15/04/2013 - 20:41

NÂNG CAO CHỈ SỐ PCI

Cần sự đồng thuận và quyết tâm

Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 khu vực ĐBSCL có điểm số trung bình cao nhất cả nước, đạt 60,47 điểm. Điều này chứng tỏ quyết tâm cao của cấp chính quyền địa phương để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ấn tượng PCI

Môi trường kinh doanh tại khu vực ĐBSCL ngày được cải thiện góp phần nâng cao CPI cho khu vực. Trong ảnh: Mua sắm tại Siêu thị Big C. 

PCI là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thực hiện từ năm 2006, đánh giá hàng năm dựa trên các chỉ tiêu: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý. PCI được sử dụng như một công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố. Vùng ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực và thủy sản lớn nhất Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, các địa phương khu vực ĐBSCL có sự cải thiện năng lực cạnh tranh tương đối đồng đều, điều này chứng tỏ đã có sự chia sẻ thực tiễn hiệu quả, lãnh đạo địa phương tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính sự hợp tác này đem lại sự thành công cho khu vực ĐBSCL.

Theo sơ lược thống kê chỉ số PCI đối với khu vực ĐBSCL trong những năm trở lại đây: năm 2008 có 2 tỉnh nằm trong top 5 cả nước, 5 tỉnh nằm trong top 10 cả nước; năm 2010 có 2 tỉnh trong top 5, 6 tỉnh trong top 10 và năm 2012 khu vực ĐBSCL trở thành điểm sáng của bảng xếp hạng khi Đồng Tháp, An Giang nằm trong nhóm đứng đầu bảng xếp hạng; 6 tỉnh trong top 10, không có tỉnh nào nằm dưới nhóm khá. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VCCI, nhận định: "Vùng ĐBSCL có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt trong xuất khẩu hàng nông sản. Từ sự phát triển vượt bậc, thể hiện rõ nhất là môi trường đầu tư của vùng, số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng doanh nghiệp mới được thành lập ở khu vực ngày càng gia tăng. Kết quả này còn cho thấy sự quan tâm của Chính phủ, sự đồng thuận quyết tâm cao của chính quyền địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của vùng". Với những kết quả đạt được, mục tiêu từ nay đến năm 2020 vùng ĐBSCL tiếp tục là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng cả nước.

Cần quyết tâm và đồng thuận

Dù đạt được thành công bước đầu, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, hình ảnh phát triển chung của vùng vẫn còn khá chậm so với một số khu vực khác, đặc biệt luồng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ĐBSCL còn khá yếu. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI, phân tích: "Phải nhìn nhận một thực tế, mặc dù là vùng có điểm đánh giá chỉ số PCI trung bình cao nhất trong năm 2012, nhưng so với năm ngoái chỉ số đã giảm. Khu vực vẫn còn bất lợi về kết cấu hạ tầng giao thông, việc sử dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp còn thấp, trình độ nhân lực chưa cao, nguyên liệu sẵn có tại chỗ ít, khu công nghiệp ít… nên tình hình kinh tế nhìn chung chưa có những chuyển biến mạnh, chưa thu hút tốt đầu tư FDI". Bên cạnh việc nỗ lực khắc phục những điểm bất lợi, ông Tuấn còn nhấn mạnh: để tạo hình ảnh đến các nhà đầu tư, các địa phương cần chú trọng nhiều hơn ở vấn đề ưu đãi đầu tư và chi phí lao động…

Cùng ý kiến với ông Tuấn, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, một trong những vấn đề cần cải thiện chính là khoảng cách từ khu vực sản xuất tới thị trường, chất lượng hạ tầng giao thông, viễn thông… Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng lao động qua đào tạo nghề còn khá thấp, dịch vụ việc làm chưa thực sự phổ biến. Thực tế cho thấy, hiện các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã có nhiều cải thiện trong môi trường đầu tư, song hiệu quả thu hút chưa cao. Điển hình với Đồng Tháp, tỉnh có chỉ số PCI nằm trong tốp đầu nhiều năm liền, nhưng theo số điểm năm 2012 (63,9 điểm) thấp hơn so với năm 2011 (67,06 điểm). Hiện Đồng Tháp có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trên khắp các lĩnh vực như: Chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy sản, hàng dệt may… Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: " Là một địa phương có địa hình khuất nẻo, để thu hút đầu tư chúng tôi đã phải nỗ lực rất lớn và sự đồng thuận cao của các cấp lãnh đạo trong việc cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng đầu tư. Ngoài ra, chúng tôi luôn chăm lo, tìm hiểu chia sẻ những gì doanh nghiệp cần và những khó khăn cần hỗ trợ, tháo gỡ… Đồng thời, quan tâm đến sự phát triển bền vững của các đơn vị doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ xây dựng những kế hoạch dài hơi và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện những mục đích đó".

Thông thường khi môi trường kinh doanh tốt sẽ có nhiều doanh nghiệp ra đời. Từ đó, thất nghiệp ít, dân cư lao động đến đông, nền kinh tế càng phát triển. Trên thực tế, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm nhiều đến môi trường kinh doanh và các yếu tố thể chế. Nền kinh tế càng đi vào chiều sâu thì vấn đề thể chế càng trở nên quan trọng. Không chỉ khi có cuộc đo lường, đánh giá qua chỉ số PCI (năm 2006) mà việc cải thiện môi trường kinh doanh ở ĐBSCL được quan tâm từ khá sớm. Năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, ĐBSCL có số doanh nghiệp chiếm trên 20% so với tổng doanh số cả nước. Năm 2012 có 42.852 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp Nhà nước 264, doanh nghiệp FDI 516, doanh nghiệp tư nhân 43.104. Đồng thời, môi trường kinh doanh được cải thiện thông qua các chương trình hỗ trợ từ các nghiên cứu, các buổi hội thảo, lớp học, tổ chức đối thoại. PCI đã giúp cho lãnh đạo địa phương hiểu và cảm nhận được những gì đã diễn ra trong năm, từ đó xây dựng hoạt động cho năm tiếp theo.

Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận định: "ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, cùng với sự tích cực sáng tạo của các địa phương trong khu vực đã tạo cho khu vực ĐBSCL có sự chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư hướng đến thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư... Mặc dù được quan tâm, đầu tư, nhưng các tỉnh ĐBSCL vẫn tồn tại nhiều điểm yếu, đặc biệt là nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, kinh tế mới chỉ phát triển theo chiều rộng, khai thác theo tiềm năng vốn có, tầm nhìn chiến lược đối với vùng còn hạn chế nên vùng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Để phát triển bền vững, cần phải nâng cao chất lượng đào tạo, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có trình độ khoa học công nghệ cao, đặc biệt cần phải có sự liên kết vùng".

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết