07/04/2021 - 05:40

Cần tận dụng tốt nguồn rơm rạ sau thu hoạch 

Hiện nay, nguồn rơm rạ sau thu hoạch lúa tại vùng ĐBSCL đã được nông dân thu gom để bán kiếm thêm thu nhập, phục vụ chăn nuôi, sản xuất nấm rơm và nhiều hoạt động trồng trọt khác. Nhờ có máy cuốn rơm nên nông dân cũng dễ dàng thu gom rơm, thuận lợi bảo quản và vận chuyển đến nơi sử dụng. Thế nhưng, nguồn rơm rạ tại vùng ĐBSCL vẫn chưa được tận dụng và thu gom một cách triệt để, nhiều nơi nông dân vẫn đốt rơm rạ trên đồng, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường.

Rơm không bán được, nông dân phải đốt

Thu gom rơm bằng máy cuốn rơm đa năng (máy tự hút, cuốn rơm lại thành cuộn và đưa lên thùng xe) tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Thu gom rơm bằng máy cuốn rơm đa năng (máy tự hút, cuốn rơm lại thành cuộn và đưa lên thùng xe) tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Nhiều nông dân vẫn còn giữ tập quán đốt rơm rạ trên đồng. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do nông dân muốn rút ngắn thời gian làm vệ sinh đồng ruộng mà còn do suy nghĩ đốt rơm rạ giúp tiêu diệt mầm sâu bệnh trên đồng, dễ làm đất và để lại một lượng tro làm phân bón cho lúa. Cũng có nhiều trường hợp người dân đã nhận thức được việc đốt rơm gây ô nhiễm môi trường và không đem lại hiệu quả cho sản xuất. Nhưng rồi, nông dân vẫn đốt bỏ rơm. Bởi kêu bán không có người mua hoặc mua giá rẻ mà phải chờ đợi lâu, trễ thời vụ, trong khi họ lại không có điều kiện thu gom rơm để chăn nuôi và các hoạt động sản xuất khác.

Bà Nguyễn Thị Ba ngụ ấp Định Phước, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nói: “Chúng tôi mong ngành chức năng hỗ trợ kết nối nông dân với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua rơm, như vậy nông dân không cần phải đốt rơm trên đồng nữa. Ở nhiều địa phương khác tại ĐBSCL, nghe nói rơm bán được giá rất cao, lên đến 400.000-500.000 đồng/ha, còn rơm cuộn có giá 20.000-30.000 đồng/cuộn. Tuy nhiên, tại xã của tôi rất ít người đi mua rơm, nhà tôi không chăn nuôi bò hay trồng nấm rơm, nên phải đốt rơm bỏ. Trong khi đó tôi làm lúa 2,5ha, nếu bán được rơm chắc chắn sẽ có thêm một khoản thu nhập đáng kể”.

Theo ông Huỳnh Văn Diệu ngụ ấp Thới Hòa, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, do gieo sạ lúa tập trung đồng loạt nên mùa vụ thu hoạch lúa cũng đồng loạt trong thời gian ngắn. Số lượng các máy cuốn rơm ít và các hoạt động kinh doanh và làm dịch vụ thu gom rơm tại nhiều địa phương còn hạn chế. Trong khi, nguồn rơm rạ khi vào các vụ thu hoạch lúa rất dồi dào, mối lái không thể thu mua kịp, họ trả giá thu mua thấp, thời điểm thu hoạch rộ giá mua rơm chỉ 200.000-300.000 đồng/ha. Giá này không hấp dẫn để người nông dân chờ người thu mua rơm đến mua. Nhiều người phải đốt rơm cho nhanh, vừa xử lý được phần gốc rạ trên đồng và tiêu diệt các mầm sâu bệnh, kịp chuẩn bị cho mùa vụ tới...

Thời điểm thu hoạch lúa đông xuân hằng năm rơi vào các tháng mùa khô, trời nắng tốt và đồng ruộng khô ráo, rất thuận lợi cho việc đưa máy cuốn rơm vào đồng ruộng thu gom rơm. Nhưng theo ngành chức năng tại nhiều địa phương, đây cũng là vụ lúa mà tình trạng đốt rơm trên đồng diễn ra nhiều hơn so với các vụ lúa hè thu và thu đông.

Cần có giải pháp thu gom

Rơm rạ là phụ phẩm có giá trị, góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho người dân qua việc sử dụng chúng để phát triển thêm các hoạt động sản xuất khác hoặc đơn giản là bán rơm cho những người có nhu cầu. Thực tế cho thấy, rơm rạ không chỉ dùng để trồng nấm rơm mà còn là nguồn phân hữu cơ dồi dào dinh dưỡng, rơm còn dùng để che đậy, giữ ẩm cho đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhiều loại cây trồng: rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng. Đây cũng là nguồn thức ăn có thể trữ lâu dành cho trâu bò. Ngoài ra, rơm rạ còn sử dụng để che chắn, bảo vệ trái cây khi vận chuyển đi xa hay sử dụng trong một số lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, dùng làm vật liệu xây dựng... Cơ hội để tạo ra những giá trị mới và giúp nâng cao thu nhập cho nông dân từ phụ phẩm rơm rạ là rất lớn.

Vùng ĐBSCL là nơi sản xuất lúa gạo trọng điểm của cả nước, mỗi năm sản xuất hàng chục triệu tấn lúa, theo đó cũng có hàng chục triệu tấn rơm rạ được thải ra. Do vậy, nếu thực hiện thu gom rơm một cách triệt để và tận dụng tốt nguồn rơm này sẽ giúp mang lại một giá trị gia tăng rất lớn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận rơm là một trong những sản phẩm chính của quá trình sản xuất lúa, chứ không phải là phụ phẩm. Các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tính đến vấn đề thu hoạch rơm để có các quy định, định hướng và kế hoạch chủ động cho từng vụ sản xuất. Kịp thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, hướng đến chấm dứt việc đốt rơm rạ trên đồng. Song song đó, triển khai đồng bộ các giải pháp về tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ về vốn, phương tiện máy móc để nông dân thực hiện thu gom rơm để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh từ rơm.

Theo các chuyên gia, khi rơm rạ bị đốt hoàn toàn thường có hàm lượng tro cao và lượng protein thấp nên lượng dinh dưỡng mất đi hầu hết khi sử dụng lại cho cây trồng. Trong khi việc đốt rơm lại sản sinh ra nhiều độc tố, tạo ra khói, bụi ảnh hưởng đến môi trường, tổn hại sức khỏe người dân sống trong khu vực đó và cũng là nguy cơ gây cháy, mất an toàn gian thông. Đốt rơm rạ trên đồng ruộng cũng gây phát thải khí: CO2, CO, CH4, NOX, và SO2 vào trong khí quyển, làm gia tăng phát thải khí nhà kính, tác động đến biến đổi khí hậu và nóng lên của toàn cầu.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, việc đốt rơm trên đồng không giúp mang lại nhiều dinh dưỡng cho cây trồng mà gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nông dân cần thu gom rơm sau các vụ thu hoạch lúa để phát triển thêm các hoạt động sản xuất tăng thêm thu nhập hoặc bán rơm. Ngoài ra, cũng cần chú ý thực hiện giải pháp kỹ thuật chôn vùi rơm rạ, kết hợp sử dụng nấm Trichoderma để thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy rơm rạ, tạo thành nguồn phân hữu cơ dồi dào dinh dưỡng so với đốt rơm rạ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đã và đang quan tâm hỗ trợ người dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp (như Dự án VnSAT) hiện Cần Thơ cũng đã hỗ trợ nông dân tại một số hợp tác xã đầu tư mua máy cuốn rơm.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết