29/09/2013 - 20:21

Cần sớm có nghị định để gỡ khó cho ngành cá tra

Trong 3 năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp (DN) nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra phá sản hoặc đứng trên bờ vực phá sản do thị trường xuất khẩu sụt giảm. Thị trường Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra phi lê cũng làm ngành cá tra điêu đứng. Ngành cá tra đã rơi vào khủng hoảng thừa, trong khi diện tích nuôi cá tra ở một số tỉnh, thành ĐBSCL lại tăng lũy tiến. Ngành cá tra đang cần cuộc "đại phẫu" để thay đổi và tồn tại.

Cần hình thành chuỗi liên kết

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trong tổng diện tích nuôi cá tra khoảng 818ha của thành phố có 13 DN nuôi với diện tích 192 ha, 5 hợp tác xã và 1 tổ hợp tác nuôi 140ha, 15 hộ dân liên kết DN nuôi khoảng 35ha, còn lại 414ha của 182 hộ dân nuôi nhỏ lẻ. Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, trong tình hình khó khăn như hiện nay, cần tăng cường liên kết, chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy làm là hướng đi duy nhất giúp cho người nuôi cá tra ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có thể thoát khỏi cảnh thua lỗ triền miên.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ.

Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), cho biết: "Sản phẩm cá tra xuất khẩu có đóng góp rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, nếu ngành cá tra hoạt động không hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, DN, công nhân ngành này. Hiện nhiều DN thực hiện khép kín từ nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, nhưng cách làm này khó bền vững. DN thiếu vốn, nếu vừa đầu tư nuôi cá, vừa đảm bảo chế biến, xuất khẩu là điều không dễ dàng vì "ngốn" rất nhiều vốn. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, DN dễ bị lỗ kép. Việc hình thành chuỗi liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân với DN mới là hướng đi hợp lý cho ngành cá tra". Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cho rằng, các hộ nuôi cá muốn tiếp tục tồn tại, phải liên kết với nhau và liên kết với DN. Thực tế, nhiều hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ bị lỗ nặng nhưng cũng có những hộ liên kết với DN, hoặc nuôi gia công cho DN vẫn sống khỏe.

ĐBSCL là vùng có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nuôi cá tra, nhưng sự phát triển quá nóng thời gian qua đã dẫn đến khủng hoảng thừa, người nuôi cá và DN đều không tự chủ về giá bán. Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, giá xuất khẩu cá tra phi lê từ khoảng 4 USD/kg xuống còn dưới 2 USD/kg. Giá bán cá tra nguyên liệu trong nước liên tục dưới giá thành sản xuất trong một thời gian dài làm nhiều hộ nuôi cá bị phá sản. Chính vì vậy, việc điều tiết, giảm sản lượng nuôi trở nên cấp thiết. Đây cũng là giải pháp để xóa tình trạng sản xuất tự phát. Các tỉnh, thành nuôi cá cần ngồi lại, hình thành chuỗi liên kết từ khâu làm giống, cung cấp thức ăn đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm các chi phí sản xuất đầu vào, đảm bảo chất lượng đầu ra.

Liên kết trong sản xuất, tuân thủ các quy hoạch ngành là vấn đề được bàn nhiều lần, có giải pháp thực hiện, nhưng ứng dụng vào thực tiễn không đạt yêu cầu. Các địa phương vẫn đặt nặng chỉ tiêu, thành tích ngành… Do vậy, để hình thành chuỗi liên kết, các nhà quản lý, DN và người nuôi cùng quan điểm là ngân hàng làm "nhạc trưởng". Nếu ngân hàng căn cứ theo quy hoạch, giải ngân vốn đến đúng địa chỉ, đối tượng sẽ giúp ngành cá tra đi vào nề nếp. Bởi vốn là nguồn lực quan trọng để DN, người nuôi có thể tiếp tục bám nghề.

Sớm có nghị định cá tra

Trên thực tế, điều tiết sản lượng ở mức phù hợp và chấm dứt tình trạng nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tự phát không dễ, do thiếu công cụ pháp lý cần thiết. Các địa phương thiếu sự quyết tâm thực hiện do sợ mất quyền lợi của mình khi giảm sản lượng nuôi cá tra. Vì vậy, một nghị định về sản xuất và tiêu thụ cá tra cần sớm được ban hành, làm cơ sở pháp lý giúp các địa phương định vị lại ngành cá tra.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, nói: "Từ năm 2005, việc nuôi trồng và tiêu thụ cá tra đã được xác định là ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện theo quy định tại một số Nghị định của Chính phủ. Chẳng hạn hộ nuôi cá tra phải đăng ký giấy kinh doanh, nhưng điều này không đủ để quản lý chặt chẽ ngành cá tra do còn thiếu các văn bản hướng dẫn chi tiết. Hiện mới có DN đăng ký kinh doanh còn hộ nuôi thì chưa, trong khi ngành chức năng địa phương chưa thể bắt buộc các hộ dân thực hiện vì thiếu cơ sở pháp lý". Theo ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc CASEAMEX, sau 20 năm hình thành và phát triển, sản xuất và tiêu thụ cá tra đang bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Muốn ổn định và tiếp tục phát triển ngành cá tra, phải điều tiết được cung cầu của mặt hàng này. Con cá tra từng đem lại mức lợi nhuận cao, kích thích nhiều người gia nhập lĩnh vực này, dẫn đến khủng hoảng thừa, thua lỗ nặng, nhưng nhiều người vẫn nuôi hy vọng còn cơ hội kiếm lợi từ con cá tra! Vì vậy, sẽ khó quản lý được diện tích nuôi cá khi giá tăng, nếu các chính sách quản lý không chặt chẽ và các địa phương không quyết tâm giảm diện tích.

Theo Hiệp Hội cá tra Việt Nam, việc sớm cho ra đời nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là yêu cầu cấp thiết hiện nay, giúp gỡ khó cho con cá tra và giải quyết cái gốc của bất cập. Nghị định đã qua nhiều lần dự thảo hiện đã được trình Chính phủ. Trong Nghị định nêu rõ các điều kiện bắt buộc cần có của các tổ chức, cá nhân trong việc nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra. Đây sẽ là "công cụ" pháp lý quan trọng, giúp các cấp, các ngành chức năng và địa phương vùng ĐBSCL "tái cơ cấu" ngành cá tra. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cũng cho rằng, TP Cần Thơ và các địa phương vùng ĐBSCL rất trông chờ Chính phủ sớm ban hành Nghị định về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra để thực hiện quy hoạch, sản xuất thống nhất. Tuy nhiên, để cứu ngành cá tra, thêm vào đó, rất cần sự đồng thuận và phối hợp thực hiện tốt giữa các địa phương và các bên có liên quan.

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết