14/04/2014 - 22:37

PHÁT TRIỂN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Cần sớm hoàn thiện thể chế, chính sách

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương vừa có buổi làm việc với TP Cần Thơ nhằm ghi nhận tình hình thực tế tại địa phương phục vụ tổng kết đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW hội nghị lần 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về "Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" (gọi tắt là Nghị quyết TW6). Tại buổi làm việc, các đại biểu đã phân tích những thành công và hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết TW6 tại TP Cần Thơ thời gian qua…

Nhiều thành công nhưng cũng còn hạn chế

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết TW6, kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ đã phát triển khá toàn diện và tích cực. Trong giai đoạn từ 2008-2013, GDP thành phố tăng bình quân 13,88%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 26,8 triệu đồng lên 62,9 triệu đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng từ 862 triệu USD lên 1,5 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân 16,75%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện giai đoạn 2008-2013 đạt 166.262 tỉ đồng, tăng bình quân 20,7%/năm. Các mặt công tác an sinh xã hội, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,13% năm 2008 xuống còn 3,95% vào cuối năm 2013 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015... Riêng trong quý I-2014, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với GDP tăng trưởng 8,32% (giá so sánh 2010), tăng nhẹ so với mức tăng trưởng cùng kỳ (8,2%); giá trị sản xuất công nghiệp và chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng lần lượt 7,9 và 5,95% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ (giá so sánh 2010) tăng 14,5% so với cùng kỳ…

Thời gian qua, hoạt động thương mại tại TP Cần Thơ có bước phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Mua bán hàng tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết TW6, TP Cần Thơ cũng còn một số hạn chế. Theo đánh giá của Thành ủy Cần Thơ, dù thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực của thành phố. Trong khi đó, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của hàng hóa tại địa phương còn hạn chế. Đội ngũ quản lý vĩ mô, quản trị sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn yếu, chưa đáp ứng được đòi hỏi về cạnh ở tầm khu vực, thế giới và chưa nhận thức đầy đủ về nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước nên còn bị động. Mặt khác, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống hiệu quả chưa cao. Một bộ phận nhân dân lao động và cán bộ, công chức còn khó khăn do đồng lương còn thấp. Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc…

Nhiều ý kiến của các đại biểu cũng chỉ rõ tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, trốn thuế, lậu thuế vẫn còn xảy ra và chậm được khắc phục. Đặc biệt, nhiều vấn đề xã hội phát sinh trong nền kinh tế thị trường chưa được kịp thời ngăn chặn và giải quyết đồng bộ. Ông La Minh Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, nhìn nhận: Chủ trương thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Nhà nước đã tạo một "làn gió mới", thúc đẩy sự phát triển, năng động của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp đã cổ phần. Song, điều mà các doanh nghiệp làm ăn chân chính đang băn khoăn là họ chưa được bảo vệ tốt do còn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh của các loại hàng nhập lậu, trốn thuế, hàng giả và kém chất lượng. Tới đây, các doanh nghiệp rất muốn có một sân chơi bình đẳng trong cơ chế thị trường, với sự quan tâm quản lý tốt chất lượng, xuất xứ các loại hàng hóa của Nhà nước. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cũng nêu lên một thực tại đáng lưu ý là việc định giá và ban hành giá đất của các cơ quan nhà nước chưa sát với giá thị trường. Từ đó, còn gây bức xúc cho người dân, nhất là những trường hợp bị thu hồi đất phải nhận bồi hoàn ở mức giá đất được chính quyền các địa phương ban hành hằng năm theo mức giá không được vượt khung giá đất chung của Chính phủ.

Cần sớm bổ sung, hoàn chỉnh thể chế, chính sách

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế một phần do một số bất cập, khó khăn chung về cơ chế chính sách. Đáng chú ý là hệ thống pháp luật đôi khi còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Các cơ chế, chính sách xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai, tài nguyên môi trường, tài sản công… vẫn chưa thật thỏa đáng. Vấn đề sở hữu, quản lý và phân phối trong các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa được giải quyết tốt, gây khó khăn cho phát triển và làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là khi tiến hành cổ phần hóa. Chính sách tiền lương còn mang tính bình quân, chưa đảm bảo đời sống của người hưởng lương, chưa khuyến khích, thu hút và sử dụng được người tài. Hệ thống thuế chưa thực hiện tốt chức năng điều tiết và đảm bảo công bằng xã hội, thúc đẩy đầu tư, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu. Cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực y tế, văn hóa, xã hội được quan tâm đổi mới nhưng vẫn còn chậm và chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển…

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, thời gian qua kinh tế nước ta phát triển, nhưng một số cơ chế chính sách chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến kìm hãm sự phát triển ở một số lĩnh vực. Thực tế cho thấy, các cấp, các ngành đều có quy hoạch, kế hoạch phát triển nhưng trong quá trình thực hiện còn thiếu các công cụ pháp lý để quản lý chặt các quy hoạch. Đây có lẽ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nông dân còn sản xuất chạy theo phong trào, thường xuyên gặp cảnh trúng mùa rớt giá, hết nuôi trồng cây con này rồi lại chặt bỏ nuôi trồng cây con khác. Trong khi một số chính sách giúp tiêu thụ nông sản cho nông dân như mua tạm trữ lúa gạo chỉ mới là giải pháp tạm thời. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng kiến nghị: "Trung ương xem xét có các giải pháp căn cơ hơn thông qua việc có các cơ chế chính sách phù hợp nhằm quản lý thực hiện các quy hoạch, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp về vốn, về cơ sở hạ tầng… để doanh nghiệp gắn kết với nông dân trong giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản".

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập sâu rộng với quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải tập trung cải tiến sản xuất để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, chúng ta còn còn gặp khó trong việc nâng cao sức cạnh tranh của các loại nông sản do những hạn chế về cơ chế chính sách vốn, chính sách sở hữu đất đai. Cụ thể, do chính sách hạn điền, nhiều loại nông sản ở nước ta chủ yếu sản xuất theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ, manh mún theo tập quán cũ, muốn liên kết các nông hộ lại để xây dựng mô hình sản xuất lớn và đổi mới sản xuất là một việc rất phức tạp. Chưa kể, nhiều nước trên thế giới đã cho nông dân trồng các loại bắp, đậu nành biến đổi gien với năng suất rất cao để làm thức ăn chăn nuôi, còn nước ta nông dân chưa được trồng nên sản phẩm trong nước khó cạnh tranh về giá với các loại bắp, đậu nành biến đổi gien được cho phép nhập khẩu. Trong khi đó, các nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và người dân hiện nay chủ yếu là vốn vay ngắn hạn. Các đối tượng vay vốn luôn phải lo chuyện đáo hạn ngân hàng, do vậy nhiều lúc phải bán tháo, bán đổ hàng hóa với giá rẻ để trả nợ, từ đó mất đi nhiều cơ hội kinh doanh tốt. Ông Nguyễn Minh Toại kiến nghị: "Các cấp và các bộ ngành Trung ương cần xem xét cơ cấu lại các nguồn vốn và có các biện pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ các nguồn vốn vay trung và dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Mặt khác, để nâng cao tính hiệu quả của nền kinh tế, chúng ta cần quan tâm nhiều đến yếu tố hiệu quả sản xuất, không nên chạy theo các chỉ tiêu số lượng sao cho năm sau cao hơn năm trước".

Phát biểu tại buổi làm việc với TP Cần Thơ, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW6, đánh giá cao những kết quả đạt được của TP Cần Thơ, đồng thời cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến và kiến nghị để tổng hợp báo cáo Trung ương có giải pháp khắc phục. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, dù chúng ta đang phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng tư duy bao cấp vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ và người dân, nhiều người còn tâm lý ỷ lại và trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước, đây là điều cần sớm thay đổi. Trong khi đó, giá cả các loại hàng hóa trên thị trường sẽ được vận hành theo cơ chế thị trường là xu thế tất yếu, song hiện còn một số loại giá (như điện, than, xăng dầu; giá dịch vụ công về y tế, giáo dục…) chúng ta chưa thể tính đủ và tính đúng ngay mà cần phải có lộ trình để tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân…

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW hội nghị lần 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X được ban hành ngày 30-1-2008 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 22/2008/NQ-CP, Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành ngay các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện và tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị và nhân dân. Thành phố đã triển khai đồng bộ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tạo được sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành những vấn đề có liên quan về sở hữu, về phân phối, về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế. Đồng thời, TP Cần Thơ cũng quan tâm gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường thông qua các công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Khuyến khích sự tăng cường tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và của nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội…

Chia sẻ bài viết