15/01/2015 - 20:56

Cần tận dụng tốt “cơ hội vàng”

Dự án Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại TP Cần Thơ đã và đang được gấp rút thực hiện để kịp đưa vào vận hành, hoạt động trong quý II-2015. Đây được xem là một cơ hội thuận lợi chưa từng có để TP Cần Thơ thu hút các nhà đầu tư từ Hàn Quốc và có thể học hỏi, nắm bắt được các công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp.

Dự án Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (viết tắt là KVIP) được xây dựng trên diện tích 4,5 ha, gồm một khối nhà làm việc 4 tầng và 3 nhà xưởng sản xuất thử nghiệm với diện tích sàn xây dựng 14.000m2 tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Đây là dự án ODA tài trợ không hoàn lại do Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư 21,13 triệu USD, trong đó Hàn Quốc tài trợ 17,7 triệu USD. KVIP khi được đưa vào hoạt động sẽ là nơi hỗ trợ, ươm mầm, cung cấp các điều kiện thuận lợi từ cơ sở vật chất, dịch vụ, các chính sách ưu đãi để cá nhân doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học, hình thành các phát minh sáng chế và phát triển các sản phẩm có hàm lượng giá trị tăng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL trong một số ngành công nghiệp chiến lược (chế biến nông sản, chế biến thủy sản và cơ khí chế tạo). KVIP cũng là cầu nối thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh với các doanh nghiệp tại Cần Thơ.

Công ty tư vấn phát triển KOVI D&C (Hàn Quốc) tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng văn phòng của công ty tại TP Cần Thơ.

Ngày 23-11-2013, KVIP chính thức khởi công tại TP Cần Thơ mở ra triển vọng mới trong quan hệ hợp tác đầu tư phát triển công nghệ công nghiệp giữa TP Cần Thơ cùng các tỉnh ĐBSCL nói chung với phía đối tác Hàn Quốc. Sau khi KVIP khởi động thực hiện, Trường Đại học Soonchunhyang (Hàn Quốc) cũng đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các đối tác, xúc tiến thành lập Viện Phát triển ĐBSCL thuộc Trường Đại học Soonchunhyang tại TP Cần Thơ. Mục đích nhằm thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật giữa nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc, cùng nhau nghiên cứu hợp tác phát triển cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL nói chung. Tháng 10-2014, Công ty tư vấn phát triển KOVI D&C (Hàn Quốc) đã tổ chức lễ khởi công xây dựng văn phòng của công ty tại TP Cần Thơ nhằm kịp thời hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đến đầu tư, hợp tác làm ăn tại TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL, cũng như hỗ trợ cho các đối tác Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu về các đối tác Hàn Quốc. Dự kiến văn phòng của công ty sẽ được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 3-2015.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, tiến độ thực hiện KVIP đã đạt 80% khối lượng xây dựng công trình. Cuối tháng 4 sẽ hoàn thành phần xây dựng công trình để đưa vào hoạt động và tổ chức lễ khánh thành trong tháng 5-2015. Hiện TP Cần Thơ cũng có đề xuất lên các bộ ngành Trung ương và Chính phủ xin cơ chế đặc thù đối với KVIP, đồng thời đang tích cực chuẩn bị về mặt nhân sự và các công việc có liên quan để vận hành vườn ươm trong thời gian tới. KVIP được thực hiện thành công sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố Cần Thơ đúng theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước". Đồng thời, KVIP là biểu tượng của sự hợp tác chiến lược lâu dài và bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp nhìn nhận, khẳng định KVIP sẽ là "cơ hội vàng" giúp TP Cần Thơ có thể tạo ra những đột phá trong phát triển công nghệ, công nghiệp thông qua việc thu hút nhiều doanh nghiệp và nhà nghiên cứu, sản xuất công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc đến Cần Thơ. Vấn đề là chúng ta cần có một "lực lượng đối ứng xứng tầm", nhất là các doanh nghiệp và nhà sản xuất trong nước, nhằm tạo được sự liên kết sản xuất và nắm bắt được các công nghệ mới từ phía doanh nghiệp Hàn Quốc để ứng dụng, đưa vào phục vụ sản xuất phục vụ cho trong nước và hướng đến xuất khẩu trong tương lai. Muốn được vậy, những người quản lý KVIP Việt Nam không chỉ giỏi ngoại ngữ, quản lý mà cần phải tập hợp được những doanh nghiệp tại địa phương có khả năng nắm bắt công nghệ và ứng dụng được các công nghệ mới vào sản xuất.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cho rằng: KVIP là điều kiện và tiền đề tốt thu hút đầu tư, nhưng kết quả sẽ không như mong muốn nếu chúng ta không xây dựng cơ chế riêng để "gặt hái" thành công được những doanh nghiệp công nghệ từ vườn ươm này.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết