18/03/2010 - 22:15

Cần sớm có giải pháp an cư cho người dân vùng sạt lở

Sạt lở bờ sông là một vấn nạn mà người dân, chính quyền địa phương, các ngành chức năng nơi có sạt lở hết sức lo ngại, tìm mọi biện pháp khắc phục. Gần đây nhất, ở TP Cần Thơ xảy ra vụ sạt lở đường dẫn cầu Trà Niền trên tỉnh lộ 923, huyện Phong Điền (ngày 6-3-2010) đã để lại hậu quả nghiêm trọng, làm hai bà cháu bị thiệt mạng và nhiều gia đình phải di dời nhà ở. Mặc dù, các ngành chức năng huyện Phong Điền và TP Cần Thơ đã tập trung khắc phục hậu quả, nhưng hiện nay trên tỉnh lộ 923 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông, đường giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

* Khổ vì “hà bá” nuốt

Vụ sạt lở bờ sông tại đường dẫn cầu Trà Niền, thuộc thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, vào ngày 6-3-2010 đã khiến người dân lo sợ. Trong đó có 5 căn nhà bị sụp hoàn toàn xuống sông, hai bà cháu bị thiệt mạng đã để lại nỗi đau thương cho gia đình. Sau khi đường dẫn cầu Trà Niền bị sạt lở (dài khoảng 80m), cơ quan chức năng đã phong tỏa lối đi qua cầu Trà Niền và bố trí phà đưa rước khách tại 2 bờ sông... Lực lượng thanh tra giao thông, công an phối hợp cùng chính quyền địa phương điều tiết giao thông, chấn chỉnh tình trạng phà chở quá tải, quá số người quy định, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc khi phà hoạt động trong thời gian xây dựng và chờ hoàn thành tuyến đường dân sinh, cầu tạm trên sông Trà Niền. Nhưng điều đáng ngại hiện nay là người dân đi qua phà phải tốn phí: Người đi bộ trả 500đồng/lượt, xe đạp 1.000 đồng/lượt, xe máy 2.500đồng/lượt. Anh T.P, đang công tác tại một cơ quan nhà nước ở huyện Phong Điền, cho biết: “Từ khi đường dẫn cầu Trà Niền bị sạt lở, tôi qua lại khu vực này bằng phà. Nhưng, mỗi ngày tôi qua phà này 4 lượt tốn hết 10.000 đồng, còn đồng nghiệp của tôi có con đi học và mỗi ngày đưa rước mất hết 20.000 đồng tiền qua phà, nếu tình trạng này kéo dài đồng lương của chúng tôi làm sao kham nổi. Mong ngành chức năng thành phố sớm khắc phục tình trạng này để người dân không tốn tiền mỗi khi đi qua khu vực này”.

Khi đường dẫn cầu Trà Niền sạt lở, anh Lương Thanh Liêm (ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền) có một vựa trái cây rơi xuống sông. Anh Liêm cho biết: “Sau khi bờ kè chợ Phong Điền bị sụp (năm 2005), gia đình tôi không dám ở trong vựa trái cây vào ban đêm. Đêm sạt lở đường dẫn cầu Trà Niền, gia đình tôi không bị thiệt hại nặng về tài sản là nhờ chính quyền địa phương, ngành chức năng huyện, thành phố cảnh báo, yêu cầu di dời tài sản, con người ra khỏi khu vực này”.

Sau khi bị sạt lở, đường dẫn cầu Rạch Kè trên tỉnh lộ 923 đang được xây dựng bờ kè.
Ảnh chụp lúc 10 giờ ngày 7-3-2010.    

Thời gian qua, trên tỉnh lộ 923 xảy ra nhiều vụ sạt lở, để lại hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như năm 2005, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại khu vực gần chợ Mỹ Khánh (huyện Phong Điền). Hơn 30m đường nhựa của tỉnh lộ 923 vừa thi công xong đã bị sụp lở hoàn toàn, 5 căn nhà bị ảnh hưởng trực tiếp, 20 căn nhà khác phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cũng trong năm 2005, gần cầu Cái Sơn (phường An Bình, quận Ninh Kiều) tiếp tục xảy ra vụ sạt lở bờ sông dài 24m nhấn chìm 2 căn nhà xuống sông. Tết năm 2007, bờ kè Phong Điền bị sụp dài gần 150m, rộng trên 20m, thiệt hại khoảng 1,7 tỉ đồng và hàng chục căn nhà rơi xuống sông.

Còn các công trình thi công cầu Rạch Kè, Trường Tiền, cầu Ông Đề (dự án 7 cầu trên tỉnh lộ 923, trong đó có cầu Trà Niền) cũng bị đình trệ do tình trạng sạt lở đường dẫn và ở khu vực gần công trình, chủ đầu tư phải cho làm tường bảo vệ mới thi công tiếp được. Riêng cầu Trường Tiền đang tạm ngưng thi công để chờ giải pháp khắc phục do công trình bị dịch chuyển sau vụ sạt lở. Hiện có 6 hộ dân cặp bờ sông, gần khu vực xây dựng cầu đang được chính quyền địa phương vận động, hỗ trợ di dời ra khỏi khu vực.

Nhiều người dân sống dọc theo tỉnh lộ 923 cho rằng với tình trạng sạt lở ngày càng nhiều thì tuyến đường này nên dịch chuyển vào trong, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, ngành chức năng huyện Phong Điền và TP Cần Thơ sớm có giải pháp hỗ trợ những hộ dân sống dọc theo đường, cặp bờ sông Cần Thơ di dời đến nơi an toàn. Vì hầu hết bà con là những gia đình sống bằng nghề buôn bán, làm thuê, làm mướn, không đủ khả năng mua nền, xây dựng nhà mới ở nơi an toàn.

* Cần giải pháp an toàn cho người dân

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hàng năm, thành phố đều dành ngân sách cho việc duy tu, gia cố, sửa chữa những đoạn đê bao ngăn lũ, các tuyến đường sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở. Tuy nhiên, hiện nay tuyến dân cư nằm cặp theo sông Cần Thơ (đoạn dọc theo tỉnh lộ 923), có đoạn có nguy cơ sạt lở rất cao. Để khắc phục sự cố sạt lở cần có giải pháp đánh giá nguyên nhân sạt lở, nguy cơ bị sạt lở. Nhưng trước mắt phải ưu tiên di dời dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

Hiện tượng sạt lở tỉnh lộ 923, cặp theo sông Cần Thơ (từ Cái Răng đến huyện Phong Điền) đã được các ngành chức năng cảnh báo từ trước năm 2000. Theo ông Đinh Văn Thảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, 7 cây cầu trên tỉnh lộ 923 được thiết kế trước năm 2000 và khi đó đã tính yếu tố sạt lở bờ sông nên có biện pháp gia cố trụ, mố cầu. Thế nhưng, ngành chức năng không lường hết tình trạng sạt lở quá nhanh trong những năm gần đây cùng với việc biến đổi dòng sông quá lớn đã tác động xấu đến công trình. Khi thiết kế xây dựng, mở rộng tỉnh lộ 923, thành phố có phương án di dời tuyến đường vào phía trong, nhưng cuối cùng đã thống nhất thiết kế bám theo tuyến đường cũ để giữ lại tuyến lộ Vòng Cung lịch sử. Ông Thảo cũng cho biết đối với những công trình sắp tới thi công gần sông, rạch có nguy cơ sạt lở sẽ cho kéo dài nhịp để giảm chiều cao trọng lượng đất đá đắp ở đầu cầu.

Chỉ đạo tại cuộc họp ngày 15-3-2010 bàn về biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở đường dẫn cầu Trà Niền, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Công tác giải phóng mặt bằng, giải pháp kỹ thuật xây dựng đường dân sinh, cầu tạm phục vụ người dân qua lại sông Trà Niền phải được chủ đầu tư (Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ), chính quyền địa phương và đơn vị thiết kế khẩn trương thực hiện để công trình sớm triển khai thực hiện, đưa vào sử dụng, tránh tiềm ẩn những rủi ro do phà đưa khách, phương tiện giao thông qua sông. Công trình này được phép tiến hành thực hiện song song trong khâu xây dựng cũng như lập thủ tục xây dựng cơ bản. Nghĩa là vừa làm thủ tục xây dựng cơ bản vừa triển khai thi công công trình, miễn đảm bảo thủ tục xây dựng cơ bản đầy đủ khi công trình xây dựng hoàn thành. Sở Giao thông Vận tải kết hợp cùng sở, ngành có liên quan tìm chọn đơn vị độc lập, có đủ năng lực, phương tiện hiện đại để thực hiện công tác khảo sát, đánh giá sự cố sụp lở nhằm tìm ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục tình trạng này. Song song đó, công tác khảo sát, đánh giá sự ảnh hưởng và những bất lợi của điều kiện tự nhiên đến tỉnh lộ 923 cũng được thực hiện. Sau khi có kết quả, thành phố sẽ đưa ra phương án xử lý, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra”.

Huyện Phong Điền cũng có kế hoạch di dời người dân ở vùng sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở ở bờ sông Cần Thơ, ở tỉnh lộ 923, vào xây dựng nhà ở tại khu dân cư Trung tâm Thương mại Phong Điền, khu dân cư Cầu Nhím, Vàm Xáng... Đã có một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở bờ kè chợ Phong Điền vào xây dựng nhà ở tại khu dân cư Trung tâm Thương mại huyện Phong Điền. Tuy nhiên, địa phương cũng đang cần sự hỗ trợ của thành phố để xây dựng, nâng cấp một số khu dân cư phục vụ người dân sống ở vùng sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở. Kế hoạch này thuộc chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 (2008-2010). Trong đó bao gồm việc hoàn thiện, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở trong cụm dân cư vượt lũ (đã xây dựng xong), đồng thời xây dựng các cụm, tuyến dân cư mới, giải quyết chỗ ở cho các hộ dân sống trong vùng bị sạt lở và nguy cơ bị sạt lở.

Sạt lở đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, chết người, thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân. Những người dân đang sống dọc theo tỉnh lộ 923, cặp sông Cần Thơ ở những đoạn có nguy cơ bị sạt lở, hiện đang rất lo ngại trước vấn nạn này. Mong rằng chính quyền các cấp khẩn trương triển khai những giải pháp trên để người dân đi lại thuận tiện hơn trên tỉnh lộ 923 và người dân sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở cũng sớm có nơi an cư lạc nghiệp.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết