28/10/2018 - 16:17

Cần tăng cường thông tin xuất khẩu lao động 

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) TP Cần Thơ, đến 25-10-2018, toàn thành phố có 200 lao động đã xuất cảnh và dự kiến đến cuối năm 2018 là 255 lao động. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản là thị trường thu hút lao động Cần Thơ nhiều nhất do mức thu nhập tương đối cao, từ 15-48 triệu đồng/tháng. Lao động xuất khẩu tập trung ở các nhóm ngành nghề: xây dựng, cơ khí, điện tử, đóng gói, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ nhựa,… Kết quả này còn khiêm tốn so với tiềm lực lao động thành phố.


Người lao động luôn quan tâm tìm hiểu, cập nhật thông tin thị trường XKLĐ. Ảnh: P.MAI

Mới đây, tại Ngày hội việc làm phụ nữ TP Cần Thơ (phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt), không ít lao động muốn tìm hiểu thông tin xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhờ bà ngoại giới thiệu, bạn Lê Hoàng Đức, ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt mới biết Ngày hội này. Đức cho biết, từng học nghề hàn rồi đi làm ở TP Hồ Chí Minh 3 năm. Gần đây, Đức nghỉ làm, về quê lập gia đình. Đức ấp ủ nguyện vọng đi XKLĐ sang các nước phát triển để tích lũy vốn liếng và học hỏi kinh nghiệm làm nghề của lao động nước bạn. Tuy nhiên, Đức băn khoăn vì trình độ học vấn của mình không cao (8/12) và kinh tế gia đình khó khăn, không đủ lo chi phí làm thủ tục XKLĐ. Đức cho biết: “Tôi rất mong tìm được thị trường lao động phù hợp, có thể đúng ngành nghề tôi có kinh nghiệm càng tốt và được vay vốn ưu đãi của nhà nước để thực hiện ý định này”.

Còn cô Trần Bạch Huệ, ngụ khu vực Quy Thạnh 2, phường Trung Kiên đến Ngày hội để tìm hiểu thông tin thị trường lao động trong nước cho con dâu và ngoài nước cho cháu. Cô cho biết: “Cháu tôi muốn đi XKLĐ sang Hàn Quốc hoặc Nhật Bản nhưng chưa tìm được thị trường phù hợp. Thật sự lao động nông thôn rất cần tiếp cận nhiều thông tin về điều kiện tham gia những thị trường lao động uy tín ngoài nước để có thể theo dõi, so sánh và chuẩn bị tốt nhất”.

Hằng năm, Trung tâm DVVL TP Cần Thơ tuyên truyền thông tin XKLĐ qua nhiều kênh: các sự kiện tư vấn, tuyển dụng lao động tổ chức tại các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thông tin qua đài truyền thanh các địa phương và các ngày hội việc làm, hội chợ việc làm cho học sinh, sinh viên,… Tuy nhiên, quá ít người dân nông thôn tiếp cận thông tin qua các kênh này. Mặc dù hầu hết trụ sở UBND các phường có niêm yết thông tin giới thiệu việc làm và XKLĐ, nhưng đôi khi không được cập nhật kịp thời. Bên cạnh đó, việc giải đáp thắc mắc, băn khoăn của lao động nông thôn về các chương trình XKLĐ còn hạn chế. Chị Nguyễn Kim Liên, Phó Bí thư Đoàn phường Thuận An, quận Thốt Nốt cho biết: “Các bạn trẻ vùng nông thôn có nhu cầu tìm việc và điều quan tâm đầu tiên là lương cao. Trong khi kênh tìm kiếm việc làm hay XKLĐ hiện nay của lao động trẻ là mạng internet vốn có rất nhiều đầu mối cung cấp thông tin khác nhau. Vì thế, các bạn rất dễ bị thu hút đối với những thông tin giới thiệu việc làm nhanh, điều kiện dễ dàng và mức lương cao”.

Để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả công tác XKLĐ và góp phần định hướng việc làm tốt hơn cho lao động trẻ ngoại thành, thiết nghĩ, các đơn vị chức năng có thể đẩy mạnh các hoạt động phối hợp tổ chức tư vấn, giới thiệu các chương trình, thị trường XKLĐ các nước tại các điểm trường, khu dân cư các địa bàn này.

Lao động tham gia XKLĐ không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà sau thời gian làm việc ở nước ngoài còn được trui rèn tay nghề, kỹ năng và kiến thức cần thiết. Tăng cường thông tin tuyên truyền, kịp thời nhận diện những khuyết điểm của lao động địa phương để có giải pháp khắc phục nhằm chủ động tạo nguồn lao động đáp ứng yêu cầu thị trường lao động tiên tiến sẽ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả XKLĐ của thành phố.

MINH AN

Chia sẻ bài viết