02/09/2012 - 16:23

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ

Cần sức bền và sự năng động của doanh nghiệp

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của Công ty Cổ phần May Tây Đô tại một phiên chợ
"Hàng Việt về nông thôn".

Hội nhập kinh tế quốc tế, bối cảnh cạnh tranh để giành thị phần ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp (DN) đòi hỏi DN phải năng động. Những DN có chiến lược tốt, sức bền và năng động sẽ có vị trí nhất định trên thị trường.

Sức ép cạnh tranh tăng

Ông Phạm Đắc Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô, cho biết: "Sản phẩm của công ty làm ra có đến 90% là xuất khẩu, phần còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Hiện nay, các chi phí đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ giảm sút do đối tác nước ngoài cắt giảm đơn đặt hàng là áp lực đè nặng lên DN. Ở thị trường nội địa, DN lại vấp phải sự cạnh tranh với DN nước ngoài lẫn DN trong nước". Còn ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho rằng, đối với ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị là xuất khẩu gạo, hiện nay công ty tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Hồng Công, châu Phi... Tuy xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có dấu hiệu khởi sắc từ tháng 8-2012, song vẫn còn nhiều thách thức đang chờ phía trước. Ngoài cạnh tranh về giá và chất lượng, đến nay DN phải cạnh tranh cả về phương thức thanh toán, nhưng kèm theo đó là tính rủi ro cũng tăng lên. Theo ông Trượng, để kịp thời thích ứng, DN xác định sẽ xây dựng một đội ngũ cán bộ phụ trách bộ phận xuất nhập khẩu vững về chuyên môn, nhưng DN rất cần hỗ trợ thông tin về đối tác nước ngoài từ các cơ quan chức năng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi đã gia nhập WTO, DN buộc phải tuân theo các thông lệ quốc tế. Thích ứng tốt với hoàn cảnh, một số DN đã điều chỉnh hệ thống phân phối, buôn bán gần với người tiêu dùng hơn, tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, thực hiện các chương trình kích cầu, khuyến mãi quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường từ đô thị đến nông thôn. Tuy nhiên, một số DN vẫn vấp phải hạn chế khi chưa đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm theo từng đối tượng người tiêu dùng. Việc nắm bắt nhu cầu, xu hướng tiêu dùng còn chậm; các khâu khuyến mãi, quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Vấn đề liên doanh, liên kết, hợp tác giữa nhà sản xuất, nhà phân phối với người tiêu dùng chưa bền chặt. Nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp khó, DN muốn quay về thị trường nội địa sẽ không dễ dàng, do không có hệ thống phân phối trực thuộc.

Theo ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, do điều kiện kinh tế và phương thức kinh doanh nên DN trong nước chưa có điều kiện mở rộng thị trường; đầu tư mạng lưới phân phối còn hạn chế, tình trạng "mua đứt bán đoạn" khiến sản phẩm đến được tay người tiêu dùng phải qua nhiều tầng nấc trung gian. Chất lượng sản phẩm làm ra không ngừng được cải thiện, song chưa cạnh tranh kịp về giá với DN nước ngoài. Nhiều mặt hàng phát triển tốt nhưng cũng có một số mặt hàng "lép vế” so với hàng nước ngoài. Trong đó có thể kể đến một số mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng tiêu dùng, may mặc,...

Trong bối cảnh cạnh tranh sống còn, hầu hết DN đều nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thường xuyên cải tiến mẫu mã, giảm giá thành sản xuất. Tuy nhiên, việc có chiếm lĩnh được thị trường hay không còn phụ thuộc vào sức bền, năng lực tài chính và sự năng động của DN.

Thay đổi phương thức tiếp cận thị trường

Theo các chuyên gia kinh tế, bản thân DN cần thay đổi phương thức bán hàng, bán hàng tận gốc, giảm các tầng nấc trung gian, chú trọng quảng bá, tạo dựng lòng tin để người tiêu dùng không quay lưng với hàng Việt. Ông Phạm Đắc Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô, cho biết: "Qua một số lần tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, công ty nhận thấy đây là thị trường rất tiềm năng. Vì thế, công ty đang triển khai chương trình mở rộng hệ thống đại lý phân phối nhãn hàng May Tây Đô từ Long An đến Cà Mau để người tiêu dùng thuận lợi tiếp cận với sản phẩm của công ty". Theo ông Lợi, việc lựa chọn đầu tư hệ thống phân phối nội địa trong thời điểm khó khăn hiện nay là một bước đột phá với DN, song nhờ có sự hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ là Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến nên May Tây Đô không phải lo về nguồn vốn. Điều quan trọng đối với công ty hiện nay là việc lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp, chú trọng khâu quảng bá sản phẩm và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng công tác quản trị, điều hành.

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh, công ty đang có kế hoạch xây dựng các nhà máy vệ tinh với quy mô 10 tỉ đồng/ 1 trạm xay xát diện tích từ 1-2ha, dây chuyền bóc vỏ trấu công suất 10 tấn/giờ. Hiện nay, ngoài việc tập trung vào nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, hướng đến các thị trường tiềm năng về tiêu thụ gạo phẩm chất cao, gạo thơm, công ty còn chú trọng phát triển thị trường nội địa, cung ứng các sản phẩm gạo thơm đóng túi nhỏ thông qua hệ thống siêu thị và cửa hàng phân phối của công ty để tìm chỗ đứng vững chắc ở thị trường nội địa.

Thời gian qua, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư- Thương Mại- Du lịch thành phố và các địa phương đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho DN tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, phiên chợ công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông giới thiệu quảng bá sản phẩm của DN, cung cấp các thông tin liên quan đến chất lượng, mẫu mã, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để tạo lòng tin với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng tăng cường kiểm tra, đấu tranh có hiệu quả với các hành vi gian lận thương mại, xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo ông Lê Văn Hừng, ở sân chơi WTO, Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ DN về mặt pháp lý, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, hình thành thị trường tiêu thụ thông suốt, giảm gánh nặng cho DN trong giải quyết các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho DN cạnh tranh ngày càng tốt hơn. Vấn đề còn lại là bản thân DN phải tự thích ứng với sân chơi này, bên cạnh mở rộng hệ thống phân phối, tiếp cận thị trường bằng nhiều cách, DN cũng cần quản lý tốt hệ thống phân phối, giảm các tầng nấc trung gian để tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm của Công ty Cổ phần May Tây Đô tại một phiên chợ "Hàng Việt về nông thôn"

Chia sẻ bài viết