25/03/2024 - 08:23

Cần quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 

Tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) vẫn còn diễn ra ở một số đơn vị, doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm, để làm cơ sở áp dụng biện pháp xử lý, chế tài tương ứng.

Viên chức BHXH TP Cần Thơ tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến NLÐ.

Do tình hình kinh tế khó khăn, hiện nay, tại một số đơn vị, doanh nghiệp xảy ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 22.584 đơn vị. Kết quả, tổng số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là hơn 2.321 tỉ đồng; số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi kiểm tra là 1.324,4 tỉ đồng. Phát hiện 54.889 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng, với số tiền truy thu 192,5 tỉ đồng... Chị Nguyễn Thị Phương T, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, nói: “Hơn 8 năm nay tôi làm nhân viên cho một công ty, có ký hợp lao động. Công ty có tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho nhân viên đầy đủ. Tuy nhiên, gần đây, chúng tôi phát hiện công ty chậm đóng BHXH cho nhân viên. Tôi lo lắng tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ”.  

Hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm, được quy định tại Điều 17, Luật BHXH. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Điều 11, Luật BHYT quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, cả Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều không có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT. Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.

Về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn đóng được quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 39, Nghị định 12/2022/NĐ-CP và khoản 2, Điều 80, Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Thế nhưng, chưa có văn bản nào quy định rõ khái niệm về trốn đóng. Do vậy, không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng và như vậy cũng không có cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự. Vì vậy, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi trốn đóng. Hiện nay, trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định...

Điều 216, Bộ luật Hình sự quy định tội trốn đóng BHXH xác định yếu tố cấu thành của tội này là có hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác. Về nội dung này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã có Nghị quyết 05/2019/HĐTP ngày 15-8-2019 hướng dẫn áp dụng: “Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216, Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN”.

Tuy nhiên, do không có tách biệt rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN nên có sự khác nhau trong việc hiểu và xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố cấu thành tội phạm giữa các văn bản. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NLĐ, ngăn ngừa và xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH TP Cần Thơ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng cụ thể các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn, tổ chức thực hiện theo hướng quy định rõ các trường hợp chậm đóng (quá thời hạn quy định của Luật mà người sử dụng lao động không đóng hoặc không đóng đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN đã đăng ký...) và trốn đóng (không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN; đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN thấp hơn quy định; trường hợp chuyển hóa từ chậm đóng sang trốn đóng...) cùng với việc bổ sung các biện pháp, chế tài xử lý hành vi này.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

 

Chia sẻ bài viết