 Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Những hội nghị đối thoại cùng với nhiều hoạt động nghiên cứu tập trung của Hội đồng là kênh thông tin quan trọng để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ. Năm 2018, kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp của Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận 8.217 phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, trong đó theo phạm vi thẩm quyền đã xử lý và công khai trên Cổng TTĐT Chính phủ 841 phản ánh, kiến nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, để việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính đi vào thực chất hơn, Chính phủ dự kiến ban hành Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doang nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Với những giải pháp rất căn cơ, toàn diện, Chính phủ yêu cầu các bộ thực hiện đầy đủ, triệt để phương án cải cách đã được phê duyệt.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết